Máy bay chiến đấu kỷ lục của Trung Quốc tại “Peace Mission 2014”

Tại cuộc tập trận chung chống khủng bố “Sứ mệnh hòa bình 2014”, Nga - Trung đã thị uy lực lượng khi điều động 6.000 quân và hàng chục máy bay chiến đấu.

Cuộc diễn tập liên hợp chống khủng bố “Sứ mệnh hòa bình 2014” (Peace Mission 2014) chính thức bắt đầu vào ngày 24/8 tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa - thành phố Hohhot (tên tiếng Hán là Hô Hòa Hạo Đặc), thuộc khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc.

Đây là cuộc diễn tập liên hợp chống khủng bố lần thứ 5 trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc phòng của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ quá trình diễn tập được tổ chức trong lãnh thổ Trung Quốc, từ ngày 24-29/8.

Cuộc diễn tập quy tụ gần 7000 quân nhân thuộc nhiều quân binh chủng của 5 nước thành viên thuộc tổ chức này, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga và Tajikistan. Trong số khoảng 2.000 binh lính đến từ nước ngoài, riêng Nga đã đóng góp 1.000 quân.

Đặc biệt là có tổng cộng hơn 5.000 quân tinh nhuệ tham gia tập trận, hơn 50 máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và các loại máy bay khác, hơn 440 bộ trang thiết bị các loại khác nhau, tạo thành một “cỗ máy” chiến đấu lục quân, không quân và bảo đảm chi viện chiến dịch, chiến lược.

Nga-Trung đã huy động lực lượng máy bay rất lớn tham gia diễn tập

Nga - Trung đã huy động lực lượng máy bay rất lớn tham gia diễn tập

Còn Trung Quốc điều động khoảng 5000 quân tham diễn tập. Lực lượng này bao gồm nhiều quân binh chủng của lực lượng bộ binh, không quân và đặc nhiệm. Ngoài ra, Bắc Kinh còn huy động số lượng lớn máy bay chiến đấu, trực thăng và bảo đảm cùng hàng trăm trang thiết bị khác.

Lực lượng chính tham gia diễn tập của Trung Quốc gồm tập đoàn quân 38, lực lượng không quân của quân khu Bắc Kinh và lực lượng trực thuộc Bộ tư lệnh của quân khu này, trong đó có lực lượng xe bọc thép, pháo binh, lực lượng hàng không lục quân và lực lượng tác chiến đặc biệt.

Tham gia cuộc diễn tập này, không quân Trung Quốc đã mang tới nhiều vũ khí trang bị mới như máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, máy bay không người lái và các loại xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép, pháo, tên lửa phòng không.

Đặc biệt là có sự tham gia của 23 chiếc máy bay thuộc 7 loại là máy bay chiến đấu J-10, J-11, cường kích JH-7; máy bay cảnh báo sớm KJ-200, một số loại máy bay lần đầu tiên tham dự các cuộc diễn tập đa quốc gia như máy bay trực thăng WZ-10 và WZ-19.

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc

WZ-10 là dòng máy bay trực thăng vũ trang chuyên dụng đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu và phát triển, còn WZ-19 là phiên bản cải tiến của máy bay trực thăng WZ-9. Đây là 2 loại trực thăng hiện đại nhất của Trung Quốc, được họ đánh giá là ngang ngửa các loại trực thăng tiên tiến nhất của phương Tây.

Hai loại trực thăng vũ trang này được đặt biệt danh theo tên các nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng Thủy Hử. WZ-10 lấy biệt danh của mãnh tướng Tần Minh là “Tịch Lịch Hỏa” (tức “Lửa sấm sét” - tiếng Anh là Fierce Thunderbolt). Còn WZ-19 lấy biệt danh của Lý Quỳ là “Hắc Toàn Phong” (tức “Lốc xoáy đen” - tiếng Anh là Black Whirlwind).

Quân khu Thẩm Dương cũng điều động 8 chiếc cường kích JH-7 đảm nhận nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất. Đây là số lượng máy bay chiến đấu kỷ lục được Trung Quốc huy động trong một cuộc tập trận thực binh (từ trước đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ điều động quá 6 chiếc trong 1 cuộc tập trận).

Phiên bản nâng cấp mạnh nhất là xe tăng Type-99G cũng đươc Trung Quốc phô diễn tại cuộc tập trận này. Theo các chuyên gia quân sự, xe tăng thế hệ mới xuất hiện lần này được coi là hiện đại nhất Trung Quốc hiện nay, được trang bị cho tập đoàn quân 38 thuộc Quân khu Bắc Kinh.

Máy bay cường kích Su-25 của Nga

Máy bay cường kích Su-25 của Nga

So với xe tăng Type-96A vừa tham dự và đạt giải 3 tại cuộc thi xe tăng quốc tế “Tank Biathlon 2014” tại Nga cách đây không lâu và các phiên bản cùng dòng Type-99, xe tăng này đã được cải tiến, nâng cấp rất nhiều về động cơ, hỏa lực và khả năng thông tin hóa.

Những thông tin được công bố cho thấy, trang bị của lực lượng tham gia diễn tập từ các nước khác chủ yếu là xe chiến đấu bộ binh BMP-2; xe bọc thép cấp cứu; xe cứu hộ thiết giáp, được chế tạo trên khung gầm xe thiết giáp lưỡng thê MT-LB và nhiều loại xe chỉ huy, trinh sát trên khung gầm xe BTR-60.

Chuyên gia bình luận quân sự Tống Trung Bình cho rằng, việc điều động máy bay chiến đấu J-10 và J-11 tham gia diễn tập cho thấy “Peace Mission 2014” một mặt nhằm vào lực lượng khủng bố, mặt khác cũng là để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Về phía Moscow, đại diện của quân đội Nga bao gồm các nhóm chiến đấu thuộc Tiểu đoàn chiến thuật của Lữ đoàn bộ binh cơ giới 36 - Quân khu miền Đông và phi đội máy bay thuộc Bộ chỉ huy số 3 - Quân chủng Phòng không - Không quân.

Xe tăng T-72 B3M (BZ) của Nga

Xe tăng T-72 B3M (BZ) của Nga

Thành phần lực lượng Nga có hơn 1.000 quân nhân; 60 xe bọc thép trong đó có 40 xe chiến đấu bộ binh BMP-2; 13 tăng T-72; hơn 20 đơn vị vũ khí tên lửa, pháo binh; các hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-21; hơn 60 đơn vị xe; 8 máy bay trực thăng Mi-8AMTSh; 4 chiến đấu cơ Su-25 và 2 máy bay vận tải quân sự Il-76.

Tuy những cuộc tập trận này đều nằm trong khuôn khổ hợp tác lâu dài và được tổ chức thường niên nhưng trong bối cảnh Mỹ và EU đang hợp sức cùng với đồng minh bao vây, cấm vận Nga về vấn đề nội chiến ở Ukraine và vụ MH17 bị rơi, đây sẽ là những cơ hội để Moscow thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh và các đồng minh Trung Á.

Trước đó, từ ngày 20-26/5, hải quân Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự liên hợp không quân - hải quân mang tên “Tương tác biển 2014” (Naval Interaction 2014) tại khu vực phía đông cửa sông Trường Giang, tức là khu vực phía bắc Đông Hải (khu vực biển phía tây bắc đảo Senkaku/Điếu Ngư).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại