MEKO - Khinh hạm đa năng ưu việt nhưng ngoài tầm của Việt Nam?

Minh Hoàng |

Ngoài những lựa chọn từ Pháp và Hà Lan, Việt Nam có thể xem xét tới đề án khinh hạm đa năng MEKO của Đức.

Nhằm tiến tới việc sở hữu lực lượng hải quân có khả năng tác chiến xa bờ, Việt Nam cần nhắm tới những loại khinh hạm có giãn nước lớn hơn lớp Gepard hiện nay (2100 tấn).

Trước khi vươn tới các dòng khinh hạm đa năng với  giãn nước trên 6000 tấn như FREMM, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ phải có một loại tàu chiến chuyển tiếp để làm quen.

Mức giãn nước 3000-3500 tấn là khá hợp lý với vai trò này. Một trong những ứng cử viên sáng giá nhất trong phân khúc này chính là lớp tàu MEKO của Đức.

Tổng quan về lớp MEKO

Tàu MEKO được thiết kế bởi Công ty Blohm & Voss của Đức, là sự phát triển từ gia đình MEKO đã được biên chế hoạt động trong nhiều lực lượng hải quân trên thế giới từ những năm 1980.

MEKO là viết tắt của cụm từ "Mehrzweck- Kombination" (sự kết hợp đa năng).

MEKO không phải một lớp tàu duy nhất, thay vào đó, đây là tập hợp một loạt mẫu tàu chiến với giãn nước và nhiệm vụ khác nhau. MEKO A bao gồm các tàu hộ tống đa nhiệm.

Trong đó, phiên bản MEKO A-100 có giãn nước 1.650 tấn và tàu khinh hạm MEKO A-200 giãn nước 3.500 tấn.

MEKO A-200 có nhiều cải tiến nổi bật so với các phiên bản trước đó, bao gồm gia tăng gấp đôi lượng giãn nước của tàu, thiết kế tàng hình hiện đại, hệ thống động lực tiên tiến và hệ thống chiến đấu với các cấu trúc mô-đun mở.

Mẫu lớn nhất từng được thiết kế của lớp này là khinh hạm F125 có lượng giãn nước tới 7200 tấn.

MEKO A chính là nguyên mẫu của nhiều loại tàu chiến đang được biên chế của hải quân CHLB Đức, cũng như là lực lượng tàu mặt nước chủ lực của hơn 10 quốc gia trên thế giới.


Khinh hạm số hiệu F125 có lượng giãn nước tới 7.200 tấn của Hải quân Đức.

Khinh hạm số hiệu F125 có lượng giãn nước tới 7.200 tấn của Hải quân Đức.

Ưu điểm

Tàu được thiết kế tàng hình với việc làm giảm diện tích phản xạ radar (RCS). Các tấm hợp kim vỏ tàu tạo góc cạnh luân phiên, tránh tạo bề mặt phẳng lớn.

Boong và cấu trúc thượng tầng được thiết kế theo kiểu dốc nghiêng xuống. Đây là xu hướng thiết kế chung của những loại tàu chiến hiện đại.

Không chỉ tàng hình trước radar, thiết kế của tàu còn làm giảm 75% tín hiệu hồng ngoại. Ống xả khói thải đã bị loại bỏ, thay vào đó, khí thải nóng được xử lý và thải ngầm bằng hệ thống xả ngang.

Nước biển được hút vào ống thoát khí để làm mát khí thải, trước khi bị đẩy ra ngay phía trên mực nước phía đuôi tàu.

Thiết kế mô-đun của tàu là một lợi thế rất lớn. Khách hàng có thế lựa chọn kích thước tàu phù hợp với vũ khí trang bị và thiết bị điện tử theo yêu cầu. Ngoài ra, hệ thống động lực và năng lượng cũng được chỉnh sửa tùy ý.

Các thay đổi này không yêu cầu thay đổi kết cấu của tàu, do được thiết kế theo dạng khối (block) có tính tùy biến cao. Đây cũng là công nghệ đóng tàu hiện đại của châu Âu mà Việt Nam đang rất muốn sở hữu, một phần đã thành công qua việc hợp tác với Damen (Hà Lan).


Tàu MEKO A-200SAN số hiệu F-145 do hãng Blohm + Voss (Đức) đóng cho Hải quân Nam Phi.

Tàu MEKO A-200SAN số hiệu F-145 do hãng Blohm + Voss (Đức) đóng cho Hải quân Nam Phi.

So sánh với các lớp tàu cùng thời điểm thiết kế và kích cỡ, MEKO A gọn gàng và trang bị mạnh hơn nhiều.

Về vũ khí, tùy vào yêu cầu của khách hàng mà tàu sẽ được trang bị các loại vũ khí theo từng nhiệm vụ. MEKO có thể gắn nhiều loại tổ hợp tên lửa phòng không của Mỹ và NATO như Aster-15/30, RIM-7, RIM-162 ESSM... cũng như các loại tên lửa phóng từ bệ phóng đa năng Mk 41.

Ngoài các loại hải pháo 76,2mm và 127mm, nếu cần, nhà sản xuất sẽ lắp pháo PzH-2000 155mm (hiện tại mới chỉ có tàu của HQ Đức sử dụng loại pháo này).

Hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) có thể tới từ nhiều nước khác nhau mà không gặp trở ngại gì trong việc lắp đặt trên tàu.

Cuối cùng, động cơ của hãng MTU được đánh giá thuộc hàng chất lượng cao nhất thế giới. Ngay cả động cơ hiện đại do Ukraine sản xuất trang bị trên các tàu chiến Nga cũng khó sánh bằng MTU.


Tàu MEKO A-200SAN số hiệu F-147 do hãng Blohm + Voss (Đức) đóng cho Hải quân Nam Phi.

Tàu MEKO A-200SAN số hiệu F-147 do hãng Blohm + Voss (Đức) đóng cho Hải quân Nam Phi.

Nhược điểm

Ngoài những ưu điểm trên thì tàu MEKO cũng có một số điểm chưa phù hợp với Việt Nam.

Thứ nhất, Đức không trực tiếp sản xuất vũ khí cho tàu chiến nên hệ thống vũ trang bị phụ thuộc vào các nước khác.

Trong điều kiện Việt Nam mới chỉ được gỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí, khả năng lắp đặt các hệ thống Harpoon và RIM-7/66/162 trên MEKO sẽ là bất khả thi. Điều tương tự cũng xảy ra với những mẫu tên lửa hàng đầu châu Âu như Aster hay RBS-15.

Thứ hai, Mỹ và NATO đang cố gắng tiêu chuẩn hóa kĩ thuật để các tàu dễ dàng hoán đổi phụ kiện khi có hư hỏng. Nhưng Đức vẫn áp dụng tiêu chuẩn riêng của riêng mình.

Việc sử dụng tiêu chuẩn kĩ thuật khác người khiến cho phía vận hành gặp nhiều khó khăn khi tàu có hư hỏng. Mọi chi tiết trên tàu phải đặt mua từ nhà sản xuất chính hãng.

Đây sẽ là một cơn ác mộng với công tác đảm bảo kỹ thuật và hậu cần, đồng thời buộc khách hàng phải chuẩn bị cơ sở vật chất rất kỹ càng.

Thứ ba, Đức chưa có thỏa thuận về việc sử dụng vũ khí của Nga trên các loại tàu của mình.

Những quốc gia dùng hệ vũ khí của Liên Xô và Nga như Việt Nam sẽ phải đầu tư thêm một khoản không nhỏ để duy trì vũ khí khác hệ trên tàu MEKO. Việc đồng bộ và tự chủ sản xuất vũ khí cũng rất khó khăn.

Thứ tư, hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Đức mới đang ở mức tiềm năng, khó có thể đòi hỏi người Đức chuyển giao công nghệ đóng tàu MEKO cho Việt Nam. Bên cạnh đó, giá bán của tàu cũng không rẻ và khả năng mua với giá ưu đãi là thấp.

Ứng cử viên sáng giá nhưng vẫn ngoài tầm với?

MEKO là một lựa chọn rất hợp lý trong quá trình tăng cường khả năng tuần tra và tác chiến xa bờ của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bước đệm hợp lý giữa tàu hộ vệ hạng nhẹ như Gepard với những loại khinh hạm hạng nặng như FREMM.

Tuy nhiên, nếu không thể thỏa thuận với Đức về việc trang bị vũ khí Nga cho tàu, MEKO sẽ chỉ là một lựa chọn mang tính tham khảo cho Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại