Thâm chí, nhiều loài động vật đã được huấn luyện để biến thành những "vũ khí" không thể ngờ tới trong chiến trận.
Ngựa chiến dũng mãnh và chó tinh khôn
Trong chiến đấu, ngựa là loài vật quen thuộc nhất. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chú ngựa oai phong trong bất cứ bộ phim cổ trang Trung Quốc nào.
Ngựa cũng có mặt trong đội quân kỵ binh, có vai trò quyết định chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của Napoleon. Còn ở Việt Nam, nói đến chú ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương thì chắc hẳn ai cũng biết.
Ngựa được sử dụng trong chiến tranh từ rất sớm, có thể nói là sớm nhất trong tất cả các loài động vật. Những bằng chứng để lại cho thấy, cách đây khoảng hơn 5.000 năm, ngựa đã được huấn luyện và sử dụng phổ biến trong chiến tranh.
Bởi bản tính trung thành, dũng cảm và khỏe mạnh, ngựa được sử dụng như một phương tiện có vai trò quan trọng trong việc trinh sát, đột kích, thông tin liên lạc, tiếp tế quân nhu.
Ngựa phù hợp với hầu hết các nền văn minh và địa hình, vì vậy, chúng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Có thể kể tới các nền văn hóa du mục từ thảo nguyên Trung Á, nền văn minh Đông Á, Bắc Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ…
Khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, các loại xe cộ trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu và áo giáp trở nên lỗi thời thì ngựa cũng dần ít xuất hiện trong quân đội các nước. Tuy vậy, trong lực lượng cảnh sát thì việc sử dụng ngựa vẫn khá phổ biển.
Hiện nay, ngựa chủ yếu được sử dụng trong các lực lượng bộ binh sơn cước, lính biên phòng và trong các đội kỵ binh nghi lễ.
Ngoài ngựa, lừa cũng được thường xuyên sử dụng với vai trò là "người vận chuyển" cho các đơn vị bộ binh sơn cước.
Cùng với ngựa, chó cũng là một chiến binh rất phổ biến. “Khuyển mã tri tình” là câu tục ngữ nói về sự thông minh, trung thành và tình cảm của hai chiến binh này.
Thế hệ 8x hẳn còn nhớ một thời đã phát sốt với chú chó Rex trong bộ phim "Rex - Chú chó thám tử". Chắc chắn nhiều người vẫn còn nhớ cảm giác đứng ngồi không yên với nhưng pha gay cấn của chú chó dũng cảm.
Thông minh, trung thành, dũng cảm cùng với đôi mắt tinh tường, đôi tai siêu thính chính là những đặc điểm nổi bật của loài chó mà không loài nào sánh được. Chó cũng chính là loài vật thân thuộc với con người.
Vì vậy, rất dễ hiểu khi chó được sử dụng một cách phổ biến trong quân đội và lực lượng vũ trang các nước. Tuy nhiên, để huấn luyện thành công những chú chó chuyên nghiệp thì cần rất nhiều thời gian và thực sự kỳ công.
Chúng được sử dụng sớm nhất tại Ai Cập, Hy Lạp, Ba Tư và La Mã. Nếu như ngựa đóng vai trò là phương tiện, thì những chú chó lại là những chiến binh tinh khôn nơi chiến trường.
Ngoài việc hoàn hành những nhiệm vụ con người giao cho, loài chó còn bảo vệ con người bằng mọi cách. Đã rất nhiều chú chó hy sinh và được nhớ tới như những anh hùng thực sự.
Để chiến đấu ở những nơi điều kiện khắc nghiệt như vùng Bắc cực giá lạnh, con người đã dày công huấn luyện chó sói để sự dụng thay cho chó nhà. Chính sự hoang dã và sức khỏe vượt trội đã giúp chó sói đã trở thành những chiến binh xuất sắc.
Ngày nay, những chú chó nghiệp vụ vẫn xuất hiện khá nhiều và không thể thiếu đối với các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới, ngay cả Việt Nam.
Nhờ sự tinh khôn chó vẫn được sử dụng trong hầu hết quân đội các nước
Ngộ nghĩnh với lính cưỡi bò, tuần lộc và lạc đà
Nghĩ đến những chú bò chậm rãi, ngộ nghĩnh, chắc hẳn nhiều người sẽ phải ngạc nhiên: “bò mà cũng được sử dụng trong các lực lượng vũ trang???”
Quả thật, chúng vẫn được những người lính biên phòng Trung Quốc, Pakistan…sử dụng trong các cuộc tuần tra và còn được sử dụng trong quân đội để vận chuyển lương thực.
Mỗi loài vật có một ưu điểm riêng và bò đã chứng tỏ được thế mạnh của mình ở nơi đèo núi hiểm trở khi có sức khỏe dẻo dai, đồng thời chịu được giá lạnh ở vùng núi cao.
Lính biên phòng Trung Quốc cưỡi bò tuần tra
Ở vùng Bắc cực, nơi tuyết phủ quanh năm, di chuyển bằng xe kéo bởi tuần lộc tuy trông hơi hài hước nhưng thực sự hiệu quả.
Không khó khởi động và đắt đỏ như các loại xe cơ giới khác, tuần lộc đã trở thành người bạn của những người lính Bắc cực trên những chặng đường đầy băng tuyết.
Tuần lộc kéo xe trượt tuyết chở binh lính ở Bắc Cực
Lạc đà cũng là loài vật xuất hiện từ rất sớm trong các cuộc chiến tranh ngay từ thời cổ đại. Sức khỏe tốt, khả năng chịu đựng siêu phàm trong mọi điều kiện khắc nghiệt, lạc đà là lựa chọn hàng đầu trong các cuộc chiến gian khổ.
Chúng vừa có thể tham gia chiến đấu lại vừa có thể vận chuyển lương thực với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với những loài vật khác.
Nhờ khả năng giữ nước rất lâu trong cơ thể và sự bình bĩnh bẩm sinh, lạc đà đã trở thành đội quân không thể thiếu, thậm chí là chủ lực trong các trận chiến trên sa mạc.
Đặc biệt, “hương thơm” từ lạc đà còn có thể khiến cho ngựa mất bình tĩnh và hoảng sợ, bởi vậy trong các cuộc chiến với đối thủ là ngựa thì đội quân lạc đà đã nắm chắc nhiều phần trăm chiến thắng trong tay.
Cũng như những loài vật khác, hiện nay lạc đà ít khi được sử dụng trong chiến đấu. Chúng chủ yếu được dùng để diễu binh, tuần tra biên phòng.
Lính Ấn Độ cưỡi lạc đà
Cá heo và sư tử biển – vệ sỹ của các căn cứ hải quân
Cá heo là một loài động vật thông minh nhất trong các loài động vật. Chúng thường xuất hiện rất gần gũi và vô cùng đáng yêu. Cá heo cũng là một loài động vật có vú tiêu biểu, chúng có thể giữ cho nhiệt độ của mình ổn định tại khắp mọi nơi của đại dương, kể cả Bắc cực.
Chính bởi sự thông minh, gần gũi và tài bơi lội siêu đẳng mà chúng đã lựa chọn để trở thành những chiến binh dưới nước.
Cá heo rất nhạy cảm với các loại sóng - điều mà không phải loài cá nào cũng có được. Bởi vậy, cá heo được coi như những sonar di động có thể phát hiện bất cứ động tĩnh nào dưới nước và cả các loại bom mìn có thiết bị điện tử.
Do vậy hiện nay, rất nhiều cá heo được huấn luyện để trở thành lính bảo vệ các căn cứ hải quân, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của người nhái đối phương và dò tìm các loại ngư lôi, thủy lôi dưới nước.
Cá heo được gắn các thiết bị dò tìm để bảo vệ căn cứ hải quân
Cùng với cá heo, sư tử biển là loại động vật dưới nước được huấn luyện và sử dụng rộng rãi trong quân đội cho đến tận ngày nay. Bởi những ưu điểm bẩm sinh kết hợp với sự linh hoạt mà không máy móc nào có thể thay thế được.
Những con sư tử biển được huấn luyện theo những chương trình riêng biệt với những mục đích khác nhau.
Chúng có thể đảm nhận các nhiệm vụ như phát hiện, gắn, tháo gỡ các vật kim loại ở vùng nước nông, chuyên chở các phương tiện, dụng cụ làm việc dưới nước, tháo gỡ máy dưỡng khí và đưa thợ lặn vào bờ…
Sư tử biển rất hiệu quả khi được sử dụng bảo vệ các căn cứ hải quân
Có thể nói, những loài vật có rất nhiều đặc điểm khác nhau, tuy nhiên mỗi loài đều có ưu điểm nổi bật mà ngay cả con người hay bất kỳ máy móc nào cũng không thể có đươc.
Chính vì vậy, dù khoa học kỹ thuật đã phát triển, con người đã có thêm nhiều phương tiện và thiết bị tinh vi nhưng vẫn còn đó sự hiện diện trong quân đội các nước một số lượng không nhỏ các loài động vật.