Vài chiếc máy bay chưa chắc có thể thay đổi cục diện quan hệ Trung – Đài, nhưng lại là nút bấm “tự hủy” cho quan hệ Trung – Mỹ.
Vào năm 2014, Trung Quốc dự kiến sẽ mua một số máy bay Su-35 từ Nga. Động thái này nhanh chóng gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực, vì vậy Nhật Bản đã đặt mua 42 chiếc F-35 từ Mỹ để tăng cường khả năng phòng vệ tại Senkaku, trong khi Hàn Quốc cũng đã dự định mua 60 chiếc vào mùa hè năm tới,
Tuy nhiên, dù cũng có tranh chấp với Trung Quốc và là một đồng minh quan trọng của Mỹ nhưng Đài Loan có thể sẽ không mua được máy bay F-35 - máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện đại bậc nhất thế giới của Mỹ.
Bởi lẽ dù về mặt tính toán quân sự, việc này cũng mang lại rất nhiều lợi ích chiến lược cho Mỹ, nhưng trên thực tế, nó rất khó có khả năng xảy ra.
Kể từ thời tổng thống Bush cha cầm quyền vào năm 1989 đến nay, chưa có bất cứ tổng thống Mỹ nào phê chuẩn việc bán máy bay quân sự hiện đại cho Đài Loan, nếu có cũng là trong các trường hợp vô cùng đặc biệt.
Như việc tổng thống Bush cha đồng ý bán 150 máy bay chiến đấu F-16 A/B cho Đài Loan vào 1992 là vì mục đích tăng tỉ lệ ủng hộ trong nước với mong muốn tái đắc cử vào 1993, trong bối cảnh ông đã bị chỉ trích rất nặng nề trong cách ứng xử với Trung Quốc kể từ sau thảm sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh vào 1989.
Thêm vào đó, việc bán 150 chiếc F-16 A/B đã tạo ra 6.000 việc làm và mang lại khoản lợi nhuận rất lớn cho nước Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế vì chiến tranh vùng vịnh.
Trong hơn 20 năm tiếp theo, gần như Mỹ không hề bán bất cứ máy bay mới nào cho Đài Loan, thậm chí vào 2011, dù bắt đầu triển khai chính sách “xoay trục” và tái cân bằng châu Á để kiềm chế Trung Quốc thì Mỹ cũng chỉ đồng ý nâng cấp các máy bay F-16 A/B thay vì bán các máy bay F-16 C/D mới như yêu cầu suốt 8 năm của Đài Loan và 46 nghị sĩ Mỹ.
Bởi lẽ bán vũ khí cho Đài Loan luôn là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ Mỹ - Trung và Trung Quốc cũng đã xác định rõ ràng rằng vấn đề Đài Loan chứa đựng nguy cơ lớn nhất có thể phá hủy quan hệ Trung - Mỹ.
Căn nguyên lịch sử của việc này xuất phát từ thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1982 về việc các hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan sẽ “không vượt quá mức độ đã cung cấp trong các năm trước đó dù theo các tiêu chuẩn về chất lượng hay số lượng.”
Trên thực tế, Mỹ không hề “bỏ rơi” Đài Loan mà chỉ đang giữ cân bằng chiến lược trong quan hệ với Trung - Đài. Theo báo cáo của Ban nghiên cứu Quốc hội, kể từ 2000 đến nay, Mỹ đã bán khác nhiều vũ khí cho Đài Loan như xe tấn công đổ bộ AAV7A1, tàu khu trục lớp Kidd, máy bay chống tàu ngầm P-3C, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, trực thăng Apache và Black Hawk,… - hầu như tất cả mọi thứ trừ máy bay chiến đấu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Mỹ. Vào những giữa những năm 1990, Tổng thống Clinton với tư tưởng chống Trung Quốc cũng đã né tránh việc bán máy bay cho Đài Loan dù tầm quan trọng kinh tế - chính trị giữa hai nước không lớn như hiện nay.
Chính vì vậy, máy bay chiến đấu, đặc biệt là loại hiện đại nhất như F-35 nếu được bán cho Đài Loan sẽ là một biểu hiện quá rõ ràng rằng Mỹ đã sẵn sàng bộc lộ mong muốn kiềm chế Trung Quốc bất chấp các thiệt hại kinh tế - chính trị, và điều này rất khó có thể xảy ra.
Việc duy trì mức độ hỗ trợ hiện tại cho Đài Loan và không bán máy bay chiến đấu được xem là một chính sách cân bằng rất khôn ngoan của Mỹ. Vài chiếc máy bay chưa chắc có thể thay đổi cục diện quan hệ Trung – Đài, nhưng lại là nút bấm “tự hủy” cho quan hệ Trung – Mỹ.