"Nga 'cứu' Không quân Anh khỏi hổ thẹn vì các tiêm kích Typhoon"

Vy Lam |

Đó là nhận định mà tờ The Guardian (Anh) đưa ra khi nói về chương trình tiêm kích Typhoon đang bị chỉ trích gay gắt do nhiều lần trì hoãn và có mức chi phí bị đội lên quá cao.

Dưới đây là nội dung bài viết của The Guardian:

Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Anh và 3 nước châu Âu khác đã thống nhất cùng phát triển một loại máy bay chiến đấu mới, với tên gọi ban đầu là Eurofighter, hay nay là Typhoon.

Nó được thiết kế để triển khai trong các trận không chiến với phi công Xô Viết trên các vùng đồng bằng ở Bắc Âu.

Tháng 12 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon biểu dương các phi công tiêm kích Typhoon thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF) vì đã có công ngăn chặn những chiếc máy bay lạ trong những tình huống gợi nhớ thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, có một điều mà ông Fallon không đề cập tới.

Đó là sau 30 năm phát triển, với số tiền khoảng 20 tỷ bảng đầu tư cho dự án, Typhoon vẫn chưa thể chống lại những đối thủ mà Thủ tướng David Cameron cho rằng đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với an ninh Vương quốc Anh.

Và nó sẽ không đủ khả năng đó, ít nhất là cho tới năm 2019.

Các tiêm kích Typhoon vẫn chưa được trang bị các tên lửa Brimstone mới nhất, hoạt động theo cơ chế "bắn - quên". Đây là vũ khí thông minh nhất và chính xác nhất trong kho vũ khí của RAF.

Vì vậy, các đợt không kích của Anh nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được giao cho các máy bay chiến đấu Tornado đã 30 năm tuổi.

Hiện tại, Typhoon đang trải qua các cuộc thử nghiệm khí động lực trước khi có thể lắp tên lửa vào giá treo dưới cánh.

Hiện nay, tiêm kích Typhoon hoạt động chủ yếu trong Không quân Hoàng gia Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha

Hiện nay, tiêm kích Typhoon hoạt động chủ yếu trong Không quân Hoàng gia Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha

Thành công ít, thất bại nhiều

Trong khi đó, chính phủ Anh đang tìm cách bù lại chút vốn, thông qua việc xuất khẩu các tiêm kích Typhoon ra thị trường nước ngoài.

Tháng 2/2014, sau nhiều năm đàm phán, Tập đoàn BAE Systems (hãng sản xuất tiêm kích Typhoon của Anh) đã thông qua thỏa thuận trị giá hàng tỷ bảng Anh để cung cấp 72 máy bay chiến đấu Typhoon cho Saudi Arabia.

Thỏa thuận trên được công bố sau khi Thái tử Charles (người kế vị ngai vàng nước Anh) có chuyến thăm chính thức tới Vương quốc vùng Trung Đông.

Ian King, Giám đốc điều hành của BAE cho hay, công chúng "sẽ không bao giờ biết được" người Saudi Arabia đã trả bao nhiêu tiền cho những chiếc máy bay này.

Nỗ lực thuyết phục UAE mua các tiêm kích Typhoon của Anh đã thất bại.

Nỗ lực thuyết phục UAE mua các tiêm kích Typhoon của Anh đã thất bại.

Trong khi đó, mặc cho sức ép rất lớn từ phía chính phủ Anh, bao gồm cả những chuyến công du thương mại do ông Cameron dẫn đầu, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vẫn quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua 60 chiến đấu cơ Typhoon trị giá 6 tỷ bảng Anh vào năm ngoái.

Không những thế, chính phủ Anh còn thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ chọn các máy bay chiến đấu của mình, sau khi cạnh tranh quyết liệt với mẫu tiêm kích Rafale của Pháp.

BAE phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các Tập đoàn Saab, Boeing, Lockheed Martin và Dassault (hãng sản xuất tiêm kích Rafale).

Nhà sản xuất đã bí bách tới mức có thông tin rằng họ phải sử dụng những tiểu xảo chào hàng khác thường.

Tại Jakarta, thủ đô của Indonesia, nơi được cho là thành phố sôi động nhất thế giới dành cho những "tín đồ" Twitter, nhà cung cấp Typhoon đang quảng cáo máy bay của họ thông qua mạng xã hội.

Typhoon còn thất bại trước các tiêm kích Rafale của Pháp trong cuộc cạnh tranh tại Ấn Độ

Typhoon còn thất bại trước các tiêm kích Rafale của Pháp trong cuộc cạnh tranh tại Ấn Độ (Trong ảnh: tiêm kích Rafale)

Mức chi phí "khủng khiếp"

Câu chuyện về các chiến đấu cơ Typhoon bắt đầu vào năm 1985, khi Anh, cùng Đức, Tây Ban Nha và Italy bắt tay phát triển một loại máy bay chiến đấu với vai trò chính là tác chiến không đối không.

Năm 1988, bộ trưởng Anh thông báo rằng chương trình máy bay chiến đấu châu Âu sẽ "là một dự án lớn, tiêu tốn của nước Anh khoảng 7 tỷ bảng".

Tới năm 1997, mức chi phí dự kiến đã tăng lên tới 17 tỷ bảng, làm dấy lên những chỉ trích gay gắt dành cho chương trình này.

