Mỹ sẽ chi 585 tỷ USD cho lực lượng vũ trang trong năm 2015. Cho tới nay, đó vẫn đang là khoản ngân sách dành cho quân đội lớn nhất thế giới.
Và nó chỉ mới gói gọn trong ngân sách của Bộ Quốc phòng chứ chưa tính tới hàng chục tỷ mà Washington dành riêng cho cựu chiến binh hay phát triển vũ khí hạt nhân vốn thuộc quản lý của Bộ Năng lượng.
Quốc hội Mỹ không ngừng gây áp lực đòi cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Mặc dù Lầu Năm Góc bảo vệ kịch liệt quan điểm của mình rằng cắt giảm ngân sách sẽ gây tổn hại tới an ninh quốc gia nhưng thực ra ở một số hoạt động, việc cắt giảm ngân sách không chỉ giúp tiết kiệm tiền thuế của người dân mà còn có thể tăng cường an ninh quốc gia.
Có thể lấy trường hợp Lực lượng tuần tra của Hải quân Mỹ tại Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) để phân tích.
Kế hoạch củng cố lực lượng tại đây của Mỹ bằng cách “tậu” nhiều tàu mới sẽ tiêu tốn hơn nhiều so với việc tiếp tục duy trì đội tàu hiện tại.
Tệ hơn nữa là những con tàu mới có khả năng cho hiệu quả kém hơn.
Hải quân Mỹ có thể hoạt động tốt hơn mà vẫn có thể phải chi tiêu ít hơn. Điều đó hẳn sẽ làm hài lòng Quốc hội cũng như những cử tri hoài nghi.
Tàu lớp Cyclone (Lốc xoáy) của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong hơn một thập kỷ, đội tàu gồm 10 tàu tuần tra của Mỹ đã hoạt động tích cực tại vùng nước nông phía bắc vịnh Ba Tư, canh giữ các cảng dầu chiến lược của Iraq và để mắt tới các động thái của quân đội Iran.
10 chiếc tàu lớp Cyclone (Lốc xoáy) đồn trú tại Bahrain, quốc gia nhỏ bé tại vùng Vịnh, vốn nằm trong những loại tàu chiến bận rộn nhất của Mỹ và chúng cũng sẽ là lực lượng đầu tiên hành động nếu xuất hiện dấu hiệu sai phạm từ chương trình hạt nhân của Iran.
Hãy điểm lại một chút trường hợp gần đây: Khi Iran bắt giữ một tàu container mang cờ Mỹ tại Vịnh Ba Tư hôm 28-4, vì một lý do chưa rõ, một chiếc tàu khu trục Mỹ lập tức tới hiện trường, cùng với 3 tàu tuần tra lớp Cyclone.
Những con tàu dài gần 55m này được trang bị súng và tên lửa hiện đang được xem là một trong những loại tàu quan trọng nhất của Hải quân Mỹ.
Điều đáng nói là chúng lại thuộc loại rẻ nhất. Hải quân Mỹ mua mỗi chiếc với giá chỉ 20 triệu USD và những năm đầu 1990, trong khi phần lớn các tàu hải quân đều phải tiêu tốn tới hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới hàng tỷ.
Mỗi chiếc tàu chiến lớp Cyclone đều được trang bị 2 pháo 25mm cùng súng máy, súng phóng lựu, tên lửa chống hạm tầm ngắn, rocket phòng không.
Sở dĩ giá của loại tàu này rẻ bởi chúng quá đơn giản. Chúng không có bộ cảm biến công nghệ cao, vũ khí phức tạp hay thiết bị thử nghiệm và các đồ thiết kế đặc biệt.
Chúng đơn giản chỉ như một lớp vỏ kim loại mang theo những loại vũ khí đơn giản như súng, tên lửa và hoạt động chủ yếu dựa vào sức mạnh của đội quân 28 người trên tàu, thay vì phụ thuộc vào hệ thống tự động hiện đại như trên nhiều loại tàu lớn khác.
Ở chừng mực nào đó, trường hợp của chiếc tàu Cyclone giống như cách người ta hay gọi là “tái ông thất mã”.
Hải quân Mỹ vận hành tổng cộng 14 chiếc Cyclone từ năm 1993 với hy vọng có thể dùng chúng để vận chuyển các biệt kích SEAL lên bờ trong các sứ mệnh bí mật. Tuy nhiên Cyclone tỏ ra quá cồng kềnh đối với nhiệm vụ này.
Năm 2000, Hải quân Mỹ tặng một chiếc cho Philippines, đồng thời cho Lực lượng tuần duyên của Philippines mượn thêm vài chiếc khác.
Sau cuộc đổ bộ vào Iraq của Mỹ năm 2003, Hải quân Mỹ tự thấy trên vai mình lúc này phải gánh sứ mệnh mới là bảo vệ cơ sở hạn tầng dầu mỏ của Iraq, đồng thời ngăn Iran gây ảnh hưởng xấu tới tình hình tại Iraq.
Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke lúc bấy giờ là chiến hạm chuẩn của Hải quân Mỹ nhưng lại vấp phải vấn đề là chúng ngụp quá sâu tới gần 9,5 m dưới mặt nước. Do đó, nguy cơ mắc cạn là quá cao khi chúng hoạt động ở vùng nước nông ở phía bắc Vịnh Ba Tư.
Ngược lại, tàu Cyclone chỉ có hơn 2m dưới mặt nước nên chúng dễ dàng hoạt động tại khu vực giữa Iraq và Iran.
Do đó, Hải quân Mỹ lập tức đề nghị Lực lượng tuần duyên hồi hương các tàu Cyclone đã cho mượn và cử 10 chiếc tới căn cứ ở Bahrain.
Cyclone nhanh chóng phát huy hiệu quả tại khu vực phía bắc vùng Vịnh và Hải quân Mỹ nhanh chóng tăng gấp đôi loại tàu chiến “bé hạt tiêu” này.
Thân tàu và trang thiết bị của Cyclone được tân trang và thêm nhiều loại vũ khí hơn. Đợt nâng cấp bắt đầu vào năm 2009 cho phép Cyclone hoạt động tới giữa những năm 2020.
Theo Reuters, khi Cyclone “nghỉ hưu”, Hải quân Mỹ nên thay thế chúng bằng những loại tàu tương tự có thể đảm bảo hoạt động trong vùng nước nông. Do đó, có thể chọn những tàu tuần tra nhỏ thậm chí còn rẻ hơn.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ lại đang có kế hoạch thay Cyclone bằng loại tàu vừa lớn hơn lại vừa đắt tiền hơn là LCS.
LCS chìm dưới nước ở độ sâu gấp đôi so với Cyclone. Điều đó có nghĩa là nó không thể tuần tra ở tất cả các khu vực Cyclones đã hoạt động. Nó còn dài gấp đôi và nặng gấp 10 lần so với “người tiền nhiệm”.
Hải quân Mỹ sẽ mua tới 52 chiếc LCS trong những năm tới. Đây là sản phẩm cuối những năm 1990 với các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ đa sứ mệnh.
Để thực hiện bất cứ hoạt động nào trên con tàu này, thao tác chỉ đơn giản là nhấn nút.
Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng vấn đề là những trang bị trên tàu dường như vượt quá mức cần thiết đối với một con tàu tuần tra. Điều đó dẫn tới lãng phí về nhiều mặt.
Mỗi chiếc LCS dự kiến có giá khoảng 200 triệu USD và giá thực tế thậm chí có thể gấp đôi con số đó.
Con tàu dự kiến sẽ được thiết kế vươn tới độ sâu đủ để săn tìm quặng biển, chiến đấu với cả tàu ngầm lẫn tàu trên mặt nước, nhưng những vũ khí được trang bị cho nó đều vượt xa năng lực để thực hiện những sứ mệnh đó.
Trong khi đó, hãng Bollinger Shipyards – “cha đẻ” của Cyclone - đang đóng tàu lớp Sentinel cho Lực lượng tuần duyên Mỹ với cùng kích cỡ tàu hải quân nước này nhưng hiện đại và giá cả hợp lý hơn nhiều, với 70 triệu USD mỗi chiếc.
Nếu Hải quân Mỹ bớt 10 chiếc LCS và thay vào đó bằng 10 chiếc Sentinel thì sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD mà thậm chí còn đảm bảo an ninh quốc gia một cách hiệu quả hơn!