Mỹ bán thanh lý cường kích A-10, nước châu Á nào sẽ mua?

Hòa Trần - Vy Lam |

Các nước châu Á được đánh giá là những khách hàng tiềm năng cho cường kích A-10 nếu Mỹ quyết định bán thanh lý loại máy bay này.

Mỹ có thể bán thanh lý A-10

Tạp chí IHS's Jane's dẫn lời một quan chức cấp cao của công ty Boeing tiết lộ, công ty này đang trong quá trình thảo luận với Không quân Mỹ (USAF) để bán thanh lý các máy bay cường kích A-10 cho khách hàng nước ngoài nếu chúng bị loại khỏi biên chế.

Paul Cejas, kỹ sư trưởng tại trung tâm dịch vụ và hỗ trợ toàn cầu của Boeing ở San Antonio, Texas cho biết, Boeing và USAF đang trong các giai đoạn đàm phán ban đầu để bán thanh lý những chiếc A-10 dư thừa cho các khách hàng quốc tế.

Tuy nhiên, ông Cejas từ chối tiết lộ tên những khách hàng tiềm năng của loại máy bay này.

Hiện nay, Boeing đang thực hiện hợp đồng lắp đặt cánh mới cho 173 trong tổng số gần 300 máy bay A-10 của USAF (một số máy bay đã được đưa vào kho lưu trữ) và có thể sẽ lắp đặt thêm cho 69 chiếc khác.

Trong số đó, 105 chiếc đã được hoàn thiện và giao lại cho USAF. Hợp đồng này dự kiến sẽ kéo dài tới quý I năm 2017.

Theo ông Cejas, nếu USAF được phép cho nghỉ hưu A-10 như mong muốn (hiện đề nghị của USAF chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn) thì họ có lẽ vẫn hoàn tất hợp đồng lắp đặt cánh mới với Boeing, sau đó sẽ bán thanh lý A-10 cho bên thứ 3 quan tâm tới mẫu máy bay này.

Ông Cejas cho biết, ngoài những máy bay đã được lắp đặt cánh mới, Boeing sẽ xem xét khả năng hiện đại hóa sâu rộng hơn trước khi cung cấp cho khách hàng.

Kế hoạch hiện đại hóa sẽ bao gồm động cơ mới, nâng cấp buồng lái, các thiết bị chỉ thị mục tiêu.

Theo ông Cejas, những cải tiến được đề nghị này mới đang trong giai đoạn lên ý tưởng và trước mắt sẽ chưa được đưa vào chương trình giới thiệu khi công ty phản hồi bất cứ đề nghị nào của khách hàng.

Đâu là “ngôi nhà” tiếp theo cho A-10?

Theo trang mạng Guancha (Trung Quốc), Hàn Quốc chắc chắn là nước có mối quan tâm lớn nhất đến cường kích A-10.

Lý do rất đơn giản, A-10 là mẫu máy bay được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm đối phó với mối đe dọa từ xe tăng.

Trong khi đó, nước đang phải đối mặt với mối đe dọa nhiều nhất từ xe tăng chính là Hàn Quốc.

Triều Tiên – đối thủ của Hàn Quốc - không có hệ thống phòng không hiện đại nên nếu được hiện đại hóa, khả năng sống sót của A-10 sẽ rất cao khi phải đối mặt với hệ thống pháo và tên lửa phòng không của Triều Tiên.

Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry
Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry

Mặt khác, do đang rất muốn “thoát khỏi” A-10 nên USAF có thể “bán hạ giá” các máy bay bay này, tương tự như các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry.

Hiện nay, trên thế giới, các nước đợi hàng giá rẻ của Mỹ không ít, như Philippines hoặc các nước Đông Âu.

Bên cạnh đó, Iraq cũng đang tích cực tìm kiểm máy bay cường kích giá rẻ để đối phó IS nên có thế sẽ quan tâm tới các cường kích A-10.

Ngoài ra, còn có một khách hàng tiềm năng khác cho A-10 ở châu Á, đó là Đài Loan.

Trước đó, Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ nên không loại trừ khả năng họ sẽ quan tâm tới các máy bay A-10.

Theo Guancha, hiện tại, Đài Loan cũng đang thiếu một số máy bay cường kích có tính năng tốt để đối phó Trung Quốc, dù với tuổi thọ cao, khả năng A-10 có thể đối phó với quân đội Trung Quốc chưa thể nói chắc.

>>> Cho cường kích A-10 "về vườn", Mỹ sẽ mua máy bay nào thay thế?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại