Thông tin này được Sputnik dẫn tuyên bố của chỉ huy Hạm đội Biển Đen, Đô đốc Alexander Vitko cho biết. “Những chiếc máy bay Su-30SM đang làm nhiều điều hơn việc chỉ bay diễu hành tại Sevastopol, chúng thường xuyên được sử dụng trong các bài tập trận.
Nga hiện cũng có kế hoạch triển khai thêm máy bay này đến bán đảo Crimea”, ông Alexander Vitko nói với RIA Novosti hôm 29/1.
Trước khi điều Su-30SM, Không quân Nga cũng đã triển khai máy bay tầm xa Tu-22M3 đến Crimea. Việc đưa máy bay hạng nặng Tu-22M3 đến Crimea đã nằm trong kế hoạch hồi năm 2014 của Nga.
Cụ thể, đến hết năm 2016, Không quân Nga sẽ hoàn tất việc đưa một trung đoàn máy bay Tu-22M3 tới Crimea. Ngoài ra, Nga còn sẽ đưa các máy bay tiêm kích Su-27, máy bay săn ngầm Tu-142, Il-38, trực thăng săn ngầm Ka-27/29 tới đây. Trong ảnh: Tiêm kích Su-30SM.
Trong đó, việc Nga điều Tu-22M3 tới Crimea thu hút rất nhiều sự chú ý. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc này, trang mạng Regnum (trụ sở ở Nga) đã có bài phân tích cán cân quân sự trong khu vực và toàn châu Âu sẽ thay đổi thế nào sau khi bố trí Tu-22 và Iskander-M.
Regnum cho rằng, với bán kính chiến đấu xa của Tu-22M3, cộng thêm tầm bắn của tên lửa có cánh đủ để bao trùm toàn bộ lãnh thổ vùng Tây Âu, kể cả nước Anh. Tu-22M3 sẽ có thể bay đến các nước Đông Âu với tốc độ vượt âm liên tục.
Tất cả những điều này là thêm một đòn mạnh có thể có đánh vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Một khi Iskander-M (có tầm bắn lên tới 500km) khai hỏa, tên lửa này sẽ không bị hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa đe dọa bởi nó có tốc độ bay nhanh, quỹ đạo bay phức tạp và đặc biệt, Iskander-M được trang bị công nghệ tàng hình độc đáo của Nga - công nghệ Plasma, theo Regnum.
Sự phối hợp Tu-22M3 với Iskander-M hoàn toàn làm mất giá trị các thành tố của hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ sẽ bắt đầu triển khai ở Ba Lan và Romania trong các năm 2018-2020.
Để làm được điều đó, Tu-22M3 sở hữu sức mạnh cực ấn tượng. Vũ khí cơ bản của Tu-22M3 là tên lửa hành trình có cánh Kh-22 có tầm bắn đến 500km và tốc độ đến trên 3.000km/h (được thiết kế để tấn công hủy diệt tàu sân bay Mỹ) và tên lửa Kh-15 có tầm bắn đến 250 Km và tốc độ đến 4.000 Km/h. Cả 2 loại tên lửa đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoài ra, tên lửa Kh-32 đang được nghiên cứu chế tạo cho Tu-22M3, dự kiến sẽ có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự li đến 1.000km với độ chính xác rất cao.
Đến năm 2020, có 30 chiếc Tu-22M3 sẽ được hiện đại hóa nâng cấp đến cấu hình Tu-22M3M và được trang bị chính những tên lửa này.
Ngoài những phương tiện và vũ khí nói trên, để bảo đảm an toàn cho Crimea có khả năng tự vệ mạnh mẽ trước các cuộc không kích, Nga sẽ xây dựng một hệ thống phòng không đa tầng hiện đại. Các phương tiện được triển khai đến Crimea là hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa S-300 và S-400.
Ngoài ra, Hạm đội Biển Đen tại Crimea sẽ đổi mới thành phần tàu chiến, gồm cả tàu mặt nước và tàu ngầm.
Theo một số chuyên gia, lý do Nga trang bị mạnh tay cho bán đảo Crimea là bởi vị trí chiến lược của nó. Theo đó, Crimea và đặc biệt là quân cảng Sevastopol là vị trí có tính chiến lược ở châu Âu. Từ vị trí này, có thể kiểm soát bán đảo Balkan, Bắc Trung Đông và Caucasus.
Ngoài ra, đối với nước Nga, đây cũng là cung đường duy nhất mở ra Địa Trung Hải thông qua các eo biển Dardannelles và Bosphore, giúp Hải quân Nga không chế Địa Trung Hải. Trong ảnh: Tiêm kích Su-30SM.
Với vị trí chiến lược như vậy nên dễ hiểu rằng, Crimea luôn luôn được Nga coi trọng. Mảnh đất này đã chứng kiến những thăng trầm lịch sử của nước Nga.
Những địa danh Sevastopol, Balaklava, Yalta không chỉ gợi nhớ đến những trận chiến chấn động lịch sử châu Âu, mà còn ghi lại những quyết định làm thay đổi trật tự thế giới. Trong ảnh: Tiêm kích Su-30SM.