Lịch sử ra đời và phát triển của tiêm kích Su-35

Anh Tuấn |

Su-35 Flanker-E là tiêm kích tối tân thế hệ 4++ của Nga, được đánh giá đủ khả năng đối đầu máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ.

Giới thiệu chung

Ngày nay, khi tình hình thế giới ngày càng trở nên phức tạp với sự tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc, những cuộc xung đột quy mô nhỏ, khủng bố… thì vai trò của không quân ngày càng trở nên quan trọng.

Với sự cơ động, uy lực lớn, độ chính xác cao cùng tầm hoạt động rộng, lực lượng không quân có thể phá huỷ các mục tiêu quân sự, làm tiêu hao sinh lực địch, duy trì ưu thế cho quân mình,…

Điều này đã thể hiện rất rõ trong các cuộc chiến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI như: chiến tranh Nam Tư (1999), chiến tranh Libya (2011), chiến tranh vùng Vịnh (2003)…

Tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh

Bởi vậy mà cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, châu Âu đều nỗ lực phát triển, nâng cấp và cho ra đời nhiều dòng máy bay mới mạnh mẽ, uy lực, linh hoạt hơn... như Eurofighter Typhoon (châu Âu), J-20 và J-31 (Trung Quốc), F-35 (Hoa Kỳ)...

Trong đó Su-35 của Nga được biết tới như là một sát thủ trên không đáng sợ với khả năng không chiến cực mạnh, tầm hoạt động rộng, khả năng tàng hình tốt...

Lịch sử ra đời

Có thể nói Su-35 là sự tiếp nối thành công của dòng máy bay Flanker do tập đoàn Sukhoi nghiên cứu, chế tạo.

Năm 1985, trước nhu cầu về một loại tiêm kích đa nhiệm hiện đại, chương trình T10-24 đã được Liên Xô xây dựng. Việc lắp ráp mẫu thử T-10M-1, nguyên mẫu đầu tiên của Su-35 cũ hoàn thành mùa xuân năm 1988, phi công thử nghiệm O.G.Tsoy cất cánh lần đầu ngày 28/6.

nguyên mẫu đầu tiên của Su-35 cũ, sản xuất 6/1989. Nguyên mẫu này vẫn giữ kiểu cánh và đuôi cũ nhưng đã bỏ đi các đối trọng chống rung ở hai đầu mút cánh, có thêm bào khí trước và chưa có trang bị điện tử mới.

Nguyên mẫu đầu tiên của Su-35 cũ, sản xuất tháng 6/1989 vẫn giữ kiểu cánh và đuôi cũ cùng cánh mũi nhưng đã bỏ đi các đối trọng chống rung ở hai đầu mút cánh, có thêm bào khí trước và chưa có trang bị điện tử mới.

Nửa năm sau, ngày 18/1/1989, mẫu thử thứ hai mã hiệu T-10M-2 tham gia chương trình thử nghiệm, cả hai máy bay đều sử dụng đặc điểm Su-27S sản xuất hàng loạt với cấu tạo đuôi cũ.

Đến tháng 11/1992, máy bay mang thiết bị tìm kiếm hồng ngoại và chỉ thị laser nước ngoài TIALD do hãng Ferranti, Anh sản xuất bay trình diễn tại Farnborough. Một năm sau, tháng 8/1993, Su-35 tham gia biểu diễn trong triển lãm hàng không MAKS tại Zhukovsky.

Điểm nóng của chương trình biểu diễn là Su-35 thực hiện đường bay móc, một phát triển của động tác thao diễn "Pugachev's Cobra", nhưng bắt đầu trong khi máy bay nằm ngang. Su-35 được nhận xét vượt trội các đối thủ ở tính năng vận động.

Tiêm kích Su-27M (Su-35 đời đầu)
Tiêm kích Su-27M (Su-35 đời đầu)

Đến lúc đó, Sukhoi dễ dàng đặt kế hoạch sản xuất khoảng hơn một tá mẫu thử nghiệm tại nhà máy KnAAPO. Một trong số chúng, chiếc T-10M-11 sản xuất năm 1995 được lắp động cơ điều khiển vector lực đẩy AL-31FP.

Chuyến bay ngày 2/4/1996 do phi công Ye.I.Frolov điều khiển, từ đây mã hiệu Su-37 được dùng.

Loại động cơ này điều khiển không đồng bộ lên xuống 15 độ, cung cấp khả năng thao diễn có một không hai. Su-37 có thể vòng gấp với bán kính bằng 0 và nhún nhảy trên không mà không cần tiến về phía trước (nó có thể đứng yên trên không)...

Đáng chú ý là phi công không cần kỹ năng đặc biệt để điều khiển cổ khớp ống xả, máy tính phân tích yêu cầu từ cần lái và bàn đạp, tính toán rồi tự động ra quyết định.

Một chiếc Su-37 đang trong quá trình thử nghiệm
Một chiếc Su-37 đang trong quá trình thử nghiệm

Quá trình hiện đại hoá

Giữa những năm 2000, trước nhu cầu phát triển mới của quân đội Nga, Su-35 được hiện đại hoá lên thành một máy bay thế hệ 4++ nhờ việc sử dụng nhiều công nghệ triển khai trên tiêm kích thế hệ thứ 5 là T-50 hiện đang được hoàn thiện.

Tháng 8/2007 tại triển lãm Hàng không MAKS-2007, phiên bản Su-35 hiện đại hoá này được trưng bày. Đến ngày 19/2/2008, Su-35 mới bay thử lần đầu, nhiều người thường gọi Su-35 hiện đại hoá là Su-35BM.

Về thiết kế: Su-35 mới bỏ đi phần cánh mũi và cánh tà hãm tốc của Su-35 ban đầu. Khung gầm cũng được gia cố nhằm tăng tuổi thọ lên tới 6.000 giờ bay. Bên trong mũi là radar quét mạng pha thụ động cải tiến.

Về động cơ: Đột phá có được từ sau khi chế tạo chiếc Su-37, công ty Saturn đã phát triển loại động cơ AL-37FU vượt trội, đạt 14.000 kg lực lúc cất cánh nhưng khối lượng và kích thước tương đương với AL-31F.

Điều này cho phép lắp đặt động cơ mạnh mẽ hơn dòng Su-27 truyền thống mà không cần phải thay đổi thiết kế máy bay.

Sau đó, nhờ những cải tiến mới, nhiều động cơ mạnh hơn và độ bền tốt hơn ra đời mà tiêu biểu là AL-31FP với tuổi thọ tới 1.000 giờ, các động cơ sau này đều có tuổi thọ trên 1.500 giờ.

Cuối cùng, tất cả những cải tiến kỹ thuật và nâng cấp mọi các động cơ tiền nhiệm đều tập trung vào loại AL-41F1S (hay117S).

Động cơ sử dụng công nghệ tua bin áp suất cao và tua bin áp suất thấp cùng với hệ thống kiểm soát số hoá chính xác SDU-U giúp tăng lực đẩy thêm 16%, tuổi thọ sử dụng lên tới 4000 giờ, thời gian giữa hai lần đại tu là 1000 giờ, vượt trội hơn nhiều so với các động cơ cùng loại.

Động cơ 117S sử dụng công nghệ turbine áp suất cao và turbine áp suất thấp cùng với hệ thống kiểm soát số hoá chính xác SDU-U giúp tăng lực đẩy thêm 16%, tuổi thọ lên tới 4.000 giờ, thời gian giữa hai lần đại tu là 1.000 giờ, vượt trội so với các động cơ cùng loại

Mấu chốt của sự phát triển động cơ là phương pháp điều khiển điện tử, khống chế nhiệt độ cho phép đốt nhiên liệu ở nhiệt độ cao hơn mà động cơ vẫn bền.

Đồng thời lượng khí chảy qua tăng thêm là do điều khiển điện tử truyền động và cấu trúc cánh quạt mới. Từ đó cho phép máy bay hoạt động mạnh mẽ, linh hoạt, bền bỉ hơn và tiết kiệm được nhiên liệu, giúp giảm chi phí bay... Đây là một điểm rất mạnh của Su-35.

Về radar: Radar N035 Irbis của Su-35 có thể phát hiện máy bay thông thường ở cự ly lên tới 350 km, tàu chiến cỡ lớn cách xa 400 km. Đặc biệt nó phát hiện được máy bay tàng hình (bề mặt phản xạ radar cỡ 0,01 m2) từ xa 120 km.

Radar theo dõi 30 mục tiêu khác nhau, trong đó 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng tên lửa không đối không tầm trung với đầu dò chủ động.

Su-35 có thể bắn 2 mục tiêu đồng thời bằng tên lửa với đầu dò bán chủ động, nhưng đòi hỏi radar phải chỉ điểm mục tiêu trong một thời gian

Radar N035 Irbis
Radar N035 Irbis

Hệ thống nhắm quang điện tử không đối đất có thể dùng hồng ngoại và laser, nếu mục tiêu đã bị chỉ điểm bằng laser từ đâu đó thì vũ khí từ máy bay có thể tự tìm đến. Hệ thống có thể đồng thời khóa và chỉ thị cùng lúc 4 mục tiêu dưới mặt đất.

Su-35 được trang bị hệ thống phòng vệ trên khoang rất tốt, các cảm biến hồng ngoại sẽ báo động tên lửa đang khóa máy bay, 6 cảm biến là đủ để dò và bao quát mọi góc độ.

Hệ thống có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai kích hoạt trong phạm vi 10 km, tên lửa không đối không ở cự ly 30 km và tên lửa đất đối không trong bán kính 50 km.

Cảm biến dò laser được bố trí ở hai bên phần đầu của máy bay, có thể phát hiện thiết bị chiếu laser ở khoảng cách 30 km.

Khoang lái hiện đại của Su-35
Khoang lái hiện đại của Su-35

Ngoài ra, Su-35 còn được cập nhật công nghệ điện tử hàng không và các hệ thống điện tử tiên tiến, bao gồm hệ thống lái số fly-by-wire và 1 radar tìm kiếm-khóa mục tiêu ở phía sau để bắn tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động. Su-35 cũng có thiết bị tiếp nhiên liệu trên không.

Tất cả những điều này khiến Su-35 được đánh giá đủ khả năng đối đầu máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 hay F-35 của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại