Nga phát triển máy bay thay thế MiG-31 theo nguyên mẫu nào?

Chúc Sơn |

Hãng Sputnik dẫn lời Tổng Tư lệnh lực lượng Không gian vũ trụ Nga, Tướng Viktor Bondarev cho biết Moscow bắt đầu phát triển máy bay thay thế MiG-31 sau năm 2019.

Ông Bondarev cho biết: “Việc nghiên cứu và phát triển một mẫu chiến đấu cơ đánh chặn cho tương lai sẽ bắt đầu sau năm 2019.

Những kế hoạch cho việc chế tạo mẫu máy bay đánh chặn này sẽ không ảnh hưởng đến phi đội chiến đấu cơ đánh chặn của lực lượng không gian vũ trụ hiện tại”.

Vị tướng này nói thêm rằng, việc nâng cấp các chiến đấu cơ MiG-31 cũng đã gần hoàn thành.

Dù Tướng Bondarev không tiết lộ Nga phát triển máy bay thay thế MiG-31 theo tiêu chuẩn nào, tuy nhiên theo tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hồi tháng 8/2014, Moscow sẽ phát triển máy bay mới trên nguyên mẫu của chính MiG-31.

Nga phat trien may bay dong the MiG-31 theo nguyen mau nao?
Tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Tuyên bố này được ông Dmitry Rogozin đưa ra khi Nga quyết định nối lại sản xuất dòng chiến đấu cơ này. Theo đó, việc sản xuất máy bay đánh chặn MiG-31 nên được nối lại vì chúng có thể chứng minh hiệu quả và thực sự không có đối thủ trong vòng hàng chục năm tới.

“Chiếc máy bay này không có đối thủ, đó là quan điểm của Ủy ban công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng, các ngành công nghiệp liên quan. Thậm chí là cả Duma Quốc gia cũng đã tổ chức các phiên điều trần đặc biệt về chủ đề đánh chặn.

Việc sản xuất sẽ được hồi sinh với các máy bay đang được nâng cấp. Máy bay chiến đấu này chắc chắn sẽ có hiệu quả trong nhiều năm tới với những thay đổi để phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại", ông nói.

Hiện nay, trong làng chiến đấu cơ nói chung, MiG-31 được xem là loại máy bay mạnh nhất với khả năng đối không tầm siêu xa, tốc độ gấp gần 3 lần vận tốc âm thanh, bay nhanh hơn bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào ngày nay.

Kể cả nếu so khả năng không đối không với tiêm kích đa năng tiên tiến, MiG-31 vẫn nhỉnh hơn.

Việc Nga phát triển máy bay mới trên nguyên mẫu MiG-31 do dòng chiến đấu cơ này sở hữu những tính năng cực ưu viêt. Cụ thể, MiG-31 là loại chiến đấu cơ đầu tiên trên thế giới trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động mang tên Zaslon S-800.

Nó có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 200 km, theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công 4 trong số đó. Biến thể nâng cấp Zaslon-M sau này có khả năng phát hiện mục tiêu tới 400 km và điều khiển 6 tên lửa tấn công cùng lúc.

MiG-31 được thiết kế với 10 giá treo vũ khí (4 dưới bụng, 6 trên cánh) mang được các loại tên lửa không đối không tầm ngắn, tầm trung và tầm siêu xa. 4 giá treo ở dưới bụng chỉ dùng để lắp tên lửa không đối không tầm siêu xa Vympel R-37 đạt tầm bắn tới 280 km.

Tên lửa ngoài khả năng tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiêm kích, cũng có thể diệt “mắt thần trên không” - máy bay chỉ huy cảnh báo sớm đường không của đối phương.

Các giá treo trên cánh được dùng để lắp tên lửa không đối không tầm ngắn R-60, R-73 và tên lửa tầm trung R-40.

Tuy nhiên đây không phải là sức mạnh phương Tây sợ nhất ở tiêm kích MiG-31. Theo một số nguồn tin tiết lộ, hiện nay loại vũ khí khủng khiếp nhất của tiêm kích MiG-31 là tên lửa diệt vệ tinh 79M6 (Liên Xô phát triển).

Tên lửa đánh chặn 79M6 là loại tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn. Nó có chiều dài gần 10 mét, đường kính 740 mm, trọng lượng phóng 4,5 tấn. Tên lửa có thể tiêu diệt vệ tinh ở độ cao từ 120 - 600 km.

Theo thiết kế, tiêm kích MiG-31 sẽ đưa tên lửa 79M6 lên độ cao từ 15 -18 km, sau đó MiG-31 sẽ thực hiện một động tác cơ động và phóng tên lửa. Tên lửa có thời gian bay đến mục tiêu từ 100 - 380 giây, nó được trang bị đầu đạn phân mảnh để tiêu diệt mục tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại