Tin liên quan: Báo Anh: VN có thể mua trực thăng săn ngầm của AgustaWestland
Theo thông tin từ tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh), công ty AgustaWestland đang trong quá trình đàm phán sơ bộ về khả năng cung cấp trực thăng cho Hải quân Việt Nam.
AgustaWestland đã giới thiệu cho phía Hải quân Việt Nam 3 mẫu trực thăng, trong đó đáng chú ý nhất là mẫu trực thăng săn ngầm AW159. Hai mẫu còn lại là trực thăng AW109 và AW139.
Dưới đây là một số thông tin về 3 mẫu trực thăng này:
1. AgustaWestland AW159 Wildcat
AW159 Wildcat được thiết kế với nhiệm vụ chính là tác chiến chống ngầm. Đây là phiên bản cải tiến của dòng trực thăng Westland Super Lynx.
Chuyến bay đầu tiên của AW159 Wildcat diễn ra vào ngày 12-11-2009.
AgustaWestland AW159 Wildcat được đánh giá là một trong những loại trực thăng săn ngầm tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Khung thân của AW159 dựa trên mẫu Super Lynx 300. Điểm mới của AW159 nằm ở cánh quạt 4 lá bằng vật liệu composite, cửa buồng lái được thiết kế rộng hơn để dễ di chuyển.
Phần mũi của máy bay cũng lớn hơn để có thể lắp các thiết bị quang tuyến, phần thân sau có nhiều không gian để lắp đặt các hệ thống điện tử.
AW159 Wildcat được trang bị sonar, radar Seaspray 7000, hệ thống gây nhiễu, hệ thống thông tin liên lạc. Trực thăng này có thể tự động tìm kiếm, cũng như giám sát mục tiêu trên mặt biển và dưới biển.
Vũ khí trang bị trên dòng AW159 Wildcat rất đa dạng, bao gồm ngư lôi Sting Ray (hoặc các loại ngư lôi của NATO), bom chìm, rocket, tên lửa không đối đất, tên lửa chống tăng.
Ngoài ra còn có cả tên lửa chống hạm thế hệ mới FASGW, với khả năng tiêu diệt được tàu hộ tống, tàu cao tốc hoặc các mục tiêu cỡ nhỏ trên biển khác.
Một số thông số kỹ thuật cơ bản:
Phi hành đoàn: 2 người
Dài: 15,24m
Cao: 3,73m
Khối lượng cất cánh tối đa: 6.000kg
Máy bay trang bị 2 động cơ LHTEC CTS800-4N giúp đạt tốc độ tối đa 291km/h, tầm hoạt động 420 hải lý, dự trữ hành trình 2 giờ 42 phút.
Hiện nay, dòng trực thăng săn ngầm AW159 Wildcat đã được Hải quân Hoàng gia Anh đưa vào trang bị. Hải quân Hàn Quốc cũng vừa tiếp nhận lô 4 trực thăng AW159 đầu tiên trong tổng số 8 chiếc.
2. AgustaWestland AW109 Power
Trực thăng AW109 Power của Hải quân Philippines.
Đây là dòng trực thăng đa nhiệm hạng nhẹ, 2 động cơ, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên năm 1976.
Loại trực thăng này ban đầu được thiết kế cho mục đích thương mại và đạt được rất nhiều thành công trên thị trường.
Đến giữa những năm 1976-1977, Agusta cho ra đời phiên bản A109A quân sự mang theo tên lửa chống tăng TOW.
Hiện nay, A109 có nhiều phiên bản phục vụ cho mục đích quân sự như trực thăng vũ trang hạng nhẹ, trực thăng hải quân, trinh sát vũ trang, hỗ trợ tấn công đường không tầm gần,...
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã đặt mua 5 chiếc thuộc phiên bản hải quân của A109. Phiên bản này được trang bị các thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ tuần thám biển, cứu hộ cứu nạn, cùng súng máy hạng nhẹ.
Một số thông số kỹ thuật cơ bản:
Phi hành đoàn: 2 người
Dài: 11,448m
Rộng: 2,88m
Cao: 3,5m
Khối lượng cất cánh tối đa: 2.850kg
Máy bay trang bị 2 động cơ Pratt & Whitney PW206C giúp đạt được tốc độ tối đa 311km/h, tốc độ hành trình 285km/h, tầm hoạt động 503 hải lý.
3. AgustaWestland AW139
Trực thăng cứu hộ AW139.
AW139 là dòng trực thăng đa nhiệm hạng trung, 2 động cơ được giới thiệu lần đầu vào năm 2003.
Dòng trực thăng này được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ như: chuyên chở VIP, vận chuyển xa bờ, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, tuần thám biển,...
Phiên bản hải quân của dòng AW139 có thể được sử dụng để tuần thám biển và cứu hộ cứu nạn đơn thuần.
Một số thông số kỹ thuật cơ bản:
Phi hành đoàn: 2 người
Dài: 13,77m
Rộng: 2,26m
Cao: 3,72m
Khối lượng cất cánh tối đa: 6.400kg
AW139 trang bị 2 động cơ Pratt & Whitney PT6C-67C giúp đạt tốc độ tối đa 310km/h, tốc độ hành trình 306km/h, tầm hoạt động 675 hải lý.
>>> Việt Nam chọn mua thiết giáp bánh hơi "siêu khủng" Piranha-3C?