Tuy nhiên, trong bài viết đăng ngày 28/3, hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng cơ quan quốc phòng Mỹ chỉ có thể tự trách mình khi không chuyển đổi từ camera phim thông thường sang các cảm biến kỹ thuật số.
Trước đó, trong tháng 2 vừa qua, Nga đã yêu cầu được sử dụng máy bay trinh sát trang bị camera kỹ thuật số công suất lớn trong các chuyến bay giám sát theo OST.
Cụ thể, Moscow đề nghị Ủy ban Cố vấn Bầu trời Mở (trụ sở tại Vienna) cho phép nước này triển khai máy bay trinh sát trang bị cảm biến công nghệ cao khi bay trên lãnh thổ Mỹ.
Yêu cầu trên khiến chính quyền Obama phải quyết định xem có nên để cho Nga sử dụng thiết bị cao cấp trên máy bay trinh sát ở lãnh thổ của mình hay không.
Lý do là bởi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Nga không đáp ứng được tất cả quy định theo hiệp ước, khi hạn chế nước khác trinh sát trên Moscow, Chechnya và một số khu vực khác.
Đồng thời, quan hệ Nga - Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, vì khủng hoảng Ukraine và Syria.
Máy bay trinh sát Tu-214OS (Open Sky) của Nga dành cho các chuyến bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở.
Các quan chức tình báo và quân sự cấp cao của Washington lo ngại rằng Nga sẽ lợi dụng tiến bộ công nghệ để thu thập các thông tin trọng yếu của Washington.
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Cecil Haney, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ cho biết, ông lo ngại trước những khả năng mà Nga đang có để thu thập thông tin tình báo về cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
“Chúng ta phải cẩn trọng khi xem xét những tiến bộ công nghệ trên thiết bị kỹ thuật số so với camera phim. Người Nga đang đi trước chúng ta” – ông Haney nói.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cũng có cùng quan điểm này.
“Không có lý gì lại tạo cho Nga cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn để họ thấy những gì chúng ta đang làm” – Tờ Omaha World-Herald dẫn lời chuyên gia phân tích chính sách chiến lược Michaela Dodge nói.
Nghe có vẻ như Nga đang sử dụng thứ công nghệ tiên tiến tối mật để có được những bức ảnh chất lượng cao về các cơ sở bí mật của Mỹ.
Song theo Sputnik, tất cả các quốc gia đều sử dụng những công nghệ thương mại sẵn có và có thể chuyển sang các cảm biến kỹ thuật số nếu muốn.
Hơn nữa, việc sử dụng các cảm biến này phải được tất cả các bên ký hiệp ước thông qua trước khi lắp đặt chúng lên máy bay.
Ngoài ra, những hình ảnh mà quốc gia bay giám sát được phép chụp đều có độ phân giải thấp hơn so với những hình ảnh do các công ty thương mại cung cấp.
Và cuối cùng, tất cả các cảnh quay được thực hiện trong chuyến bay giám sát đều được công khai với tất cả các bên ký hiệp ước.
Theo Sputnik, Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 45 triệu USD để thực hiện nâng cấp tương tự trên máy bay của họ, song đây không hẳn là vấn đề tiền bạc mà là ở mức độ ưu tiên của chương trình.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra yêu cầu đề xuất vào năm 2015 nhưng cho tới nay vẫn chưa chọn nhà thầu phụ trách.
Nga và Mỹ là các bên ký kết Hiệp ước Bầu trời mở, cho phép 34 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay quan sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ của nhau.
Điều này nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự, giúp theo dõi kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận khác.