Hồi sinh căn cứ thời Chiến tranh lạnh: Cuộc đua Nga - Mỹ

Đỗ Phong |

Cả Nga và Mỹ vừa phục hồi một loạt căn cứ từ thời Chiến tranh lạnh, đặc biệt những căn cứ có khả năng chống chiến tranh hạt nhân

Những biểu tượng trở lại

Vừa qua, Mỹ đã xây dựng lại Tổ hợp quân sự Stargate (Tinh Môn) ẩn dưới núi Cheyenne thuộc dãy núi Rocky, bang Colorado, miền trung nước Mỹ, được xây dựng từ năm 1960.

Căn cứ này là một biểu tượng từ thời Chiến tranh lạnh, từng là nhà của Bộ Tư lệnh không gian Bắc Mỹ (NORAD), với nhiệm vụ tìm kiếm tên lửa Nga trên bầu trời để tiêu diệt và sẽ trở thành trung tâm quân sự Mỹ nếu Thế chiến III xảy ra.

Tinh Môn có khả năng chịu đựng một vụ tấn công hạt nhân mạnh đến 30 megaton và không bị ảnh hưởng bởi bom xung điện từ (EMP).

Vào năm 2006, Mỹ quyết định dời tổng hành dinh NORAD từ Cheyenne đến căn cứ Petersen ở Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ.

Căn cứ Tinh Môn lúc đó có vai trò như một trung tâm chỉ huy dự phòng. Và thực tế, nó đã bị bỏ hoang gần 10 năm.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã chi khoảng 700 triệu USD để ký kết hợp đồng với tập đoàn quốc phòng Raytheon để khôi phục và làm hiện đại hóa căn cứ Stargate này cho những mục đích quân sự sắp tới.

Đường vào căn cứ Stargate của Mỹ vừa được phục dựng
Đường vào căn cứ Stargate của Mỹ vừa được phục dựng

Không riêng gì Stargate, Mỹ cũng đầu tư rất mạnh vào căn cứ không quân Thule ở Greenland, năm sâu trong vòng cung Bắc Cực.

Trong thời Chiến tranh lạnh, Washington đã giao nhiệm vụ cho căn cứ biệt lập này trở thành nơi dồn quân, triển khai đổ bộ đường không vào cuộc chiến với Liên Xô.

Thule nằm giữa một khu vực bình địa băng giá, không người ở. Ngôi làng thiểu số gần nhất cũng nằm cách đó trên 100km.

Căn cứ quân sự này có 9 tháng bị băng bao phủ, và đã không được Washington quan tâm từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng trăm triệu USD đã được dồn vào Thule cùng với những khí tài tác chiến điện tử hiện đại.

Thậm chí, tình báo Nga đã đưa ra nhiều thông tin về việc đã có vũ khí hạt nhân xuất hiện ở Greenland.

Có thể thấy rằng, với hai căn cứ được phục dựng, Mỹ đã mang tham vọng vừa công, vừa thủ trong một cuộc chiến tổng lực, thậm chí là chiến tranh hạt nhân với nước Nga.

Nga là người khơi mào?

Tuy nhiên, việc tái sử dụng những biểu tượng từ thời Chiến tranh lạnh, Nga mới là quốc gia theo đuổi tích cực hơn.

Ngay từ năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho khôi phục đoàn tàu hạt nhân. Đoàn tàu này được ngụy trang như một tàu hàng thông thường, nhưng có thể mang theo các tên lửa liên lục địa đầu đạn hạt nhân.

Moscow cho rằng đây là ý tưởng thú vị nhất, thực tế nhất của Liên Xô bởi tính linh động của đoàn tàu sẽ giúp các tên lửa của Nga thoát khỏi một cuộc chiến phủ đầu và đáp trả hủy diệt kẻ thù.

Trước đó, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ thời Ukraine, Nga đã bắt đầu vào việc phục dựng một căn cứ quân sự tuyệt mật từ thời Liên Xô dưới lòng đất tại cảng Balaclava ­ Crimea.

Căn cứ này được cho là mái nhà tránh hạt nhân của tàu ngầm Nga trong điều kiện xảy ra một cuộc chiến với NATO và Mỹ.

Các căn cứ ở Bắc Cực từ thời Liên Xô cũng được Nga hồi sinh mạnh mẽ, trong đó phải kể đến căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk, phía bắc Nga.

Có ít nhất 100 triệu USD đã được đổ vào căn cứ này chỉ để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Căn cứ tàu ngầm của Nga sâu dưới lòng đất thuộc bán đảo Crimea
Căn cứ tàu ngầm của Nga sâu dưới lòng đất thuộc bán đảo Crimea

Chưa dừng cuộc đối đầu với Mỹ ở đây, Nga và Cuba hồi tháng 7/2014 đã đạt được thỏa thuận khôi phục căn cứ viễn thám Lourdes được xây dựng từ thời Chiến tranh lạnh và bị đóng cửa năm 2001.

Tuy nhiên, việc này có khả năng sẽ khó thành công trong bối cảnh cả Mỹ và Cuba đang có những hành động nhằm bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước.

Những động thái "sống lại quá khứ" Mỹ và Nga chứng minh mâu thuẫn giữa hai cường quốc này đang trở nên phức tạp khiến cả hai đều buộc phải tính tới khả năng ứng biến khi có chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại