Như đã biết, các máy bay tiêm kích MiG-29 đời đầu của Liên Xô đã phải hứng chịu rất nhiều điều tiếng vì những nhược điểm như tuổi thọ khung thân thấp (chỉ 2.000 giờ bay); chi phí bảo trì, bảo dưỡng tốn kém; tầm hoạt động ngắn (1.400 - 1.500 km); động cơ RD-33 thường xuyên phun khói đen mù mịt...
Hình ảnh luôn gắn liền với MiG-29 thế hệ đầu
Chính vì vậy, vào đầu thập niên 1990, Liên Xô đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời thế hệ thứ hai của dòng MiG-29 với định danh MiG-29M (MiG-29M1). Máy bay mới có khung thân to hơn, diện tích cánh lớn hơn, độ bền tăng lên tới 4.000 giờ bay và tầm hoạt động được nâng lên thành 2.100 km.
Máy bay cũng được trang bị hệ thống điện tử hàng không mới và động cơ đáng tin cậy hơn. Đặc điểm dễ phân biệt nhất giữa MiG-29 đời đầu và MiG-29M là cửa lấy khí phụ kiểu mang cá trên MiG-29A đã bị loại bỏ, ngoài ra cánh MiG-29M có tới 4 giá treo vũ khí thay vì chỉ 3 như MiG-29 cũ.
Tuy nhiên do sự tan rã của Liên Xô mà chỉ có tổng cộng 6 mẫu chế thử của MiG-29M hoàn thành. Một thời gian sau chúng được sơn lại, trang bị hệ thống điều khiển fly-by-wire thế hệ mới và đặc biệt là lắp động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) RD-33MK rồi nhận định danh mới là MiG-29 OVT.
MiG-29 OVT chính thức ra mắt tại triển lãm hàng không MAKS-2001, nhờ động cơ 3D TVC thế hệ mới với các vòi phun có thể xoay ở góc 15 độ về mọi hướng, nó đã thực hiện nhiều động tác thao diễn được mô tả là "Không thể tin nổi" và "Chưa từng được nhìn thấy".
MiG-29 OVT biểu diễn tại MAKS-2007
Mặc dù vẫn bị nhầm lẫn là MiG-35 nhưng thực ra MiG-29 OVT là một chiếc máy bay khác. MiG-35 là phiên bản nâng cấp từ chiếc MiG-29M2 thế hệ sau này với khung thân khác và hệ thống điện tử hàng không mạnh mẽ hơn. Còn MiG-29 OVT, ngoại trừ động cơ 3D TVC thì khung thân của nó vẫn là chiếc MiG-29M1.
Dưới đây là màn biểu diễn ngoạn mục của tiêm kích MiG-29 OVT:
MiG-29 OVT bay biểu diễn tại triển lãm RIAT 2006