Xuất phát từ mối lo ngại về tàu ngầm Trung Quốc
Theo tin đăng tải trên tờ The Wall Street Journal của Mỹ, khoảng vài tuần trước khi một chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca vào tháng 11 năm ngoái, tại vùng biển nhộn nhịp của Singapore đã diễn ra một cuộc thí nghiệm rất quan trọng.
Nguồn tin cho biết, các nhà nghiên cứu Mỹ và Singapore đã sử dụng một thiết bị không người lái dưới nước mang tên "Starfish" để thăm dò, giám sát các hoạt động dưới đáy biển. Cuộc thử nghiệm này do quân đội Mỹ và Bộ quốc phòng Singapore cùng khởi xướng.
Mục đích của dự án công trình đặc biệt này là đưa hệ thống giám sát dưới nước của Singapore kết hợp với hệ thống giám sát của Mỹ để bí mật theo dõi hoạt động của tàu ngầm của đối phương.
Trong lần thử nghiệm này, Mỹ đã sử dụng thiết bị không người lái dưới nước của mình kết hợp với số liệu từ các đồng minh để tăng cường khả năng của hệ thống giám sát tàu ngầm.
Được biết, hệ thống này được Mỹ xây dựng từ thời kỳ đầu chiến tranh lạnh, để đối phó với tàu ngầm Liên Xô.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Mỹ đã bắt đầu lắp đặt các thiết bị khuếch đại âm thanh dưới đáy biển ven bờ biển nước Mỹ, khu vực biển giữa Anh với Iceland và các luồng đường chiến lược tại các vùng biển khác, để giám sát tàu ngầm Liên Xô xâm nhập vùng biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Hệ thống “Thiết bị nghe trộm dưới nước” này kết nối bằng hệ thống cáp điện, là một bộ phận trong mạng lưới bí mật toàn cầu được gọi là “hệ thống giám sát âm thanh”.
Năm 1991, Mỹ đã giải mật “hệ thống giám sát âm thanh” và tuyên bố hệ thống này được sử dụng với mục đích dân sự như là theo dõi các hoạt động đánh bắt hải sản phi pháp hoặc truy tìm dấu vết của cá voi…
Trước tàu ngầm Liên Xô, nay tàu ngầm Trung Quốc sẽ bị Mỹ giám sát chặt chẽ
Nhưng mấy năm gần đây, Mỹ và đồng minh của mình ở châu Á đã tái sử dụng hoặc nâng cấp bộ phận quan trọng của hệ thống này. Một mặt để đối phó với các hoạt động dưới mặt nước của Nga, mặt khác cũng để giám sát năng lực tàu ngầm của Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ.
Nguồn tin cũng cho hay, hải quân Mỹ đang tìm cách sử dụng các số liệu thu được từ các thiết bị cảm biến đặt ở các nước trong khu vực, đặc biệt là nằm ở khu vực phụ cận tuyến đường giao thông yết hầu mà tàu ngầm Trung Quốc phải đi qua khi tiến vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert nói: “Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Australia và Nhật Bản về phương diện này, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Singapore. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng sẵn sàng hợp tác với Malaysia và Indonesia”.
Đưa các đồng minh tham gia vào mạng lưới giám sát
Vị trí chính xác của thiết bị nghe trộm dưới nước thuộc “hệ thống giám sát âm thanh” đặt ở châu Á vẫn là điều cơ mật. Các chuyên gia nghiên cứu về hệ thống này và cựu quân nhân tàu ngầm cho biết, máy nghe trộm dưới nước được rải rất nhiều ở xung quanh Nhật Bản và đảo Christmas của Australia. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chúng có vai trò quan trọng trong việc dò tìm tàu ngầm Liên Xô.
Vấn đề khó khăn đối với các thiết bị nghe trộm hữu tuyến này là chúng cần phải bảo dưỡng định kỳ và phải xây dựng các trạm ven bờ ở nước đồng minh. Trên thực tế, thiết bị giám sát đáy biển cố định chỉ có tác dụng báo động, cho biết lúc đó có tàu ngầm đang đi qua, hơn nữa nó chỉ phát huy hiệu quả nhất ở các vùng nước tương đối sâu và ít tàu qua lại.
Gần đây, trọng điểm nỗ lực của Mỹ là phát triển mạng nghe lén di động dưới đáy biển ơ các vùng nước nông và các vùng biển đông tàu thuyền, tương tự như vùng biển phụ cận Trung Quốc.
Các tàu ngầm trên khắp thế giới sẽ bị một mạng lưới toàn cầu giám sát (Ảnh minh họa)
Hải quân Mỹ đã triển khai mạng lưới như vậy mang tên “Hệ thống giám sát liên tục đáy biển duyên hải” (Persistent Littoral Undersea Surveillance - PLUS). Mạng lưới này sử dụng thiết bị cảm biến và thiết bị không người lái dưới đáy biển truyền phát số liệu qua vệ tinh.
Trở ngại lớn nhất của nó chính là phần lớn các thiết bị không người lái dưới nước đều chạy bằng pin nên chỉ có thể duy trì được vài tiếng, mà tốc độ truyền dữ liệu ở dưới nước là vô cùng chậm và liên lạc giữa chúng cũng rất khó khăn.
Gần đây, Singapore cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực truyền sóng âm thanh dưới nước, đặt nền móng phát triển Hệ thống giám sát gần bờ với tên gọi UNET. Hệ thống này là mạng lưới kết hợp giữa thiết bị cảm biến, thiết bị không người lái dưới nước và các nút thông thin liên lạc trên mặt nước, truyền dữ liệu qua mạng điện thoại di động.
Mục đích của việc thử nghiệm tháng 11 chính là tích hợp hệ thống UNET vào hệ thống Seaweb của Mỹ, hệ thống Seaweb do Viện nghiên cứu hải quân Mỹ sử dụng kinh phí nội bộ nghiên cứu, phát triển.
Thông tin được công khai về Seaweb cho thấy đây là dự án nhằm tạo ra mạng lưới toàn cầu mới, tích hợp các hệ thống cảm biến tàu ngầm của Mỹ, Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước đồng minh, cho phép quan sát và kiểm soát toàn bộ các hoạt động dưới đáy biển.
Chuẩn đô đốc Philip Sawyer, Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Mỹ tại Thái Bình Dương, cho hay, ý tưởng đằng sau Seaweb là thông qua thành lập một mạng lưới liên kết các tiếp điểm của nhiều hệ thống khác nhau dưới đáy biển, cho phép truy xuất dữ liệu và truyền về căn cứ chính, dù đó là ở Singapore hay San Diego.