IS lần đầu bắn rơi máy bay chiến đấu Liên quân
Nga 24/12, Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria cho biết, Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ở gần thành phố miền bắc al-Raqqa của Syria.
Sau đó, hãng thông tấn trung ương Petra dẫn lời các lực lượng vũ trang Jordan đã xác nhận rằng IS đã bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất đang biên chế trong không quân nước này và bắt giữ phi công của chiếc máy bay bị bắn rơi ở Syria.
Còn IS tuyên bố rằng họ đã bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu trên bằng tên lửa tìm nhiệt, đồng thời đã cho đăng các bức ảnh, trong đó phi công Mouath al-Kasasbeh đã bị 4 người lôi lên khỏi mặt nước, trong khi hàng chục binh sĩ hồi giáo khác bao vây xung quanh.
IS cho rằng viên phi công bị bắt giữ là Thiếu úy Mouath al-Kasasbeh thuộc Không quân Hoàng gia Jordan. "Mọi hành động của Jordan và những quốc gia ủng hộ sẽ quyết định số phận anh ta" - IS tuyên bố sau khi công bố hình ảnh viên phi công.
Viên phi công bị bắt giữ thuộc biên chế của một nhóm máy bay chiến đấu của Jordan đang tiến hành một sứ mệnh quân sự chống lại tổ chức khủng bố IS do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria.
Người thân của phi công Mouath Kassasbeh, hiện đang bị IS bắt giữ, đã kêu gọi chính quyền nỗ lực để bảo đảm IS thả viên phi công này và chính phủ Jordan đã kêu gọi IS đảm bảo tính mạng cho Kasasbeh.
Thông tin ban đầu chưa thể xác định IS đã bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu này của Jordan hay nó bị rơi do lỗi kỹ thuật. Hiện tại, lực lượng Nhà nước Hồi giáo được xác định là chỉ có trong tay các tên lửa vác vai với khả năng phòng không hạn chế.
IS từng nhiều lần bắn rơi trực thăng hay các máy bay quân sự của quân đội chính phủ Iraq và Syria. Nhưng đây là lần đầu tiên các tay súng bắn hạ máy bay chiến đấu nước ngoài trên bầu trời Syria kể từ khi liên minh phát động các cuộc không kích.
Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã tiến hành các phi vụ tấn công nhằm vào IS tại Syria kể từ tháng 9 vừa qua, nhiều quốc gia Arap đã tham gia vào chiến dịch quân sự này, bao gồm Jordan, Saudi Arabia và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Thực lực khả năng phòng không của phiến quân IS
1. Tên lửa phòng không vác vai
IS có khá nhiều loại tên lửa phòng không cá nhân của các quốc gia hàng đầu thế giới như 9K310 Igla-1 (SA-16 'Gimlet'), 9K38 Igla (SA-18 'Grouse') của Nga hay FIM-92 Stinger của Mỹ hoặc Starstreak của Anh. Tuy nhiên, chúng chủ yếu để đối phó với máy bay trực thăng.
Tên lửa Stinger có tầm bắn hiệu quả 4,8km, được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan những năm 1980.
Khi đó, các tên lửa do Mỹ cung cấp cho những chiến binh Hồi giáo Mujahideen đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc bắn hạ các trực thăng Liên Xô.
Bên cạnh đó, Stinger cũng được sử dụng chống các máy bay của Nga trong các cuộc chiến tranh Chechen lần thứ nhất (1994-1996) và thứ hai (1999-2009).
Starstreak được đánh giá là tổ hợp phòng không vác vai cao tốc độ nhanh nhất thế giới cũng như thiết kế đặc biệt nhất.
Trong khi đó, các tên lửa Igla có tầm bắn tối đa 5,2km, độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa là 3,5km, sử dụng đầu dò hồng ngoại để tiêu diệt mục tiêu.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) hồi đầu tháng 10 đã cho biết:
Chi nhánh IS tại tỉnh Salah-al-Din (Iraq) vừa công bố những hình ảnh cho thấy một phiến quân dùng hệ thống phòng không vác vai FN-6 do Trung Quốc sản xuất để bắn hạ trực thăng Mi-35M do Nga sản xuất hiện biên chế trong lực lượng không quân Iraq.
Với tầm bắn tối đa 6km, độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa là 3,5km, sử dụng đầu dò hồng ngoại để tiêu diệt mục tiêu, FN-6 cũng có thể trở thành một mối nguy hiểm lớn với các trực thăng cũng như các máy bay chiến đấu bay thấp.
Nhìn chung, việc IS sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không vác vai sẽ là mối đe dọa cực kỳ lớn. Do đặc điểm nhỏ gọn, dễ mang vác nên các tên lửa này sẽ rất khó bị phát hiện.
Để nâng cao khả năng bắn hạ các máy bay chiến đấu bay thấp của liên quân do Mỹ lãnh đạo, các tay súng của lực lượng IS đã soạn thảo cả tài liệu huấn luyện để bắn hạ máy bay chiến đấu.
Đồng thời họ sử dụng phương pháp đơn giản nhất để nâng cao tầm bắn của tên lửa là phục kích trên các đỉnh núi cao.
2. Các loại pháo, súng máy phòng không
Vũ khí tiếp theo của IS có thể sử dụng để bắn hạ máy bay chiến đấu và trực thăng là các loại pháo phòng không tự hành cũng như súng máy hạng nặng lắp đặt trên xe tải hoặc xe bán tải.
Loại vũ khí này có tầm bắn thấp, rất khó để bắn hạ được các máy bay chiến đấu có trần hoạt động cao của Liên quân Mỹ.
Sau khi chiếm các căn cứ quân sự của Syria, IS đã thu được rất nhiều các loại pháo phòng không cũng như các loại súng máy hạng nặng.
Nhằm tăng tính cơ động cho các loại pháo phòng không này, IS đã cơ giới hóa chúng, bằng cách đặt lên các loại xe bán tải hoặc xe tải.
Các loại xe pick-up (xe bán tải gắn vũ khí) vốn được các lực lượng nổi dậy và khủng bố ở Trung Đông ưa chuộng vì tính cơ động rất cao.
Các xe này ngoài khả năng hạ trực thăng còn có khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất. Với tốc độ di chuyển cao của, hỏa lực mạnh thì trực thăng vũ trang sẽ là miếng mồi ngon của chúng.
Hiện nay IS đang sở hữu một số loại pháo phòng không như S-60 cỡ nòng 57mm, bị IS thu giữ tại các căn cứ phòng không của Syria và IS đã cải tiến, đặt nó lên các thùng xe ben để sau đó đã tăng tính cơ động. IS còn có 1 số hệ thống pháo phòng không cỡ nòng 37mm.
Lực lượng phiến quân của Nhà nước Hồi giáo cũng sở hữu rất nhiều các hệ thống pháo phòng không ZU-23-2 cỡ nòng 23mm đặt trên xe bán tải, đây cũng là loại vũ khí có số lượng lớn của IS.
Lực lượng này còn có cả hệ thống pháo phòng không tự hành 4 nòng ZSU-23-4 Shilka có cỡ nòng 23mm
Với những trang bị phòng không nghèo nàn trên, rất khó để lực lượng phiến quân của Nhà nước Hồi giáo có thể bắn hạ được các loại cường kích có trần bay tầm 7-8km, chứ đừng nói là chiến đấu cơ thế hệ mới, có trần bay trên 10km như F-16.
Vì vậy, nhiều người cho rằng, máy bay của Jordan bị rơi do lỗi kỹ thuật chứ không phải bị các tay súng của lực lượng này bắn hạ.