Tại sao các nhà máy của Nga hoạt động gấp đôi thời gian để cho ra lò ngày càng nhiều tên lửa phòng không S-400?
Chiến dịch tại Syria đã mang lại cho các nhà sản xuất vũ khí Nga điều gì và lực lượng tên lửa Nga sẽ được hưởng lợi như thế nào từ nhà máy mới thành lập ở Nizhny Novgorod?
Tờ Gazeta.ru đã thảo luận tất cả những thắc mắc này với các chuyên gia quân sự.
“Chúng tôi đang làm việc tới 7 ngày một tuần vì các hệ thống tên lửa S-400” – thành viên thuộc viện thiết kế Globus tại Ryazan tiết lộ vào năm 2015.
Đây là một trong những viện tham gia thiết kế và phát triển tên lửa phòng không S-400 do Almaz-Antei sản xuất.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với tên lửa S-300 và S-400, Nga đã thiết lập một nhà máy tại Nizhny Novgorod vào năm 2011. Gần đây, nhà máy đã đón Tổng thống Vladimir Putin tới thăm dây chuyền sản xuất.
Một nhà máy khác đã được mở tại Kirov vào tháng 2 năm nay.
Tổng thống Putin tới thăm nhà máy Nizhny Novgorod.
“Kể từ Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, người ta đã nhận ra rằng mối đe dọa chính đối với toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia đến từ bầu trời” - Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Phân tích Chiến lược nói với Gazeta.ru.
“Thực thế này sau đó đã được chứng minh qua các vụ đánh bom Nam Tư, tấn công Iraq, Libya và điều tương tự đáng lẽ sẽ xảy ra tại Syria nếu không nhờ quyết định điều máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Nga tới đó” – ông Pukhov cho hay.
Hệ thống phòng không S-400
Sự thiếu hụt các cơ sở sản xuất tên lửa S-300 và S-400 hiện nay một phần là do nhu cầu ngày càng tăng từ những khách hàng truyền thống của vũ khí Nga.
Đây là các quốc gia đang theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, có cơ sở tài chính và đoán biết được rằng chiến tranh tương lai sẽ như thế nào.
“Trung Quốc đứng đầu trong danh sách khách hàng mua S-400, tiếp sau là Ấn Độ và giờ là Venezuela, Algeria cùng Iran” – ông Pukhov nói.
Những quốc gia khách hàng “mới và vô cùng bất ngờ” sắp tới có thể được bổ sung vào danh sách này.
“Vài năm trước, Uganda đã mua máy bay chiến đấu Su-30 và các loại vũ khí khác của Nga, trị giá gần 1 tỷ USD. Ai Cập cũng cho biết nước này đang có kế hoạch mua một số hệ thống tên lửa S-300” – ông Pukhov nói tiếp.
Chiến dịch không kích của Nga tại Syria đã cho nhiều quốc gia thấy rõ ràng rằng mối đe dọa đối với chủ quyền của một quốc gia đến từ trên không, đồng thời làm nổi bật vai trò quan trọng của các hệ thống phòng không.
Một lý do khác khiến nhiều nước quan tâm tên lửa S-400 là: Không giống như “người tiền nhiệm” S-300, S-400 còn có thể tấn công các mục tiêu đạn đạo.
“Một mặt là đối phó tên lửa đạn đạo tiên tiến của Mỹ, mặt khác là đối phó những tên lửa kém tinh vi hơn từ phía Iran, Trung Quốc hoặc Triều Tiên” – ông Pukhov nhận định.