Izumo Nhật Bản sẽ khiến tàu sân bay Trung Quốc “ôm hận”?

Thắng Nam |

Việc Nhật Bản đưa vào sử dụng tàu khu trục chở trực thăng DDH-183 Izumo đã thu hút sự quan tâm của truyền thông và học giả thế giới, đặc biệt là các chuyên gia quân sự Trung Quốc.

Tham số kỹ thuật và chức năng của DDH-183 Izumo

Ngày 25/3, Lực lượng tự vệ trên biển (hải quân) Nhật Bản đã đưa vào sử dụng chiến hạm mặt nước lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2 là tàu khu trục chở trực thăng DDH-183 Izumo.

Đây là chiếc đầu tiên trong loạt 4 tàu mà nước này dự định chế tạo (chiếc thứ 2 đã khởi đóng).

Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, xét theo các tiêu chí cơ bản từ lượng giãn nước, bố cục cho đến chức năng, DDH-183 Izumo đều thể hiện đặc trưng của một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ.

Tuy nhiên, nó lại được Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản phân loại là tàu khu trục chở trực thăng. Do những chế ước trong bản Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản không được phép sở hữu trang bị mang tính tấn công.

Vì vậy nên mặc dù Izumo được được chế tạo theo nguyên mẫu một tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ và trang bị bất cứ loại phương tiện và vũ khí chiến đấu nào, nó vẫn phải gọi là tàu khu trục.

Tokyo đã đầu tư khoản kinh phí rất lớn là 120 tỷ Yen (tương đương 1 tỷ USD), đóng liên tục trong vòng 2 năm mới hoàn thành con tàu này. Izumo được hạ thủy vào ngày 6/8/2013 và đã tiến hành đượt thử nghiệm cuối cùng trên biển bắt đầu từ cuối tháng 9/2014.

DDH-183 Izumo và chiếc cùng lớp chưa đặt tên (DDH-184) được dự định sẽ thay thế 2 kỳ hạm của cụm tác chiến hải quân Nhật là các tàu JS Shirane (DDH-143) và JS Kurama (DDH-144) thuộc lớp Shirane, đã phục vụ từ năm 1980 và 1981.

JS Izumo đã vào biên chế hải quân Nhật Bản đúng theo kế hoạch, trong khi tàu DDH-184 dự kiến sẽ được nhà máy đóng tàu IHI Marine United có trụ sở tại Yokohama hạ thủy vào tháng 8 năm nay và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2017.

Khu trục hạm mang trực thăng Izumo và Hyuga

Kích thước vượt trội của tàu khu trục Izumo so với Hyuga

DDH-183 Izumo có chiều dài 248 m, rộng 38 m, mớn nước 7 m , lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.500 tấn, đầy tải 27.000 tấn. Thủy thủ đoàn 470 người và chuyên chở thêm được 500 lính thủy đánh bộ.

Tàu khu trục này có khả năng chở tối đa 14 chiếc trực thăng, bao gồm trực thăng chống ngầm Sikorsky/ Mitsubishi SH-60K Seahawk và AgustaWestland/ Kawasaki MCH-101. Tại một thời điểm, Izumo được thiết kế để cho phép 5 máy bay đồng loạt cất, hạ cánh trên boong.

Ngoài ra, trong nhiệm vụ tác chiến đổ bộ, nó có thể trang bị loại máy bay vận tải cánh quạt nghiêng, phiên bản hải quân đánh bộ MV-22 Osprey (phiên bản không quân là CV-22), đặt mua từ Mỹ.

Tuy nhiên, do là một tàu đổ bộ chở trực thăng nên Izumo có hệ thống vũ khí không mạnh, chỉ với 2 hệ thống phòng không tầm gần Phalanx và 2 bệ phóng tên lửa phòng không Raytheon RIM-116 SeaRAM để chống lại tên lửa đối hạm.

Trong văn kiện mang tên “Cơ chế vận hành 4 khu trục hạm DDH”, ban hành tháng 1/2014, Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đã quy định, chức năng đầu tiên của 22DDH là “Kỳ hạm chỉ huy thông tin - tình báo” (FIC), là đầu não chỉ huy tác chiến liên hợp quân binh chủng.

Với vai trò này, Izumo sẽ được tích hợp vào “Hệ thống chia sẻ thông tin chiến thuật liên hợp quân binh chủng” (JTIDS) của Mỹ.

Tàu sẽ thu nhận các thông tin từ máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không E-767, E-2C/D, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion… thông qua đường truyền số liệu Link 16.

Izumo có thể chỉ huy toàn bộ các máy bay chiến đấu F-35B, F-15J, F-2, các loại trực thăng cùng toàn bộ tàu chiến trong hạm đội, nâng cao cực đại năng lực chiến đấu của hải quân và khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Nhật.

Nếu chỉ với tính năng và tham số như trên, Izumo là tàu đổ bộ trực thăng rất bình thường mà bất cứ cường quốc hải quân nào cũng có. Thế nhưng, việc con tàu này được đưa vào sử dụng đã gây rất nhiều chú ý cho các quan sát viên quốc tế và chuyên gia quân sự Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc cảnh giác với tàu khu trục chở trực thăng Izumo?

Trong khi một số chuyên gia cho rằng, DDH-183 Izumo không có ảnh hưởng quyết định hoặc sẽ không gây ra uy hiếp lớn tới cục diện tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư thì một số khác lại nhận định con tàu này sẽ thay đổi cán cân lực lượng trên biển nghiêng về phía Tokyo.

Hiện nay, các chuyên gia quân sự đánh giá có 2 hướng sử dụng tàu khu trục lớp 22DDH.

Một là sử dụng nó như một tàu sân bay trực thăng trong hình thức tác chiến đổ bộ tầm xa. Hai là sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ, vừa có khả năng đổ bộ vừa có khả năng kiểm soát không phận và tấn công đất liền.

Tàu khu trục chở trực thăng DDH-181 Hyuga của Nhật
Tàu khu trục chở trực thăng DDH-181 Hyuga của Nhật

Với phương thức tác chiến thứ nhất, Izumo sẽ đảm nhận đúng chức năng được công bố là phương tiện chuyên chở trực thăng, vận chuyển trang bị và lính thủy đánh bộ từ biển vào bờ, nâng cao năng lực tác chiến đổ bộ, đánh chiếm đảo của hải quân Nhật.

Việc sử dụng Izumo làm phương tiện vận chuyển trực thăng sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ nhảy cóc hoặc đổ bộ lập thể, nhưng như vậy sẽ lãng phí khả năng của một chiến hạm tối tân như DDH-183.

Bởi vì Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga và tàu đổ bộ tăng lớp Osumi đủ khả năng làm nhiệm vụ này.

Hơn nữa, quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư - mục tiêu tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc có diện tích rất nhỏ, khoảng cách đến Okinawa chỉ hơn 400 km, các tàu đổ bộ hạng trung và cỡ lớn sẵn có của Nhật thừa sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đáng chú ý là trong cuộc tập trận chung với thủy quân lục chiến Mỹ mang tên Dawn Blitz được tổ chức ở bang California vào tháng 6/2013, Nhật đã luyện tập phương án cho máy bay MV-22 Osprey cất, hạ cánh trên tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga.

Trong cuộc tập trận đó, JMSDF đã dùng máy bay này đổ quân và trang bị tái chiếm đảo từ tay “quân địch”, sau đó trở lại tàu chuẩn bị cho cuộc tấn công đảo tiếp theo.

Rõ ràng, đây là sự chuẩn bị cho khả năng thay thế chức năng đổ bộ của Izumo, để chiến hạm lớn nhất này tập trung cho hướng sử dụng thứ 2.

Việc mang tới 12 - 15 chiếc F-35B sẽ khiến Izumo “lấn lướt” tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Việc mang được tới 12 - 15 chiếc F-35B sẽ khiến Izumo “lấn lướt” tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Với phương thức tác chiến thứ 2 là sử dụng Izumo theo mô hình tàu đổ bộ tấn công mang máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ.

Nếu Izumo đảm nhận chức năng kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn.

Trên thực tế việc thiết kế như một tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ khiến DDH-183 có khả năng tấn công rất mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, trong nhiệm vụ kiểm soát không phận, nếu loại bỏ máy bay trực thăng, nó có thể mang theo tới 12 - 15 chiếc F-35B.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc chỉ mang được tối đa 24 chiếc J-15, mà tính năng của những tiêm kích hạm loại này còn kém xa F-35B. Như vậy, hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ hoàn toàn thất bại khi phải đối đầu với tàu khu trục lớp 22DDH của Nhật Bản.

Điều này đồng nghĩa với việc Nhật sẽ hoàn toàn kiểm soát được không phận và hải phận biển Hoa Đông, chiếm ưu thế lớn trong tác chiến đổ bộ đánh chiếm hoặc tái chiếm đảo. Đồng thời những chiếc F-35B có thể kết hợp với F-15J tấn công thọc sâu vào đất liền đối phương.

DDH-183 Izumo sử dụng theo hướng này sẽ là hợp lý và cực kỳ hiệu quả. Đây cũng là mô hình tác chiến mà Trung Quốc sợ nhất.

Bởi vậy, việc Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đưa vào sử dụng DDH-183 Izumo luôn được các chuyên gia quân sự Bắc Kinh chú ý và phân tích, tìm biện pháp khắc chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại