Khi Ấn Độ muốn thách thức Trung Quốc chuyện súng ống

Nhàn Đàm |

Năm 2016 được xem là thời điểm đánh dấu sự hoán đổi vị thế giữa hai cường quốc nằm trong top 3 châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, khi Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn giảm tốc mạnh nhất kể từ năm 1990, còn Ấn Độ thì lại đang bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất của mình.

Dòng vốn đầu tư đang ồ ạt rút khỏi Trung Quốc để một phần lớn trong số đó tràn về Ấn Độ đang là biểu hiện cho sự thay đổi về vị thế kinh tế này, nó cho thấy Ấn Độ đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách với nước láng giềng về quy mô nền kinh tế.

Nhưng, có vẻ như ý định của Ấn Độ không dừng lại ở đó, khi nước này công bố kế hoạch chi tiết để trở thành một cường quốc xuất khẩu vũ khí đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Những ngày đầu năm 2016 có vẻ như đang là thời điểm mà thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang vào “phom”, khi ông liên tiếp tung ra các bản kế hoạch lớn.

Cách đây gần 2 tuần là bản kế hoạch trị giá 1,5 tỷ USD đặc biệt dành để hỗ trợ giới công ty khởi nghiệp (startup) ở nước này.

Bản kế hoạch được đánh giá là mang ý nghĩa đi đầu trong việc phát triển lĩnh vực mới mẻ này tương tự như điều Ấn Độ đã làm hồi giữa thập niên 1970 để đi đầu trong ngành CNTT.

Còn ở thời điểm hiện tại là một bản kế hoạch khác cũng tầm cỡ không kém, theo đó chính phủ Ấn Độ đặt ra mục tiêu trở thành một cường quốc xuất khẩu khí tài quân sự hàng đầu trên thế giới, với doanh thu ở mức 3 tỷ USD sau một thập kỷ nữa.

Việc Ấn Độ, một quốc gia vẫn nhập khẩu vũ khí hơn là xuất khẩu, đặt ra kế hoạch này đang cho thấy: New Delhi không muốn để Trung Quốc một mình ôm trọn thị phần xuất khẩu vũ khí giá rẻ trên thị trường.

Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ hiện nay có khá nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc cách đây khoảng hai thập kỷ, chủ yếu nhập khẩu các khí tài hiện đại từ các cường quốc xuất khẩu vũ khí như Mỹ hay Nga.

Nhưng việc Trung Quốc bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu vũ khí trên thế giới đang mở ra một cơ hội cho những quốc gia đang phát triển có thể tạo chỗ đứng trong một phân khúc thị trường riêng của mình.

Doanh số xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm 5% thị phần toàn cầu.

Các mặt hàng chủ yếu là chiến đấu cơ, tàu khu trục nhỏ cho hải quân, một số hệ thống tên lửa tầm gần cùng các khí tài quân sự hạng nhẹ khác như xe tăng hay trực thăng.

Hầu hết các chủng loại vũ khí mà Trung Quốc xuất khẩu đều không được đánh giá cao về chất lượng và tính năng.

Chúng không những thua kém xa so với chất lượng vũ khí của hai cường quốc đứng đầu bảng về xuất khẩu khí tài là Mỹ và Nga, mà ngay cả những nước xuất khẩu vũ khí lớn khác như Đức, Pháp hay Anh thì khí tài Trung Quốc cũng bị đánh giá thấp hơn.

Đó là lý do phần lớn khách hàng của Trung Quốc là những nước có điều kiện tài chính hạn hẹp ở châu Phi và châu Á như Pakistan, Bangladesh và Myanmar, tổng số khách hàng của khí tài Trung Quốc là khoảng 35 nước, trong đó có 18 nước thuộc châu Phi.

Đó là chưa kể một số khách hàng buộc phải mua của Trung Quốc vì không còn lựa chọn khác do các lệnh cấm vận như Iran hay Triều Tiên. Với các quốc gia này thì khí tài Trung Quốc là những mặt hàng vừa túi tiền, và chất lượng thì cũng không đến nỗi tồi lắm.

Việc Trung Quốc với trình độ công nghệ vừa phải vẫn có thể trở thành một nước xuất khẩu khí tài lớn trên thị trường thế giới, đang chứng tỏ có một phân khúc thị trường lớn mà những nước có trình độ tương tự, như Ấn Độ, có thể tham gia cạnh tranh thị phần.

So với Trung Quốc, Ấn Độ thậm chí còn vượt trội hơn về công nghệ ở một số lĩnh vực, điển hình như công nghệ đóng tàu sân bay. Các lĩnh vực tiềm năng mà Ấn Độ có thể xuất khẩu trên thị trường vũ khí là chiến hạm, trực thăng và chiến đấu cơ.

Trong năm 2014, doanh số xuất khẩu khí tài của Ấn Độ mới đạt khoảng 150 triệu USD, một con số được cho là quá khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất khí tài và trình độ công nghệ của nước này.

Sở dĩ như thế là vì trước đây các chính phủ Ấn Độ coi ngành công nghiệp quốc phòng chủ yếu để phục vụ yêu cầu trong nước, chứ không phải là một ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu.

Quan điểm này đã bị thay đổi kể từ khi thủ tướng Narendra Modi lên nhậm chức vào năm 2014.

Trong kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, ông Modi đã muốn ngành công nghiệp quốc phòng trở thành một mũi nhọn của nền kinh tế, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước vừa hướng tới xuất khẩu, giống như mô hình ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Theo kế hoạch mà ông Modi lập ra, tổng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sẽ tăng gấp 20 lần, từ 150 triệu USD lên 3 tỷ USD chỉ trong vòng một thập kỷ, bằng cách hướng tới cạnh tranh với Trung Quốc trong phân khúc vũ khí giá rẻ và chất lượng trung bình khá.

Thậm chí, New Delhi còn có tham vọng vượt qua Trung Quốc về mặt công nghệ và chất lượng khí tài.

Điển hình là việc thủ tướng Modi đang đặt mục tiêu yêu cầu các đối tác phương Tây chuyển giao công nghệ sản xuất khí tài tiên tiến thay vì chỉ đặt mua vũ khí như thông thường.

Một trong những thương vụ gần nhất là việc Ấn Độ xem xét nhập khẩu công nghệ chế tạo giữa chiến đấu cơ Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của Anh, hay công nghệ chế tạo tên lửa Brahmos hợp tác với Nga.

Chuyến công du gần nhất của ông Modi đến Nga ngoài việc Nga có thể bán hệ thống S-400, cũng đem về cho Ấn Độ một loạt hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất trực thăng và phi cơ mới.

Đây là một lợi thế rõ ràng của Ấn Độ so với Trung Quốc, khi New Delhi không phải chịu lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí sát thương lớn từ Mỹ và các nước châu Âu như Trung Quốc.

Các lệnh cấm này được Mỹ và châu Âu đưa ra sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khiến cho Trung Quốc không thể tiếp cận với các mặt hàng vũ khí công nghệ cao từ phương Tây và chỉ có thể mua của Nga.

Ấn Độ không những có thể mua vũ khí của Mỹ và châu Âu, mà còn có thể đàm phán mua lại công nghệ khí tài quân sự từ các nước vốn có uy tín cao về công nghệ quốc phòng như Mỹ, Đức, Pháp hay Anh.

Điều này cho phép Ấn Độ sản xuất khí tài chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu nhưng lại có giá thành cạnh tranh hơn, đủ sức để cạnh tranh với hàng Trung Quốc vốn phần lớn là tự nghiên cứu trong nước và sao chép kỹ thuật của khí tài Nga.

Vì thế, có thể dự đoán trong tương lai Ấn Độ hoàn toàn có thể vượt mặt Trung Quốc trong phân khúc thị trường vũ khí giá rẻ trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại