Ông Rogozin cho biết: "Vấn đề ở đây là sớm chuẩn bị những thỏa thuận liên chính phủ phức tạp nhất, điều tiết vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ Nga đối với các sản phẩm công nghệ cao có thể được bán cho Trung Quốc. Trước hết là động cơ tên lửa mà Trung Quốc rất quan tâm."
Phó Thủ tướng Nga khẳng định rằng phía Trung Quốc quan tâm đến "tất cả các dịch vụ và sản phẩm cần thiết cho sự phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của nước này, chủ yếu cho chương trình Mặt trăng của họ".
Ông nhấn mạnh chương trình Mặt trăng của Trung Quốc "hầu như không thể thực hiện được nếu thiếu nguồn cung cấp các sản phẩm từ Liên bang Nga".
Tên lửa Mỹ được trang bị động cơ RD-180 do Nga sản xuất.
Dù không trực tiếp nói về loại động cơ tên lửa nào Nga sẽ bán cho Trung Quốc nhưng chừng ấy cũng đủ khiến truyền thông quốc tế bình luận và nhận xét.
Theo Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), nếu Nga thực hiện việc bán động cơ tên lửa đẩy cho Trung Quốc thì đây là sản phẩm tinh hoa nhất từ trước đến nay được Moskva cung cấp cho Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tạp chí Jane's cũng có nhận định tương tự khi cho rằng, Nga sẽ không còn lại gì là thế mạnh nếu thực hiện thương vụ này với Trung Quốc.
Trước khi tiết lộ thông tin này, Nga cũng đã chủ động chào bán loạt tinh hoa quốc phòng của mình. Cụ thể, Nga tiếp tục chủ động mời chào Saudi Arabia mua tên lửa Iskander-E.
Việc Nga chào mời Saudi Arabia mua hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-E đã được trang RIAN (Nga) ngày 5/7 dẫn lời Phó tổng giám đốc công ty quốc doanh Nga Rosoboronexport, Igor Sevastyanov với báo giới.
Theo lời ông này, điều kiện tiên quyết của mọi hợp đồng là mong muốn của khách hàng. Ngoài tổ hợp tên lửa Iskander-E, Saudi Arabia hiện ngỏ ý quan tâm tới kỹ thuật hải quân và tổ hợp tên lửa bờ đối Hải của Nga.
“Nếu chúng tôi bắt tay vào đàm phán ngay, mọi việc sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn. Theo quan điểm của tôi, nếu Saudi Arabia thực sự mong muốn mua vũ khí Nga, chúng tôi sẵn sàng cung cấp”, ông I. Sevastyanov tuyên bố.
Theo danh sách khách hàng Nga chủ động chào mời mua tên lửa Iskander-E được ông Valery Varlamov, trưởng đoàn đàm phán Nga cho biết bên lề Triển lãm vũ khí và quân sự MILEX-2014, trong đó có Saudi Arabia, Belarus, Kazakhstan, Việt Nam... đặc biệt không có Trung Quốc.
Ngoài ra, tại Triển lãm RAE-2015, Nga đã chủ động chào bán siêu tăng Armata. Thông tin này được hãng TASS dẫn tuyên bố của Phó Tổng giám đốc phụ trách Nghiên cứu và sản xuất nhà máy Uralvagonzavod, Alex Zharich cho biết.
Theo đó, phiên bản xuất khẩu của xe tăng Armata sẽ trình diễn thực chiến trong khuôn khổ triển lãm quân sự Russia Arms Expo-2015 (RAE-2015) dự kiến tổ chức vào tháng 9/2015 ở Nizhny Tagil.
Vị quan chức này cho biết thêm, nguyên mẫu tăng Armata giới thiệu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng phát xít hôm 9/5 không phải là phiên bản dành cho xuất khẩu và RAE-2015 mới là nơi Armata dành cho khách hàng nước ngoài được giới thiệu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Nga giới thiệu bản xuất khẩu của tăng Armata tại RAE-2015 chủ yếu nhắm đến 2 khách hàng tiềm năng là Ai Cập và Trung Quốc.
Bởi trước đó, TASS đã không ít lần cho biết, 2 quốc gia này đang dành sự quan tâm đặc biệt đến siêu tăng Armata ngay cả khi nó chưa thành hình.
Ngoài tăng Armata, đỉnh cao công nghệ quân sự khác của Nga là siêu tiêm kích T-50 cũng được nước này giao bán ngay cả khi chiến đấu cơ này mới trong giai đoạn sản xuất nguyên mẫu thử nghiệm.
Không chỉ có xe tăng, máy bay tàng hình, động cơ tên lửa đẩy, Nga đã chào bán thành công hệ thống phòng thủ tối tân S-400 cho Trung Quốc ngay cả khi Nga còn đang rất thiếu hệ thống vũ khí này.