Chuyên gia Mỹ nói về F-35: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết!

Hải Vy |

Theo chuyên gia David Axe, vấn đề của F-35 là nó đảm nhận quá nhiều chức năng, trong khi "không có được sự nhanh nhẹn như F-16, cũng không "nồi đồng cối đá" như A-10.

Mẫu chiến cơ yêu quý của Lầu Năm Góc gần đây đã nhận được chút tin tức tốt lành.

Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin đã có thể giảm bớt được chi phí sản xuất và vận hành của dự án gây nhiều tranh cãi và vô cùng đắt đỏ này. F-35 cũng có sự thể hiện tốt hơn trong các cuộc thử nghiệm.

Tín hiệu tốt chăng?

Không hẳn vậy. Chuyên gia quân sự Mỹ David Axe cho rằng những điều đó chẳng thấm tháp vào đâu bởi mẫu máy bay này đã thiếu sót từ trong căn bản.

"Một nghề thì sống, đống nghề thì chết"

"F-35 Joint Strike Fighter - mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm do Lockheed Martin thiết kế để tránh được radar của đối phương, oanh tạc các mục tiêu trên mặt đất và bắn hạ chiến đấu cơ của đối thủ - vẫn có vô số vấn đề như trước.

Bất cứ mẩu tin tức tốt lành nào gần đây cũng không thể khỏa lấp thiếu sót căn bản trong thiết kế của mẫu máy bay này"  - Vị chuyên gia khẳng định.

Theo David Axe, F-35 thiếu sót từ trong căn bản

Theo David Axe, F-35 chỉ là "chiến đấu cơ" hạng 2

Theo Axe, vấn đề chính với loại khí tài đặc biệt này nằm ở chỗ nó chỉ là chiến đấu cơ "hạng 2" trên mặt trận quan trọng - trên không, trong cuộc chiến sinh tử trước kẻ địch hiếu thắng.

Lầu Năm Góc hoàn toàn ý thức được điều này. Một chương trình mô phỏng trên máy tính do 2 chuyên gia phân tích tại tổ chức tư vấn RAND tiến hành năm 2008 đã tiết lộ sự thua kém của F-35.

Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đầu tiên mà Bộ Quốc phòng Mỹ nên lắng nghe nhưng họ đã bỏ ngoài tai.

Bản phân tích của RAND chỉ ra rằng F-35 bị đánh bại khi bước vào một cuộc chiến thực sự, tại đó, phương án né tránh sự phát hiện của đối phương không còn phát huy hiệu quả.

Dù sự mô phỏng này có chính xác 100% hay không thì rõ ràng nó đã làm bộc lộc một thiếu sót nghiêm trọng cần được suy xét nghiêm túc.

F-16 Fighter Jet
Fairchild Republic A-10 Thunderbolt II aircraft are seen stored in the boneyard at the Aerospace Maintenance and Regeneration Group on Davis-Monthan Air Force Base in Tucson, Arizona

Theo David Axe,  F-35 "không có được sự nhanh nhẹn như F-16 (trên), cũng không "nồi đồng cối đá" như A-10 (dưới).

Xét cho cùng, F-35 là tương lai của lực lượng máy bay chiến đấu quân đội Mỹ, tức là nó sẽ thay thế một loạt các mẫu máy bay khác, trong đó có F-16 và A-10.

Và vấn đề chính nằm ở chỗ đó. Để đảm nhận được vai trò này, F-35 phải là mẫu máy bay cực kỳ đa năng, trong khi tiêu chí này không tránh khỏi dẫn đến một loạt những thỏa hiệp "đau đớn" trong thiết kế.

"Một nghề thì sống, đống nghề thì chết" - Chuyên gia Axe nhận định, đồng thời nói thêm rằng F-35 "không có được sự nhanh nhẹn như F-16, cũng không "nồi đồng cối đá" như A-10.

Tương lai thuộc về Nga và Trung Quốc

Mỹ luôn phụ thuộc rất nhiều vào ưu thế trên không song điều này có thể bị đe dọa khi F-35 trở thành nền tảng của lực lượng máy bay nước này.

Theo Axe, trong trường hợp đó, tương lai sẽ thuộc về các mẫu chiến đấu cơ vượt trội nhất của Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng không thiếu những mô hình mới trong các giai đoạn phát triển khác nhau.

"Trước đây, các máy bay chiến đấu uy lực của Mỹ vượt lên trên tất cả các đối thủ khác, mang lại cho Wahsington một lợi thế chiến lược trước bất cứ kẻ địch nào.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ sắp tới, Không quân Mỹ nhiều khả năng sẽ hoàn toàn bị lấn lướt bởi bất cứ quốc gia nào sở hữu các mẫu (máy bay) mới nhất của Nga và Trung Quốc.

Khôi hài ở chỗ, một trong những mẫu này có vẻ là phiên bản sao chép được cải tiến của F-35, giảm thiểu tất cả các yếu tố thiết kế tồi tệ nhất" - Chuyên gia Axe kết luận.

F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc.

Trong một bài viết trên tờ Russia & India Report, chuyên gia về các vấn đề đối ngoại Rakesh Krishnan Simha cho biết, người Mỹ muốn dựa vào F-35 để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa nhằm vào các tàu sân bay.

Vì vậy, hơn một nghìn tỷ USD đã được rót vào dự án nhiều vấn đề này.

Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính chi 1,4 ngàn tỷ USD để mua và vận hành 2.500 chiếc F-35.

Tuy nhiên, chuyên gia Bill French thuộc Mạng lưới An ninh Quốc gia Mỹ (NSN) cho rằng quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưõng khi "Tia chớp” F-35 tồn tại tới 4 điểm yếu chết người, khiến nó tỏ ra thua thiệt so với các chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29 có từ thời Liên Xô.

4 “tử huyệt” này bao gồm khả năng cơ động thấp (dễ bị bắn hạ trong không chiến), khả năng chuyên chở cục bộ nhỏ, tầm hoạt động ngắn và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ tàng hình để sống sót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại