Điều kiện địa hình đáy biển nông, không bằng phẳng, kết hợp với các yếu tố như nồng độ muối, tốc độ và hướng lưu chuyển của các dòng hải lưu đã gây ra hiện tượng phản xạ và tán xạ sóng sonar.
Những yếu tố trên đặt ra một thách thức rất lớn với tàu ngầm có lượng giãn nước lớn hoạt động ở khu vực này.
Thông thường các tàu ngầm từ hạng bán trung trở lên rất khó hoạt động tại các vùng biển hẹp, nhiều luồng lạch, độ sâu tầm 50 m (độ sâu đủ để phóng tên lửa hoặc ngư lôi).
Thông thường, các tàu ngầm hạng trung hoạt động dễ dàng ở các vùng biển có độ sâu ít nhất cũng phải 100 m trở lên.
Trong điều kiện môi trường biển nông hay các khu vực ven bờ nhiều tàu thuyền, các tàu ngầm loại nhỏ hay tàu ngầm mini sẽ phát huy được hết ưu điểm của mình, là sự bổ sung hiệu quả cho các tàu ngầm cỡ lớn, chỉ tác chiến ở khu vực nước sâu và địa hình bằng phẳng.
Tàu ngầm mini có thể đảm nhận những nhiệm vụ sau:
Tuần tiễu bảo vệ cảng, vịnh, dải bờ biển và công trình biển
Trong vòng 1 năm nữa, Việt Nam sẽ sở hữu 6 tàu ngầm Kilo 636MV hiện đại của Nga.
Số lượng này nhìn qua tưởng có vẻ nhiều nhưng tuy nhiên theo quy định thì mỗi năm 1 tàu ngầm chỉ có thể ra biển tối đa 5 tháng, còn lại nó nằm cảng để bảo dưỡng và cho thủy thủ nghỉ ngơi.
Hơn nữa, cứ với 3 tàu ngầm, Việt Nam cũng chỉ có thể cho ra khơi 1 chiếc bởi 1 chiếc bảo dưỡng và 1 chiếc luôn ở trong trạng thái thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Tàu ngầm mini có thể tuần tiễu bảo vệ duyên hải, chống phong tỏa các công trình trọng điểm trên biển
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3000 km, với nhiều cảng, vịnh lớn ven bờ và nhiều đảo lớn cách bờ vài trăm km.
Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong công tác tuần tra, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm trên biển, mà chỉ với 6 tàu ngầm Kilo, chúng ta khó có thể đảm đương được.
Bởi vậy, nếu được trang bị thêm số lượng khoảng 12 chiếc tàu ngầm mini thì sẽ đủ khả năng trám hết các lỗ hổng trong chiều dài bờ biển dài hàng ngàn km, bảo vệ các cảng, vịnh ven bờ và các công trình biển khác.
Với lượng giãn nước nhỏ, dễ dàng luồn lách, triển khai tác chiến đơn giản, tàu ngầm cỡ nhỏ hoặc tàu ngầm mini có phạm vi hành trình ngắn rất phù hợp tác chiến tuần tiễu bảo vệ, chống phong tỏa ở khu vực nước nông, địa hình phức tạp ven bờ, mà lại có nhiều tàu thuyền dân sự hoạt động.
Với tính chất dễ triển khai, dễ cơ động, các tàu ngầm cỡ nhỏ hay tàu ngầm mini còn có thể được sử dụng trong nhiệm vụ bảo vệ các cuộc tập trận ngắn ngày hay triển khai ở nhiều địa điểm khác nhau. Đồng thời, nó còn có thể sử dụng làm tàu mục tiêu trong huấn luyện tác chiến chống ngầm.
Ngoài nhiệm vụ phòng thủ bờ biển hoặc bảo vệ cảng, vịnh ở khu vực ven bờ, tàu ngầm loại này có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ tấn công xa bờ sau đây:
Tấn công trên biển hoặc tấn công ven bờ biển địch
Tàu ngầm mini có khả năng tấn công các cụm tàu nổi
Trong nhiệm vụ tiêu diệt các cụm tàu nổi lớn trên biển. Với trọng lượng rất nhỏ, vài chiếc tàu ngầm mini có thể được giấu kín trên các tàu vận tải quân sự hoặc vận tải dân sự thông thường chuyên chở đến vùng biển gần khu vực tác chiến đã định rồi thả xuống.
Trọng lượng và kích thước nhỏ cùng với hành trình cực êm khiến nó dễ dàng qua mặt các tàu hộ vệ và máy bay chống ngầm, lặng lẽ tiếp tận và tấn công chớp nhoáng, hoặc nghi binh, thu hút sự chú ý, tạo điều kiện cho các lực lượng chủ lực tấn công ồ ạt.
Sau khi tác chiến xong, các tàu ngầm mini lặng lẽ rút lui và trở về tàu mẹ, bổ sung vũ khí và nhiên liệu để tiếp tục phi vụ tác chiến khác.
Trong tác chiến tấn công các công trình ven biển địch, với kích thước nhỏ, tàu ngầm mini dễ dàng vượt qua hoặc tung người nhái vô hiệu hóa các bãi thủy lôi, thoát khỏi sự phát hiện của các phao sonar thủy âm thả quanh khu vực phòng thủ để tiềm nhập sát căn cứ địch.
Nếu tấn công tổng lực vào căn cứ hoặc hạm đội, 1 nhóm tàu này áp sát căn cứ địch, lựa chọn mục tiêu quan trọng bất ngờ tấn công phủ đầu cơ quan chỉ huy, tàu thuyền quan trọng, kho bãi làm tê liệt hoạt động của hệ thống chỉ huy, gây rối loạn đội hình phòng thủ của địch.
Trong nhiệm vụ tác chiến phá hoại, tàu ngầm mini có thể tiếp cận để thả đặc công điều tra, nắm bắt tình hình, vẽ sơ đồ phòng thủ các công trình địch.
Sau đó, lực lượng đặc công có thể bí mật tiềm nhập cài chất nổ hẹn giờ rồi rút lui, hoặc rút ra xa rồi sử dụng vũ khí trên tàu tấn công mục tiêu đã định.
Trong tác chiến phong tỏa, các tàu ngầm mini có thể đột nhập các khu vực biển gần căn cứ quân sự, công trình biển trọng yếu của địch hoặc xuyên phá qua các lớp bảo vệ eo biển, luồng đường trên biển, tiến hành rải thủy lôi phong tỏa các khu vực trọng điểm.
Đổ bộ đánh chiếm, tái chiếm hoặc phòng thủ đảo
Một tính năng đặc biệt quan trọng nữa của tàu ngầm mini là ngoài nhiệm vụ phòng thủ bờ biển hoặc bảo vệ cảng, vịnh, nó còn có khả năng đưa quân đổ bộ đánh chiếm hoặc tái chiếm đảo hay tuần tiễu bảo vệ đảo.
Tàu ngầm mini tận dụng lợi thế nhỏ bé, bí mật áp sát thềm đảo hoặc nằm ngoài khơi thả đặc công lặng lẽ đột nhập lên đảo, tiêu diệt lực lượng đồn trú, bí mật đánh chiếm hoặc tái chiếm các đảo nhỏ mà các đơn vị đồn trú ở đảo xung quanh không hề biết gì.
Đây là một chức năng rất quan trọng, đặc biệt là trong tác chiến đổ bộ đánh chiếm hoặc tái chiếm đảo trên biển Đông, gồm hơn 190 đảo và bãi đá lớn nhỏ khác nhau, đáy biển không bằng phẳng, địa hình hiểm trở, nhiều luồng lạch phức tạp.
Tàu ngầm mini có thể thả người nhái, tiến hành các phi vụ đặc biệt
Ngoài ra, với kích thước nhỏ, nó có thể di chuyển trong các rạn san hô quanh các đảo để trinh sát, tuần tiễu bảo vệ. Đây là một tính năng ưu việt các tàu ngầm hạng trung trở lên không thể làm được, cần lợi dụng để làm một thứ vũ khí bất ngờ để bảo vệ đảo.
Với tải trọng nhỏ, tàu ngầm mini có thể áp sát tận thềm đảo, nên chỉ cần xây dựng cơ sở sửa chữa và kho tiếp liệu thông thường trên đảo, giống như các công trình kiến trúc khác với cầu phao cơ động là có thể tiến hành tiếp liệu và sửa chữa nhỏ.
Các phương tiện, thiết bị bảo đảm khác có thể chuyên chở trên các tàu vận tải thông thường để đảm bảo yếu tố bí mật.
Những tàu mẹ này đồng thời cũng là phương tiện bổ sung nhiên liệu cho các kho chứa trên đảo. Kẻ địch khó có thể nhận biết được căn cứ của tàu ngầm mini nằm tại đâu.
Với những sửa chữa lớn hoặc bảo dưỡng định kỳ, tàu ngầm mini có thể kéo lên các tàu vận tải có khoang ngầm hoặc bất kỳ một loại tàu nào được cải tạo phù hợp với nhiệm vụ này để tiến hành tại chỗ hoặc chuyên chở về đất liền.
Khi được triển khai tại các đảo xa, tàu ngầm mini là thứ vũ khí bí mật làm xoay chuyển cục diện tác chiến.
Đây là một chức năng không hề có trong định hướng của các nhà chế tạo tàu ngầm mini, nhưng nếu vận dụng khéo léo và có các biện pháp phù hợp thì hoàn toàn có thể làm được.
Tác chiến đột nhập hậu phương địch
Tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên bí mật xâm nhập, thả đặc nhiệm lên bờ biển Hàn Quốc năm 1996
Kích cỡ nhỏ, hoạt động tốt ở các khu vực nước nông, dễ dàng di chuyển trong các luồng lạch giúp tàu ngầm mini dễ dàng tiềm nhập sát bờ biển ở các khu vực hẻo lánh làm kẻ địch rất khó phòng bị. Nó có thể bí mật, thả biệt kích lên bờ sau đó quay ra, đến thời gian đã định sẽ quay lại đón.
Tiêu biểu cho hình thức tác chiến kiểu này là sự kiện ngày 15-09-1996, tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên đã bí mật xâm nhập bờ biển Hàn Quốc thả 3 nhóm lính đặc nhiệm lên bờ tiến hành các hoạt động do thám các căn cứ quân sự của Seoul.
Hai ngày sau, chiếc tàu ngầm này quay lại vị trí ban đầu để thu hồi nhóm lính đặc nhiệm. Nhiệm vụ sắp thành công nhưng không may chiếc tàu ngầm bị mắc cạn nên nhóm đặc nhiệm Triều Tiên phải chuyển sang đường bộ và bị truy đuổi.
Với những ưu điểm trên, có thể khẳng định là tàu ngầm mini sẽ phát huy được hiệu quả cao trong tác chiến trên biển Đông.
Đây là lực lượng tác chiến giấu mặt vô cùng quan trọng trong chiến lược biển đảo của các nước có lực lượng hải quân nhỏ yếu, ngân sách quốc phòng ít ỏi như Việt Nam.
Trong thời gian qua, hàng loạt các cường quốc tàu ngầm trên thế giới đã triển khai nghiên cứu phát triển nhiều dự án tàu ngầm nhỏ và siêu nhỏ, nổi bật trong đó là Nga với tàu ngầm Piranha, Pháp chế tạo 2 loại là SMX-26, SMX-22, Đức có tàu ngầm Type 800.
Trong kỳ sau, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những loại tàu ngầm mini có thể phù hợp với điều kiện tác chiến trên biển Đông.