Lộ diện quốc gia thứ 2 sở hữu "sát thủ TSB" Moskit của Nga

Ly Vy |

Trước đó, Nga mới chỉ bán tên lửa chống hạm Moskit cho Trung Quốc.

Trang mạng tiếng Nga bmpd cho biết:

Một số nguồn tin tiết lộ rằng Nga đã bán cho Ai Cập tàu tên lửa mang số hiệu P-32 (hay R-32 theo phiên âm), chiếc duy nhất thuộc đề án 1242.1 và là phiên bản xuất khẩu của tàu tên lửa đề án 1241.1M (Molniya) sử dụng tên lửa chống hạm Moskit.

Lễ tiếp nhận con tàu diễn ra vào ngày 10-08 vừa qua, tại cảng Alexandria.

Như vậy, Ai Cập đã trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu chiến hạm thuộc gia đình tàu tên lửa cao tốc đề án 1241 (Molniya) trang bị tên lửa Moskit.

Đồng thời, nước này là quốc gia nước ngoài thứ 2 trên thế giới sở hữu loại tên lửa chống hạm này sau Trung Quốc.

Tàu tên lửa P-32 tại kênh đào Suez hôm ngày 06-08.

Tàu tên lửa R-32 tại kênh đào Suez hôm ngày 06-08.

Tàu tên lửa số hiệu R-32 (số sê ri 01300) được đóng tại nhà máy đóng tàu Rybinsk vào năm 2000. Cho đến nay, đây là tàu tên lửa duy nhất thuộc đề án 1242.1, 2 chiếc còn lại vẫn chưa hoàn tất.

Theo một số nguồn tin, tàu tên lửa đề án 1242.1 là phương án xuất khẩu dành cho Ấn Độ.

Tàu tên lửa P-32 khi còn ở trong biên chế Hạm đội Baltic.

Tàu tên lửa R-32 khi còn ở trong biên chế Hạm đội Baltic.

So với các tàu tên lửa lớp Molniya của Hải quân Nga, tàu đề án 1242.1 có cấu hình gần tương tự (chỉ khác loại tên lửa chống hạm) như các tàu thuộc đề án 1241.8 (Hải quân Nhân dân Việt Nam đang sử dụng).

Tuy nhiên, thay vì 16 tên lửa chống hạm Uran-E, tàu tên lửa đề án 1242.1 trang bị 4 tên lửa chống hạm 3M-80E (Moskit-E) - phiên bản xuất khẩu của tên lửa chống hạm Moskit.

Với tầm bắn tối đa lên đến 120km, tốc độ bay 2.800km/giờ (Mach 3), đầu đạn nặng 300kg, Moskit được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay".

Với tốc độ bay cao và khối lượng đầu đạn lớn, chỉ 1 quả tên lửa Moskit cũng đủ vô hiệu hóa 1 tàu tuần dương của đối phương.

Tàu tên lửa P-32 khi còn ở trong biên chế Hạm đội biển Caspi.

Tàu tên lửa R-32 khi còn ở trong biên chế Hạm đội biển Caspi.

Mẫu tàu này cũng từng nhận được sự quan tâm từ Turkmenistan. Vào giữa những năm 2000, nước này đã đồng ý mua tàu.

Đến giai đoạn 2006-2007, con tàu được di chuyển khỏi nhà máy Rybinsk (nơi nó được hoàn thiện và sửa chữa). Sau khi hoàn thành mọi việc, vào tháng 10-2008, tàu được kéo đến Astrakhan..

Đến mùa xuân năm 2009, tàu R-32 được đưa đến Makhachkala để trải qua các công đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi chuyển giao cho phía Turkmenistan. Tuy nhiên, vào phút chót, Turkmenistan đã từ chối tiếp nhận con tàu.

Một số nguồn tin cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc này là do điều kiện vận hành và bảo quản phức tạp của tổ hợp tên lửa Moskit-E trang bị trên tàu.

Phía Turkmenistan sau đó đã đặt đóng 2 tàu thuộc đề án 1241.8 (tương tự như các tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam) trang bị tên lửa chống hạm Uran-E.

Sau khi Turkmenistan từ chối mua, tàu tên lửa R-32 đã được chuyển giao cho Hạm đội biển Caspi và gần đây nhất là Hạm đội Baltic của Nga, trước khi được giao cho Hải quân Ai Cập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại