Dự án tuyệt mật đã hé lộ
Ngay cả tên của phiên bản cải tiến MiG-41 cũng nói lên một điều rằng nó sẽ được Trung tâm thiết kế Mikoyan đảm nhiệm, còn lại sẽ kế thừa những tính năng từ chiếc máy bay nổi tiếng hiện vẫn đang là con át chủ bài của lực lượng Không quân vũ trụ Nga - MiG-31.
Bằng chứng cho việc chiếc máy bay MiG-41 thế hệ mới sắp sửa ra đời chính là những phát ngôn của Tư lệnh lực lượng Không quân - vũ trụ Nga, Đại tướng Victor Bondarev, đưa ra cách đây một năm.
Ông chia sẻ về việc công tác nghiên cứu khoa học đang được triển khai, từ năm 2017 dự kiến sẽ tiến hành khâu thiết kế - thử nghiệm chiếc máy báy đánh chặn tầm xa thế hệ mới.
Và đến năm 2025 thì chiếc máy bay này sẽ phải được bàn giao cho các lực lượng không quân Nga.
Cả Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Nga "MiG", ông Sergei Korotkov, cũng gián tiếp khẳng định những tuyên bố nêu trên và còn chia sẻ về việc công tác chế tạo máy bay tiêm kích - đánh chặn mới nhất đã được triển khai.
Bản vẽ thiết kế được đồn đoán là phỏng dạng MiG-41 trong tương lai.
Từ năm 2026 nó sẽ đứng trong hàng ngũ của lực lượng Không quân - vũ trụ Nga. Và dù không ai trong số họ đề cập tới chiếc máy bay cụ thể nào, nhưng hoàn toàn có thể thấy rõ rằng đó chính là chiến đấu cơ đánh chặn MiG-41.
Được biết, dự án máy bay tiêm kích - đánh chặn tầm xa trên cơ sở MiG-31 được Trung tâm thiết kế mang tên Mikoyan phối hợp cùng với Phòng thiết kế nhà máy chế tạo máy bay "Sokol" (Nizegorod, Nga).
Công tác thiết kế đã được bắt đầu từ năm 2013 - ban đầu, theo đơn đặt hàng của Tư lệnh Quân chủng Không quân - vũ trụ (trước đây là Quân chủng Không quân), sau đó là theo sự chỉ đạo của tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga.
Chiếc máy bay dự kiến được thiết kế trong khuôn khổ chương trình trang bị vũ khí tới năm 2020 và thay thế 120 máy bay MiG-31 (75 chiếc đã được hiện đại hoá, những chiếc còn lại sẽ được cải tiến trong vòng 2-3 năm tới) của Quân chủng Không quân - vũ trụ.
Với tất cả những tính năng đáng nể của MiG-31 (không có đối thủ trên thế giới), thời gian vận hành của các máy bay này sẽ chấm dứt vào năm 2028 và cần phải có sự thay thế.
MiG-31 nâng cấp của Không - Vũ trụ Nga.
Từ "ông nội" huyền thoại MiG-25 tới MiG-41 siêu hạng
Nếu ngược theo dòng lịch sử các máy bay đánh chặn hiện đại của Nga thì không thể không nhắc tới chiếc tiêm kích cơ MiG-25 mà được coi là "cha đẻ" của MiG-31, và tất nhiên, sẽ là "ông nội" của MiG-41.
MiG-25 lần đầu tiên tuyên bố một cách hùng hồn về mình tại các trận không chiến tại Ai Cập trong cuộc xung đột giữa Isarel và Ả Rập Xê Út. Sự xuất hiện của MiG-25 trên bầu trời Isarel đã làm tê liệt toàn bộ lực lượng Không quân của Tel-Aviv.
Thứ nhất, MiG-25 có tốc độ khác thường vào thời điểm đó. Thứ hai, chiến đấu cơ này được trang bị thiết bị chiến tranh điện tử siêu bí mật "Smalta" mà biến nó trở thành máy bay tàng hình trước hệ thống radar định vị của Mỹ được triển khai ở Isarel.
MiG-25 từng một thời làm Mỹ và các nước phương Tây khiếp sợ.
Có một giai thoại kể về tốc độ siêu việt của MiG-25. Một phi công Liên Xô trẻ khi phát hiện trên màn hình radar một quả tên lửa đang phóng về phía mình đã hoảng sợ và ấn nhầm nút "tốc độ tối đa".
Chiếc MiG-25 đã lao nhanh đến mức bỏ xa quả tên lửa, còn viên phi công đã bất tỉnh vì tốc độ quá lớn. Khi tỉnh lại, cậu ta phát hiện mình đang ở khu vực bán đảo Crimea, và đáp máy bay xuống sân bay quân sự "Belbek".
Dù vỏ máy bay bị tung ra vì tốc độ quá lớn nhưng nó không hề ảnh hưởng tới những tính năng của MiG-25.
Người ta chưa bao giờ đo tốc độ tối đa của MiG-25. Tuy nhiên, phi công - du hành gia Svetlana Savitzkaya (Nga) đã đạt được tốc độ 2.700km/h trên chiếc máy bay này.
Tốc độ tối đa theo quy định an toàn cho tất cả các loại MiG-25 là 2,8M (gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh), tương đương 3.000km/h. Khi không mang vũ khí, tiêm kích - đánh chặn MiG-25, theo ý kiến của các chuyên gia hàng không, có thể đạt tới vận tốc 3.500km/h.
Các tên lửa của tổ hợp phòng không tên lửa MIM104 Patriot (Mỹ) có thể bắn hạ các mục tiêu trên không có vận tốc từ 1.800km/h đến 5M. Như vậy không phải quả tên lửa nào của tổ hợp này có khả năng đuổi kịp được chiếc máy bay của Nga.
MiG-31 theo các tính năng về tốc độ có thể không vượt trội hơn hẳn so với MiG-25, nhưng cho đến nay nó vẫn không có đối thủ. Và trong vòng 10-15 năm tới khó có nước nào chế tạo được loại máy bay tương tự.
Mục đích của MiG-31 là phát hiện và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo và hành trình, các loại thiết bị bay - từ máy bay không người lái ở độ cao thấp cho đến những trạm vệ tinh tầm thấp.
Nó có thể bắn hạ thành công các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 và F-35.
Máy bay tiêm kích - đánh chặn này có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay với vận tốc lên tới 5M khi phát hiện chúng từ khoảng cách lên tới 280km bằng hệ thống ăngten mảng pha độc nhất vô nhị.
MiG-31 có thể chở từ 5 tới 9 tấn vũ khí bao gồm nhiều loại đạn dược khác nhau như tên lửa tầm xa mà có thể tự tiêu diệt mục tiêu. Bên cạnh đó, MiG-31 có thể biến thành trạm chỉ huy trên không.
Dù những tính năng xuất chúng và nhiều phiên bản được sản xuất, nhưng thời gian vận hành của MiG-31 bị các chuyên gia hạn chế tới năm 2025-2026.
Đến thời điểm đó, chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 sẽ phải được bàn giao cho Binh chủng Không quân - vũ trụ. Và đặc điểm chính của chiếc máy bay đánh chặn mới này phải là tốc độ - 4500km/h.
Chiếc máy bay siêu thanh này sẽ mang trên boong các tên lửa siêu thanh, cùng với đó nhiều tính năng khác vượt trội hơn so với MiG-31 sẽ được trang bị cho nó.
"Máy bay đánh chặn tầm xa trên cơ sở MiG đã được thiết kế từ đầu những năm 90 với mã số "dự án 701", chuyên gia hàng không Valentin Dudin (Nga) chia sẻ.
"Thiết kế mới không giống với những máy bay chiến đấu MiG trước đó và theo tính năng nó sẽ phải là chiến đấu cơ mạnh nhất của lực lượng phòng không với tốc độ dự kiến đạt 7000km/h.
Nhưng vì không đủ ngân sách cũng như sự quan tâm tới vấn đề quốc phòng nên kế hoạch bị huỷ bỏ. Còn chiếc máy bay đánh chặn theo kế hoạch mới hiện nay, nhiều khả năng sẽ được thiết kế trên cơ sở MiG-31 - điều hoàn toàn hợp lý vì sẽ tiết kiệm hơn và nhanh hơn.
Còn các tính năng của MiG-41 sẽ vượt trội hơn so với các mẫu MiG thế hệ trước, kể cả việc đánh chặn các máy bay tấn công không người lái được Mỹ thiết kế mà theo giả thiết chỉ có tổ hợp phòng thủ tên lửa S-500 mới đủ khả năng", ông Dudin kết luận.