Máy bay Nga “phá” chiến lược Mỹ đối phó với Trung Quốc?

Tuệ Lâm |

Sự kiện MBNB Tu-95 Nga uy hiếp đảo Guam đã đe dọa tới chiến lược “Tác chiến không hải nhất thể” của Mỹ đang triển khai để đối phó với TQ.

Theo tin trên trang web Washington Free Beacon, ngày 14-11 vừa qua, hệ thống nhận biết trên không của Mỹ đã phát hiện 4 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95H của Nga mang vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình tầm xa đã bay xung quanh trong phạm vi rất gần khu vực đảo Guam.

Bài báo cho biết, “sự kiện khiêu khích hạt nhân bất thường” lần này không chỉ đơn thuần là sự kiện máy bay ném bom chiến lược của Nga tiếp cận sát đảo Guam lần thứ hai trong vòng hai năm qua, mà còn là mối đe dọa đối với khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể”, lấy đảo Guam làm cốt lõi của Mỹ.

Trước đó vài ngày, Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu đã thông báo nhiệm vụ tuần tra chiến lược của máy bay ném bom tầm xa trải rộng từ phía tây Đại Tây Dương, vùng biển Caribean, cho đến vịnh Mexico.

Tờ “Thời báo Moscow” (Moscow Times) cũng dẫn lời tổng thống Putin cho biết, hoạt động bay tuần tra sát không phận NATO của máy bay ném bom Nga trong thời gian gần đây là sự đáp trả hành động của Mỹ cho máy bay ném bom bay sát biên giới của nước này.

Mặc dù Tu-95H, sử dụng 4 động cơ turbine cánh quạt là loại máy bay ném bom đã tương đối cũ kỹ, nhưng nó đều được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kh-55SM Raduga (NATO: AS-15 'Kent'), có thể mang vũ khí hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, tầm phóng 1.800 dặm Anh, tương đương 2900km”.

F-22 Mỹ ngăn chặn máy bay ném bom chiến lược Nga mang tên lửa hành trình tầm xa
F-22 Mỹ ngăn chặn máy bay ném bom chiến lược Nga mang tên lửa hành trình tầm xa

Ngoài ra, cả Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack còn có thể mang theo các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới nhất là Kh-101 và Kh-102. Đây là 2 loại tên lửa tầm siêu xa, có tầm phóng lên tới 10.000km. Độ chính xác tới 1m và đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa này đã khiến các loại máy bay ném bom cũ kỹ, phi tàng hình Nga trở lên cực kỳ đáng sợ.

Bài báo cho biết, đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm qua, các máy bay ném bom chiến lược của Nga thực hiện nhiệm vụ bất thường kiểu này. Lần đầu tiên vào ngày 12-02-2013, 2 chiếc Tu-95 của Nga đã bay đến sát đảo Guam, khi đó Mỹ đã phải vội vàng tung chiến đấu cơ F-15 bay ngăn chặn.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn tiếp tục căng thẳng do khủng hoảng Ukraine, quan chức quân đội Mỹ cho rằng, máy bay ném bom chiến lược Nga đã nhiều lần bay sát hoặc bay vào “Vùng nhận diện phòng không” của Mỹ vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm nay, nhằm thăm dò năng lực phản ứng phòng không của phía Mỹ. Không những thế, máy bay chiến lược của Nga cũng nhiều lần bay xung quanh các hòn đảo của Nhật Bản.

Cuối tháng 10 năm nay, vài chục máy bay Nga đã từng có hoạt động “khác thường” trong vòng 24h từ cuối ngày 28 đến 29-10 ở Đại Tây Dương, biển Đen và biển Baltic, buộc không quân NATO phải cho máy bay chiến đấu đánh chặn 4 tốp máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp dầu trên không của Nga

Tu-95 của Nga có khả năng mang tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân Kh-101/102, tầm phóng 10.000km
Tu-95 của Nga có khả năng mang tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân Kh-101/102, tầm phóng 10.000km

Mỹ lo lắng Nga đang thao luyện tấn công hạt nhân đường không

Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu ngày 12-11 cũng cho biết, trong tình hình hiện nay, Nga bắt buộc phải bảo đảm sự hiện diện quân sự của mình ở tây Đại Tây Dương, đông Thái Bình Dương, vùng biển Caribean và vịnh Mexico. Máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ tiếp tục tuần tra trong phạm vi rộng lớn này.

Tuy nhiên, người Mỹ lo lắng rằng, ẩn giấu đằng sau hoạt động tới tấp của máy bay ném bom chiến lược Nga chính là bóng ma hạt nhân đáng sợ. Washington cho rằng, trong bối cảnh này, hoạt động của máy bay ném bom chiến lược Nga mang ý nghĩa chiến đấu thực tế.

Tờ “Sự thật” (Pravda - Пра́вда‎) của Nga ngày 11 cho hay, Nga đã chuẩn bị một “Lễ vật hạt nhân” cho khối NATO, đó chính là quy mô đầu đạn hạt nhân chiến thuật vượt xa khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Được biết, NATO đang cất giữ 260 đầu đạn hạt nhân chiến thuật ở châu Âu, trong đó, chủ yếu là loại bom hạt nhân B-61. Khoảng 200 đầu đạn là của Mỹ, triển khai tại 6 căn cứ không quân 6 quốc gia châu Âu thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tập trung ở 4 nước Bỉ, Đức, Hà Lan và Italia.

Về phương diện này, theo cách tính toán thận trọng nhất, Nga cũng có hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật ở các cấp độ khác nhau, trang bị trên các loại ngư lôi, tên lửa và đặc biệt nó được trang bị trên tên lửa cấp chiến dịch - chiến thuật tiên tiến nhất hiện nay của Nga mang tên “Iskander” (phiên hiệu NATO: SS-26 Stone).

Vị trí trọng yếu của đảo Guam (điểm đỏ) đối với “chuỗi đảo thứ hai”
Vị trí trọng yếu của đảo Guam (điểm đỏ) đối với “chuỗi đảo thứ hai”

Trang web “Hải đăng tự do Washington” cho hay, mấy năm gần đây, không quân Nga tăng cường huấn luyện xâm nhập vào khu vực bờ biển phía tây và đông nước Mỹ. Trong đó, hoạt động của chiến đấu cơ Nga gần bờ biển phía đông Canada được cơ quan tình báo Mỹ nhận định là “không quân Nga đang thử nghiệm phát động cuộc tấn công tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân vào nước Mỹ.

Bài báo cũng đề cập đến, máy bay ném bom chiến lược Nga tiến sát vào lãnh thổ Mỹ lần gần nhất là tháng 6 năm nay, khi đó, 2 chiếc ném bom cách bờ biển không phận California khoảng 50 dặm Anh (khoảng 80km). Quan chức Mỹ cho hay, đây là lần đầu tiên máy bay chiến lược Nga tiến sát vào Mỹ kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Mark Schneider, người từng tham gia hoạch định chính sách chiến lược hạt nhân của Mỹ cho rằng, “hành động khiêu khích của máy bay ném bom hạt nhân Nga kéo dài từ năm 2007, nhưng cường độ hoạt động như năm 2014 rõ ràng đã đạt đến mức từ trước đến nay chưa từng có”.

Máy bay Tu-95 Nga tiến sát vào Guam khiến cho quân đội Mỹ lo lắng. Tờ “Hải đăng tự do Washington” cho rằng, hòn đảo này là đầu não chiến lược trọng yếu nhất của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, đây cũng là căn cứ then chốt trong chiến lược “Tác chiến không-hải nhất thể” mà Lầu Năm Góc đang tiến hành.

Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ triển khai ở Guam
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ triển khai ở Guam

Nga uy hiếp chiến lược “Tác chiến không hải nhất thể” của Mỹ

Trong những năm gần đây, cùng với tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cảm thấy “chuỗi đảo thứ nhất” không còn an toàn. Chiến lược trên được Mỹ xây dựng để đối phó với khả năng “Chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD - Anti-Access/Area Denial) của Trung Quốc.

Nội dung cốt lõi của chiến lược này là xây dựng căn cứ hải quân và căn cứ không quân Andersen tại Guam, thuộc khu liên hợp quần đảo Mariana được Bộ quốc phòng Mỹ thành lập năm 2009 nhằm phục vụ cho chiến lược “Tác chiến không-hải nhất thể” mà quân đội Mỹ đang triển khai nhằm đối phó với Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu đó, không quân Mỹ cần triển khai định kỳ máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress và B-2 Spirit đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Tuy nhiên trước đây, sự hiện diện của chúng không mang tính lâu dài mà luôn được luân chuyển chu kì 6 tháng/lần.

Máy bay không người lái trinh sát RQ-4 “Global Hawk” của Mỹ cũng xuất phát từ căn cứ này đi thực thi nhiệm vụ trinh sát khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt là ngày 09-11 vừa qua, cũng có người chụp được ảnh UAV trinh sát tàng hình tuyệt mật RQ-170 Sentinel cất cánh từ căn cứ Andersen.

Người ta còn thấy 4 máy bay tiếp dầu trên không KC-135 Stratotanker mỗi tháng luân phiên 1 lần tại căn cứ không quân này. Đồng thời, để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên, tháng 4-2013 quân đội đã Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại khu vực tây bắc đảo Guam.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los-Angeles của Mỹ triển khai ở Guam
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los-Angeles của Mỹ triển khai ở Guam

Ngoài ra, hải quân Mỹ còn bố trí 3 tàu ngầm tấn công hạt nhân và đang có kế hoạch triển khai chiếc thứ 4 ở đây, nhằm phục vụ cho chiến lược “Quay trở về châu Á” của Tổng thống Barak Obama, mà trọng tâm là điều chuyển 60% lực lượng hải quân và 60% lực lượng không quân ở hải ngoại về khu vực này.

Giả sử Trung-Mỹ xảy ra chiến tranh, Bắc Kinh sẽ sử dụng tên lửa tấn công căn cứ của Washington đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, buộc Mỹ phải di dời quân đồn trú tại hai quốc gia này tới khu vực cách xa châu Á như Guam, Australia… để giảm thiểu tổn thất gặp phải khi chiến tranh bùng nổ trong tương lai.

Với việc Bộ quốc phòng Mỹ tập trung di chuyển lực lượng tác chiến về khu vực Thái Bình Dương, đảo Guam sẽ trở thành căn cứ tác chiến, đồng thời là cơ sở hậu cần cho máy bay chiến đấu, tàu chiến của quân đội Mỹ triển khai tại Tây Thái Bình Dương. Điều này sẽ làm cho Mỹ có đủ khả năng răn đe chiến lược.

Do Washington ngày càng lo ngại đối với việc Bắc Kinh thiếu minh bạch trong mở rộng các loại vũ khí nên việc mở rộng các căn cứ tác chiến không-hải quân và phục vụ - bảo đảm trên đảo Guam là rất cần thiết. Điều trớ trêu là hiện nay những căn cứ của Mỹ tập trung đối phó với Trung Quốc lại bị sự uy hiếp cực lớn của lực lượng không quân chiến lược Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại