Mỹ đang áp sát Nga bằng không quân

Tuấn Vũ |

Ngoài vũ khí bộ binh và phòng không, Mỹ đang tiến hành áp sát Nga bằng sức mạnh không quân khi liên tiếp công bố kế hoạch triển khai của mình.

Áp sát Nga bằng Không quân

Theo Business Insider, Không quân Mỹ vừa quyết định điều ít nhất 4 chiếc cường kích A-10 từ phi đoàn chiến đấu cơ viễn chinh 345 tới căn cứ không quân Amari, Estonia hôm 30/4.

Nguồn tin báo chí từ Không quân Mỹ cho biết, việc điều động này là cách Mỹ bảo vệ thông qua sứ mệnh Kiểm soát không phận Baltic theo cam kết trước đó với các quốc gia đồng minh trong khu vực này.

Đặc biệt, lô chiến đấu cơ này nằm trong gói An ninh chiến trường (TSP) đầu tiên của Không quân Mỹ.

Theo nguồn tin trên, số máy bay chiến đấu này sẽ được triển khai tới Estonia trong 6 tháng nhằm hỗ trợ chiến dịch Quyết tâm hoạt động Đại Tây Dương (Operation Atlantic Resolve) và trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiếp tục điều các máy bay tấn công A-10 Warthog dọc vùng Đông Âu.

12 chiếc A-10 từ phi đoàn chiến đấu cơ 355, Davis-Monthan AFB, Arizon của Không quân Mỹ được điều tới căn cứ không quân Spangdahlem, Đức. Sau đó, các máy bay này sẽ được luân chuyển tới Anh, Ba Lan, Romani.

Cường kích A-10 Thunderbolt.

Cường kích A-10 Thunderbolt.

Ngoài những chiếc A-10 Thunderbolt kể trên, hiện tại Estonia cũng đang có sự hiện diện của 14 chiếc F-16 của Không quân Mỹ đồn trú kể từ giữa tháng 4/2015.

Máy bay cường kích A-10 của Mỹ có một chỗ ngồi, nặng 23 tấn. Máy bay được trang bị 2 động cơ với vũ khí chính là pháo nhiều nòng 30 mm (GAU-8 Avenger).

Nhiệm vụ hàng đầu của A-10 khi được thiết kế là tiêu diệt các loại xe tăng của đối phương với các loại đạn xuyên giáp.

Không chỉ triển khai chiến đấu cơ đến Estonia, hồi tháng 4/2014, ngay khi tình hình bất ổn tại Ukraine leo thang, Mỹ đã quyết định triển khai 12 chiến đấu cơ F-16 và gần 300 quân nhân tới Ba Lan.

Được coi là huyền thoại của Không quân Mỹ, vì vậy dù đã có thời gian hoạt động khá lâu, nhưng đến tận ngày nay F-16 vẫn chứng minh được sức mạnh trong chiến tranh hiện đại.

Tiêm kích F-16 được phát triển với nhiều biến thể khác nhau, và hỏa lực giữa các đời F-16 cũng có sự khác nhau, càng về các biến thể sau thì càng hiện đại.

Dù vậy, thế hệ đầu F-16A/B nếu được nâng cấp thì cũng có khả năng mang được vũ khí hiện đại đời F-16C/D, E/F.

Cơ bản tiêm kích F-16 được trang bị một pháo cao tốc 20 mm 6 nòng M61 Vulcan với tốc độ bắn cực cao (khoảng 6.000 phát/phút).

Bên cạnh đó F-16 còn có khả năng mang tên lửa không đối không tầm ngắn - xa AIM-9, AIM-120; tên lửa không đối đất AGM-65; tên lửa chống radar AGM-88; tên lửa chống tàu AGM-84 hoặc AGM-119; bom có điều khiển hoặc bom không điều khiển.

Không chỉ có Không quân

Ngoài việc tăng cường sức mạnh tấn công đường không áp sát Nga, Mỹ và phương Tây cũng liên tiếp củng cố sức mạnh tấn công từ mặt đất.

Hồi đầu tháng 3/2015, Mỹ đã quyết định triển khai 120 xe tăng, xe bọc thép cùng 3.000 lính đến gần biên giới Nga.

Việc triển khai vũ khí rầm rộ nói trên là để “thể hiện sự kiên quyết trước Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga rằng chúng tôi có thể hợp tác, phối hợp cùng nhau”,

Thiếu tướng John R. O'Connor của Mỹ đã nói như vậy khi ông này đứng giám sát hoạt động đưa vũ khí vào cảng Riga, Latvia.

Những vũ khí được triển khai đến các nước Baltic bao gồm xe tăng Abrams, xe bọc thép Bradley, Scout Humvees cũng như thiết bị hỗ trợ.

Theo ông O'Connor, các phương tiện bọc thép sẽ được triển khai “đủ lâu đến chừng nào còn cần để ngăn chặn Nga”.

Cũng trong tháng 3/2015, Mỹ đã quyết định triển khai một số khẩu đội tên lửa phòng không Patriot đến Ba Lan để đối phó với những "nguy cơ" từ Nga.

Không chỉ có Mỹ, hồi đầu năm 2015, Pháp cũng đã triển khai lượng lớn xe tăng chủ lực Leclerc và xe chiến đấu bộ binh VBCI đến Ba lan nhằm tăng cường sức mạnh tấn công mặt đất cho đồng minh trong một cuộc đối đầu tiềm tàng với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại