Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 29/5 dẫn nguồn tin từ công ty công nghệ KRET, nơi thiết kế hệ thống phòng thủ Himalaya cho các chiến đấu cơ T-50 cho biết:
Ngoài chức năng bảo vệ, hệ thống phòng thủ chủ động trên tiêm kích thế hệ năm T-50 còn có thể vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay đối phương.
Trong khi đó, việc đưa vào sử dụng vật liệu composite, các công nghệ tiên tiến, trang bị động cơ và hệ thống điện tử hiện đại giúp T-50 gần như không bị radar và các công nghệ hồng ngoại, quang học của đối phương phát hiện.
Theo RIA, các máy bay chiến đấu Sukhoi PAK FA (hay T-50) đã sẵn sàng đi vào sản xuất trong năm tới. Ứng dụng công nghệ mới khiến chúng giống robot biết bay hơn là máy bay thông thường.
“PAK FA giống một con robot biết bay ở mức độ nào đó” – ông Vladimir Mikheyev, Phó giám đốc KRET cho biết.
Tiêm kích tàng hình T-50
Ngoài hệ thống phòng thủ hiện đại, công ty KRET còn thiết kế cho T-50 một hệ thống dẫn đường tiên tiến, có thể tự xử lý chuyển hướng và xử lý thông tin trong quá trình bay, xác định vị trí và các tham số chuyển động trong trường hợp không có hệ thống định vị vệ tinh.
Nó còn có thể tích hợp với hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga.
T-50 được thiết kế để thay thế các máy bay chiến đấu thế hệ 4 Su-27 (đưa vào biên chế Không quân Liên Xô năm 1985) và MiG-29 (vào biên chế năm 1983).
Tháng 12/2014, Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga tuyên bố quá trình sản xuất tiêm kích T-50 sẽ bắt đầu trong năm 2016, sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm.
Dự kiến, tới năm 2020, sẽ có 55 chiếc T-50 được chuyển giao cho Không quân Nga. Hiện tại, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành tiêm kích thế hệ 5.