Trả lời phỏng vấn độc quyền tờ Wall Street Journal ngày 11/3, ông Sergei Chemezov khẳng định, Nga không có kế hoạch đưa xe tăng T-14 Armata tối tân sang Syria.
Trước câu hỏi của Wall Street Journal về khả năng Nga sử dụng siêu tăng thế hệ mới trong cuộc chiến chống “Nhà nước Hồi giáo” (IS), Giám đốc tập đoàn công nghệ quốc gia Nga, Rostec cho biết: Ở đó không có Armata.
Thứ nhất, ở đó chúng tôi hầu như không có các thiết bị quân sự dành cho lục quân. Về cơ bản, đó là các khẩu súng và vũ khí chống tăng. Lực lượng mà chúng tôi sử dụng chủ yếu ở Syria là không quân”.
Ông Sergei Chemezov cũng cho biết, Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tăng T-14 Armata nhằm đáp ứng cho nhu cầu trang bị quốc phòng Nga tới năm 2020.
Lần đầu xuất hiện trước công chúng hôm 9/5/2015 trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít ở Quảng trường Đỏ, tăng T-14 Armata lập tức thu hút sự quan tâm của các chuyên gia quân sự nước ngoài.
Xe tăng T-14 Armata được nhận định sẽ định hình các xu hướng chính trong ngành chế tạo xe tăng thế giới trong 20 - 30 năm tới.
Ngoài khả năng vô hình trước radar, lớp giáp của siêu tăng T-14 Armata cũng được đánh giá là không thể chọc thủng và có khả năng bảo vệ trước bất kỳ loại đạn xe tăng hiện có nào, cũng như súng phóng lựu và các tên lửa chống tăng.
Hồi tháng 6/2015, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, tăng chiến đấu thế hệ mới T-14 Armata trong tương lai sẽ được trang bị pháo cỡ nòng 152 mm, có thể bắn thủng lớp thép dày 1 m.
Một khi được trang bị pháo 152 mm, T-14 Armata sẽ trở thành xe tăng có pháo lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Pháo tăng cỡ nòng này là gần bằng các loại pháo 155 mm của lực lượng pháo binh.