Năm 2003, chương trình tiêm kích Eurofighter/Typhoon đã chậm hơn dự kiến 54 tháng.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh từ chối công bố các số liệu cập nhật nhưng ước tính, mức chi phí cho chương trình đã trội lên tới 20 tỷ bảng.

Những trục trặc trong hợp đồng và các vấn đề kỹ thuật đã dẫn tới tình trạng thiếu phụ tùng, phải lấy phụ tùng từ một số máy bay khác, còn các phi công thì "thất nghiệp".

Năm 2011, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh (NAO) đánh giá rằng "những quyết định đầu tư then chốt về chương trình được đưa ra trên cơ sở lạc quan thái quá", đồng thời chỉ trích Bộ quốc phòng Anh đã không kiểm soát tốt mức chi phí của chương trình.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Anh đã quyết định cắt giảm đơn đặt hàng ban đầu từ 232 máy bay Typhoon xuống còn 160 chiếc. Con số này vẫn nhiều hơn 16 chiếc so với số máy bay mà RAF muốn tiếp nhận.

Lực lượng này buộc phải mua thêm 16 máy bay với giá 2,7 tỷ bảng để thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng với các nước cùng tham gia sản xuất loại máy bay này.

Amyas Morse, người đứng đầu NAO, cho biết, vào năm 2011, chi phí ước tính của mỗi chiếc Typhoon đã tăng 75%.

Francis Tusa, biên tập tạp chí Defence Analysis, ước tính chi phí sản xuất và nâng cấp các tiêm kích Typhoon sẽ lên tới 25 tỷ bảng.

Theo số liệu mới nhất của NATO, tổng chi phí sản xuất và duy trì phi đội Typhoon cho RAF sẽ tốn hơn 30 tỷ bảng.

Những trì hoãn trong chương trình chiến đấu cơ Typhoon đã khiến Anh đang phải chi hàng tỷ bảng để duy trì các máy bay chiến đấu Tornado.

Cuộc "đấu" với F-35

Tusa cho rằng phần lớn những trì hoãn tốn kém này là do sự đấu đá trong nội bộ của RAF, cụ thể là từ phía những người ủng hộ chương trình F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ.

Các tiêm kích tàng hình F-35 dự kiến sẽ được triển khai trên 2 tàu sân bay mới của Hải quân Anh, là HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales.

Tuy nhiên, chúng cũng đang gặp phải những vấn đề về chi phí.

Mức chi phí dành cho 2 con tàu ước tính lên tới 6,2 tỷ bảng và chi phí vòng đời của các máy bay hoạt động trên tàu ước tính hơn 15 tỷ bảng.

Chính phủ Anh đã quyết định hủy bỏ kế hoạch mua phiên bản cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm đà của F-35 để tránh phải chi thêm 2 tỷ bảng chuyển đổi boong tàu.

Tuy nhiên, phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng mà chính phủ Anh lựa chọn lại không có khả năng bay xa và mang nhiều vũ khí như phiên bản vừa mô tả.

Kế hoạch ban đầu của Anh là mua 138 máy bay chiến đấu F-35, với đơn giá lên tới 70 triệu bảng mỗi chiếc nhưng hiện nay, chính phủ Anh cho biết sẽ chỉ mua 48 máy bay.

Anh đã đặt mua 14 chiếc F-35, đủ cho phi đội đầu tiên. Theo ý tưởng, một số máy bay F-35 sẽ được triển khai trên các tàu sân bay, trong khi số còn lại sẽ triển khai từ các căn cứ không quân của RAF.

Hải quân Anh đang phải đối mặt với một viễn cảnh rằng, họ sẽ hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai, HMS Prince of Wales, trước cuối thập kỷ này, mà không có tiêm kích hạm nào được triển khai trên tàu.

Tình cảnh này tương tự với những gì đã diễn ra đối với tàu HMS Queen Elizabeth.

Lệnh ngừng bay toàn phi đội F-35 đã ngăn cản kế hoạch bay trình diễn của tiêm kích này tại lễ đặt tên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Lệnh ngừng bay toàn phi đội F-35 đã ngăn cản kế hoạch bay trình diễn của tiêm kích này tại lễ đặt tên và hạ thủy tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Trước đó, các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng đã khiến tiêm kích F-35 không thể cất cánh trong ngày tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Rosyth ở Fife hồi tháng Bảy năm nay.

F-35 cũng không thể bay trình diễn tại triển lãm hàng không ở Farnborough tổ chức vào hè 2014.

Đây được cho là một sự hổ thẹn đối với những chỉ huy hải quân.

Tuy nhiên, nhờ Nga mà những chỉ huy của RAF có thể không phải tiếp tục xấu hổ vì những tiêm kích Typhoon của mình.

Bởi các máy bay chiến đấu Typhoon của Anh trong năm nay đã xuất kích ngăn chặn những chiếc máy bay ném bom hạng nặng Tu-95 "Bear" của Nga khi chúng bay gần không phận Anh.

Typhoon đã thực hiện vai trò phòng thủ trên không trong những tình huống gợi nhớ thời Chiến tranh Lạnh, cũng chính là giai đoạn mà chúng bắt đầu được hình thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại