Nga dừng mua sắm quốc phòng: Do quá mạnh hay thiếu tiền?

Chúc Sơn |

Nga đưa ra lý do cho việc ngừng mua sắm quốc phòng liên quan đến ngân sách, nhưng theo nhận định của phương Tây, tiền chưa hẳn là lý do chính.

Nga dừng mua sắm quốc phòng

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ chính phủ Nga cho biết, Nga đã quyết định dừng toàn bộ các chương trình mua sắm quốc phòng trong giai đoạn 2015 - 2025 cho tới khi nền kinh tế ổn định.

TASS dẫn lời quan chức cấp cao của chính phủ Nga cho biết: “Bất kỳ chương trình quốc phòng nào đều căn cứ trên các dự báo về kinh tế - xã hội quốc gia trung hạn và dài hạn. Hiện tại, Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính chưa thể cung cấp dự báo trên cho chúng tôi.

Chương trình mua sắm quốc gia quốc phòng Nga sẽ vẫn được thực hiện theo kế hoạch cũ tới năm 2020, còn chương trình mới giai đoạn 2015 - 2025 sẽ chỉ được hoạch định khi nền kinh tế Nga ổn định với các con số dự báo rõ ràng”.

Trước đó, Nga dự định bắt đầu chương trình mua sắm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2025 từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nên kế hoạch này bị tạm dừng.

Nga dự định sẽ dành 55.000 tỷ rúp cho chương trình mua sắm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2025, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 30.000 tỷ rúp.

Nga dung mua sam quoc phong: Do qua manh hay thieu tien?

Tiêm kích tàng hình T-50 được vận chuyển đến nơi thử nghiệm.

Theo Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Nga, nguồn tài chính dành cho chương trình mua sắm quốc phòng mới sẽ không vượt quá 70% chương trình giai đoạn 2011 - 2020 với khoảng 14.000 - 15.000 tỷ rúp.

Quân đội Nga hiện vẫn đang thực hiện chương trình mua sắm quốc phòng giai đoạn 2011 - 2020 với nguồn tài chính ước tính khoảng 20.000 tỷ rúp với yêu cầu “thay máu” tới 70% trang bị quân sự cũ bằng các loại hiện đại, đáp ứng học thuyết quân sự Nga trong tình hình hiện nay.

Trước khi Nga tuyên bố lý do dừng mua sắm quốc phòng cho đến khi kinh tế ổn định, nền kinh tế Nga được cho rằng đang rơi tự do do giá dầu sụt giảm và cấm vận phương Tây, rúp mất 50% giá trị trong năm 2014, nhưng sau đó phục hồi nhẹ do giá dầu thô tăng lại trong năm nay.

Do đó, nhiều quan chức chính phủ Nga hùng hồn tuyên bố cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này đã trôi qua.

Tuy nhiên mới đây chính phủ Nga thừa nhận kinh tế suy thoái trầm trọng hơn dự tính trong quý 2/2015, GDP giảm tới 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá dầu quốc tế tiếp tục giảm mạnh.

Hàng loạt chỉ số kinh tế của Nga như doanh số bán lẻ, đầu tư, mức lương thực tế… đều giảm mạnh trong quý 2.

Các quan chức điện Kremlin thừa nhận Moscow hiện không còn đủ dự trữ để hỗ trợ rúp. Dự trữ ngoại hối của Nga đã sụt từ gần 540 tỷ USD hai năm trước đây xuống còn 360 tỷ USD.

Để đối phó với tình trạng "rơi tự do" của đồng rúp, Chính phủ Nga một lần nữa lại gia tăng sức ép buộc các công ty xuất khẩu của nước này bán ra ngoại tệ. Đây là một biện pháp nhằm ngăn không cho bất ổn trên thị trường toàn cầu dẫn tới một đợt bán tháo mới nhằm vào đồng rúp.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng biện pháp trên chỉ có ảnh hưởng giới hạn ở thời điểm hiện tại vì đồng rúp Nga hiện đang “chung số phận” bị bán tháo như hàng loạt đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác.

Nga dung mua sam quoc phong: Do qua manh hay thieu tien?

Siêu tăng T-14 Armata.

Kinh tế có phải là vấn đề với Nga?

Khó khăn về kinh tế của Nga hiện nay là sự thật, tuy nhiên theo nhận định của tờ Telegraph, kinh tế không phải là nguyên nhân để Nga đưa ra quyết định dừng mua sắm quốc phòng.

Theo phân tích của Telegraph, chỉ cần Chương trình mua sắm quốc gia quốc phòng Nga vẫn được thực hiện theo kế hoạch cũ tới năm 2020, Quân đội Nga đã quá mạnh so với phần còn lại của thế giới.

Telegraph nhận định, 15 năm kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin bước vào điện Kremlin, quân đội Nga mạnh hơn, được trang bị tốt hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ngoài ra, Nga có thể điều động 760.000 quân cùng 2,5 triệu quân dự bị. Họ sở hữu nhiều xe tăng nhất hành tinh và lực lượng không quân lớn thứ 3 thế giới. Moscow vẫn duy trì được sức mạnh của một siêu cường sau khi Liên Xô tan rã.

Theo Telegraph, dù các vũ khí của Nga phần lớn có công nghệ hạn chế nhưng có hỏa lực cực mạnh. Họ vẫn là quốc gia sở hữu nhiều xe tăng, pháo tự hành, pháo phản lực bắn loạt nhất trên thế giới.

Quân đội Nga có kho vũ khí đồ sộ, tuy nhiên, phần lớn được sản xuất dưới thời Liên Xô. Một số thiết bị đã lạc hậu theo thời gian. Do đó, tờ báo Anh cho rằng, quân đội Nga vẫn kém Mỹ về tổng lực và thua một số nước phương Tây về công nghệ.

Moscow sớm nhận ra hạn chế đó và khởi động chương trình tái vũ trang quy mô lớn từ năm 2008. Thành công về kinh tế dưới sự điều hành của Tổng thống Putin góp phần đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội. Từ năm 2009, điện Kremlin tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Moscow tiến hành nhiều chương trình phát triển vũ khí mới với quy mô chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Năm 2014, Nga chi khoảng 62,7 tỷ USD (tương đương với 4,5% GDP) cho quốc phòng, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

SIPRI cho hay, ngân sách quốc phòng năm 2014 của Nga đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, Anh giảm ngân sách quốc phòng xuống còn 2,2% so với 3,6% của năm 2013 dẫn đến năng lực quân đội sụt giảm theo. Ngân sách dồi dào giúp Moscow duy trì và đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa quân đội.

Thành tựu mới nhất trong chương trình hiện đại hóa quân đội của ông Putin là xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 vừa ra mắt tại lễ duyệt binh ngày 9/5 và tiêm kích tàng hình Sukhoi T-50.

Theo giới thiệu của Nga, siêu tăng T-14 được trang bị tháp pháo điều khiển từ xa có khả năng nhắm mục tiêu tự động. Giới phân tích quân sự phương Tây nhận định, T-14 sở hữu đặc tính kỹ, chiến thuật vượt trội so với Challenger II của Anh, M1A2 Abrams của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại