Về chiến lược, nó là vành đai bao gồm một loạt các quốc gia đồng minh và không đồng minh, đang có xung đột hoặc quan tâm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mục tiêu của vành đai này là kiềm chế một sự hung hăng về quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng về cơ bản nó vẫn chỉ là một chiến lược mang tính kiềm chế, nền an ninh của Trung Quốc sẽ không bị đe dọa nếu như nước này không vượt ra ngoài khuôn khổ.
Nhưng có vẻ như tất cả đã quên mất một quân cờ quan trọng khác trên bàn cờ châu Á Thái Bình Dương.
Quân cờ này không trói buộc nó vào mục tiêu kiềm chế Trung Quốc như các nước khác, đó là Đài Loan (vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc nhưng Bắc Kinh chưa giành được quyền kiểm soát).
Việc xác định được vai trò của Đài Loan trong bàn cờ châu Á Thái Bình Dương trong tương lai là một việc không dễ thực hiện.
Trong hệ thống vành đai chiến lược vây quanh Trung Quốc mà Mỹ đang xây dựng để ngăn cản sự mở rộng ảnh hưởng về quân sự quốc phòng của Bắc Kinh, thì Đài Loan không có mặt.
Gần như hòn đảo này sẽ không tham gia vào bất cứ một liên minh quân sự chính trị nào với mục tiêu chống lại Trung Quốc, kể cả khi liên minh đó do đích thân đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan là Mỹ thành lập.
Đó là vì vấn đề của Đài Loan với Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn các nước khác trong khu vực.
Các nước trong khu vực như Nhật Bản, Philippines lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể đe dọa những lợi ích cốt lõi của mình, và cần thiết phải hợp tác để đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh.
Còn Đài Loan thì lại khác, vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc không đơn giản là tranh chấp một vài hòn đảo hay một vài đường ranh giới trên biển, mà đó là vấn đề hợp nhất giữa hai vùng lãnh thổ là Đài Loan và đại lục.
Do bản chất mối quan hệ đặc biệt như vậy, nên Đài Loan gần như không thể tham gia vào bất cứ liên minh hay hệ thống nào trong khu vực có mục đích đối trọng với Trung Quốc.
Việc Đài Loan tham gia bất cứ một liên minh hay hệ thống nào trong khu vực có mục đích đối trọng với Trung Quốc, cũng đồng nghĩa với việc mục đích của liên minh đó có thể sẽ chuyển thành việc giúp Đài Loan chiếm lại đại lục để thống nhất Trung Quốc.
Vì thế, trong chiến lược châu Á Thái Bình Dương mà Mỹ đang xây dựng, Đài Loan gần như không có vai trò gì. Nhưng nếu nghĩ rằng gánh nặng trên vai Bắc Kinh vì thế sẽ giảm đi một phần, thì đó lại là một sai lầm.
Vì điều quan trọng là, ở thời điểm hiện tại, Đài Loan là thế lực duy nhất có thể thực hiện các động thái quân sự vào lãnh thổ Trung Quốc.
Điều này bắt nguồn từ khát vọng của những nhà lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan sau khi tàn dư của Quốc dân Đảng chạy ra hòn đảo này vào năm 1949.
Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan sau khi bại trận dưới tay Mao Trạch Đông, chưa bao giờ quên mục tiêu tái chiếm lại Trung Hoa lục địa.
Khát vọng này tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ lãnh đạo kế cận của Đài Loan, mà điển hình là Tưởng Kinh Quốc - con trai của Tưởng Giới Thạch - người giữ chức tổng thống Đài Loan sau đó.
Dù mục tiêu này bắt đầu giảm dần sự ưu tiên từ phía Đài Bắc sau khi những người Đài Loan bản địa lên nắm quyền, thì nó cũng chưa bao giờ tỏ ra bị hoàn toàn lãng quên.
Khác với các quốc gia láng giềng, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và cho dù các nhà dân túy Đài Bắc có nuôi ý định đưa Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập hoàn toàn tách khỏi Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng sẽ không bao giờ chấp nhận.
Nguy cơ bị đe dọa về quân sự sẽ luôn ở trên vai Đài Loan, và buộc hòn đảo này phải có những biện pháp phòng ngừa, và một trong số đó là tái chiếm lục địa.
Chính vì lý do này, nên khi Mỹ bắt đầu xoay trục về châu Á Thái Bình Dương, thì Đài Loan là đối tượng đề phòng được đặt lên hàng đầu đối với Bắc Kinh.
Trong sách trắng về chiến lược quân sự của Trung Quốc được công bố vào thứ Tư vừa qua, Đài Loan được coi là nguy cơ số một đối với quân giải phóng Trung Quốc.
Kịch bản chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan được coi là vấn đề ưu tiên số một đối với quốc phòng Trung Quốc. Vì nếu như Mỹ và các đồng minh gần như không thể tấn công lãnh thổ Trung Quốc, thì Đài Loan lại hoàn toàn có thể.
Tính đến thời điểm hiện tại, Liên Hợp Quốc vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập, và vẫn coi đó là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Vì thế, khả năng một sự thống nhất được thực hiện là điều có thể xảy ra, dù nó được thực hiện bởi Bắc Kinh hay Đài Bắc đi chăng nữa.
Nói cách khác, khả năng Đài Loan thực hiện một cuộc chiến để thống nhất là một cánh cửa đang được để ngỏ và thế giới chấp nhận điều này.
Xét về thực lực quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan, gần như Đài Loan không có cơ hội để chống lại Trung Quốc trong một cuộc chiến theo kiểu một chọi một.
Nhưng trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia lân cận đang tăng cường tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ thì cục diện sẽ lại khác hẳn.
Việc những cường quốc như Nhật Bản hay Ấn Độ đang tăng cường tiềm lực quân sự sẽ buộc Trung Quốc phải dàn trải lực lượng hơn để đối phó với áp lực đến từ họ, đồng nghĩa với việc những đề phòng cần thiết đối với Đài Loan sẽ giảm đi đáng kể.
Ở thời điểm hiện tại, châu Á Thái Bình Dương đang thực sự là một trại lính được vũ trang ở quy mô khổng lồ, và không ai dám khẳng định điều gì có thể xảy ra và điều gì không thể xảy ra ở khu vực này trong tương lai.
Người Trung Quốc dĩ nhiên lại càng không, nhất là khi cái ngòi nổ Đài Loan luôn ở ngay bên cạnh.