Không quân Trung Quốc: Nhiều về lượng, ít về chất

Theo nhận định của Bloomberg, dù có bước tiến lớn, nhưng không lực Trung Quốc vẫn chưa thể tiến gần trình độ hiện đại nhất.

Qua bài viết đăng trên Bloomberg ngày 1.8, tác giả Ting Shi cho biết năm 2011, Trung Quốc đưa ra một video clip các máy bay chiến đấu hiện đại biểu diễn dạng như phim Top Gun của Tom Cruise năm 1986. Nay Không lực Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng để trở thành lực lượng hùng mạnh.

Gần đây việc chiến đấu cơ Trung Quốc kèm sát máy bay Nhật trên vùng trời gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông (trong tháng 5 và 6.2014) cho thấy vai trò của không quân đang gia tăng.

Với việc loại bỏ các máy bay chiến đấu có từ những năm 1950 để chuyển sang máy bay với công nghệ của những năm 1980, không quân Trung Quốc cũng gia tăng sức mạnh qua việc hai viên tướng không quân được bầu vào Quân uỷ Trung ương.

“Quân đội đã nhận ra ưu thế trên không có thể mở rộng không gian quốc phòng, cải thiện tính linh hoạt quốc phòng, có thể cung cấp sự bảo vệ trên không cho cái gọi là ba triệu cây số vuông lãnh thổ trên biển của Trung Quốc. Hiện nay áp lực chiến đấu thực sự là đến trực tiếp từ bầu trời”, đại tá về hưu Yue Gang nói về chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

Ngày 1.8 năm nay, Quân đội Trung Quốc kỷ niệm 87 năm thành lập, và đang có sự chuyển dịch cân bằng cho hải, lục, không quân, sau khi có thời chỉ đầu tư cho bộ binh.

Trung Quốc đang nỗ lực làm xói mòn tính nổi trội sau thế chiến II của quân đội Mỹ và các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một phần thông qua việc khẳng định yêu sách chủ quyền các nhóm đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng các nhu cầu về khả năng tăng cường năng lực không quân. Tháng 11 năm ngoái, nước này đã đơn phương lập ra vùng nhận dạng bay (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Trung Quốc đang tập trung vào khả năng bay tầm xa để hỗ trợ cho hoạt động của hải quân, theo đại tá Yue.

Thành lập vào năm 1949 với 10.000 lính, không quân Trung Quốc chủ yếu hỗ trợ lực lượng mặt đất. Khi Quân đội Trung Quốc cải tổ đầu những năm 1980, không quân vẫn chủ yếu phòng thủ các vị trí trên đất liền.

Ngày nay không quân Trung Quốc đã được hiện đại hoá cùng với hải quân và lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược (Quân đoàn pháo binh 2), theo ông Phillip Saunders, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân đội Trung Quốc, thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington.

Việc hiện đại hoá 3 lĩnh vực này là bài học Trung Quốc rút ra được khi quan sát các hoạt động của quân đội Mỹ, theo ông Saunders.

Hai chiến đấu cơ J-11 cất cánh tham gia tập trận ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông ngày 29.7.2014. Đây là loại máy bay công nghệ thời những năm 1980 - Ảnh: Bloomberg/imaginechina

Hai phi công Trung Quốc sau khi bay tập trận ở Tế Nam, Sơn Đông ngày 29.7.2014. Một đại tá về hưu của Trung Quốc nói trình độ phi công Trung Quốc nay đã bắt kịp phi công Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg/imaginechina

Theo Sách trắng của quân đội Trung Quốc năm 2013, Không quân có 398.000 lính, lục quân có 850.000 và hải quân có 235.000 lính. Một thời gian dài phi công Trung Quốc chỉ chủ yếu học trong lớp, nay họ đã bay nhiều hơn và “đã bắt kịp trình độ phi công Nhật”, theo đại tá về hưu Yue. Các phi công hàng đầu nay có trung bình 200 giờ bay/năm.

Báo chí Trung Quốc cũng khoe trong 4 năm qua không quân Trung Quốc đã thu hoạch lớn với việc phát triển máy bay tàng hình đầu tiên J-20 (năm 2011), máy bay vận tải tầm xa Y-20 (năm 2013) có thể dùng để tiếp dầu trên không.

Trung Quốc đang cố xây dựng năng lực không quân hiện đại để đánh bại không quân ở trong khu vực và đối đầu được với Mỹ, ông Saunders nhận xét. Không quân Trung Quốc đang chuyển đổi từ việc dùng các máy bay cổ lổ theo thiết kế thời Liên Xô những năm 1950 sang các máy bay chiến đấu hiện đại dựa trên công nghệ của Nga và phương Tây những năm 1980, theo ông Saunders.

Và việc tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động từ năm 2013 cho thấy sức mạnh của không quân nước này đang gia tăng.

Một cuộc thực tập chiến đấu tại căn cứ không quân ở Tế Nam. Không quân Trung Quốc đang dần thay thế các máy bay cổ lổ từ thời Liên Xô sang máy bay mới dựa trên công nghệ của Nga và phương Tây những năm 1980 - Ảnh: Reuters
Mẫu máy bay tàng hình J-20 tại căn cứ gần Thành Đô. Loại máy bay này vẫn đang trong thời gian thử nghiệm - Ảnh: Reuters

Ngay cả Lầu Năm Góc vào tháng 6.2014 cũng nhận định rằng không quân Trung Quốc đang theo đuổi việc hiện đại hoá trên quy mô chưa từng có và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với không quân các nước phương Tây cả về máy bay, chỉ huy, điều hành, gây nhiễu, chiến tranh điện tử.

Tuy vậy, theo Lầu Năm Góc, trong số 1.900 chiến đấu cơ của Trung Quốc, chỉ có 600 chiếc là loại hiện đại. Một lổ hổng lớn trong việc hiện đại hoá không quân là khả năng chế tạo động cơ máy bay. Sau nhiều thập niên cố gắng, Trung Quốc hiện vẫn phải phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu từ Nga.

Ngoài ra, số lượng trực thăng vận tải của quân đội Mỹ nhiều gấp 7 lần Trung Quốc. Mỹ có 570 máy bay tiếp dầu trên không, còn Trung Quốc chỉ có 10 chiếc, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cuối năm 2013.

Không quân Trung Quốc đang phải đấu tranh để làm thay đổi nhận thức họ chỉ là “lực lượng hỗ trợ cho các chiến dịch mặt đất và phòng không”. Nhưng theo nhận xét của ông Saunders, không quân Trung Quốc “tuy có bước tiến lớn thời gian qua nhưng vẫn chưa đến gần với trình độ hiện đại nhất”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại