Trong tháng 3/2015 nói riêng và trong năm 2015 nói chung, Mỹ và một số nước thành viên NATO tiến hành hàng loạt cuộc tập trận mượn cớ “sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược từ Nga”.
Trong tình thế ấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành cuộc tập trận toàn diện trên toàn lãnh thổ Nga để sẵn sàng đối phó với áp lực quân sự từ bên ngoài.
Mỹ và NATO chơi “ván bài lật ngửa” với Nga
Cuối năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Học thuyết tác chiến mới của Quân đội Mỹ với tiêu đề “Chiến thắng trong một thế giới phức tạp: 2020-2040” với tư duy cốt lõi là Mỹ và NATO sẽ tiến hành cuộc chiến tranh phức hợp, gồm:
- Bao vây cấm vận kinh tế;
- Cô lập về chính trị-ngoại giao;
- Răn đe sử dụng sức mạnh quân sự để đè bẹp ý chí của đối phương, buộc đối phương phải chấp nhận vị thế phụ thuộc và nghe theo sự áp đặt của Washington.
Cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát từ cuối năm 2013 tới nay là biểu hiện rõ nhất và sinh động nhất về tư duy đó.
Zbignev Brezinski, mưu sỹ chính trị-an ninh hàng đầu của các đời Tổng thống Mỹ, từ thời Ronald Reagan những năm 1980 tới Barack Obama, đã từng viết trong cuốn sách nổi tiếng “Bàn cờ lớn” những dòng như sau:
“Ukraine là tiền đồn để Mỹ làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền”.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin đã không chịu khuất phục. Việc Putin sáp nhập Crimea về Nga là thất bại chiến lược đầu tiên của Mỹ.
Bởi theo Paul Craig Roberts, nguyên cố vấn cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, mục tiêu số 1 của Mỹ khi gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine là đẩy Nga ra khỏi Crimea và đưa hải quân NATO tới chiếm đóng căn cứ quân sự ở Sevastopol để chặn lối ra của Nga qua Biển Đen.
Tàu chiến của Hạm đội Biển Đen ở căn cứ Sevastopol
Không cam chịu thua cuộc, Mỹ tiếp tục cuộc chơi đến cùng và lần này họ đã chơi ván bài lật ngửa với Nga.
Đó là, ngày 4/12/2014, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết số 758, trong đó có nội dung cáo buộc Nga “xâm lược” Ukraine, Gruzia và Mondova, từ đó đưa ra đề nghị Chính phủ Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tiếp theo sau Hạ viện Mỹ, Quốc hội của Ukraine cũng thông qua Nghị quyết xác định “Nga là âm lược”.
Lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ coi Nga là “kẻ xâm lược”.
Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama thì coi “nguy cơ xâm lược từ Nga” là một trong ba hiểm họa đối với thế giới, cùng với đại dịch Ebola và Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chưa bao giờ, kể cả từ thời Liên Xô, Mỹ lại công khai đối đầu với Nga đến mức như vậy.
Tuy nhiên, ở Châu Âu có nhiều tiếng nói yêu cầu chấm dứt sự thù địch đối với nước Nga.
Thí dụ, hơn 60 chính khách nổi tiếng, các doanh nhân, các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng cùng ký vào một bức thư ngỏ đăng trên báo “Die Zeit”.
Trong đó có cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder, cựu Tổng thống Đức Roman Herzog, Chủ tịch Ủy ban Miền Đông của nền kinh tế Đức Eckhard Cordes và đạo diễn nổi tiếng Klaus Maria Brandauer
Trong bức thư này có đoạn viết: “Các nước Bắc Mỹ, EU và Nga khó tránh được một cuộc chiến tranh nếu không ngăn chặn làn sóng hành động đe dọa và đáp trả mối đe dọa”.
Mỹ đang đẩy Châu Âu tới trước nguy cơ chiến tranh cận kề. Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Robert Fico tuyên bố rằng, nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn đang nổi lên ở Châu Âu.
Theo ông, người Mỹ đang khiêu khích nước Nga dính líu vào một cuộc chiến tranh lớn, vấn đề còn lại lúc này chỉ là chiến tranh sẽ nổ ra khi nào và với nguyên cớ gì.
Cuộc chiến tranh lớn này sẽ bùng nổ bất ngờ, như tiếng sấm giữa ban ngày, để dư luận xã hội không kịp tập trung vào các biện pháp phòng thủ và chống chiến tranh.
Washington toan tính dùng người Châu Âu đánh nhau, còn nước Mỹ vẫn được an toàn “trong ốc đảo bình yên”.
NATO tập trận để chống “nguy cơ xâm lược từ Nga”
Theo Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, trong năm 2015, liên minh quân sự này sẽ:
- Tăng cường các cuộc tập trận với cường độ và quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh;
- Đẩy nhanh quá trình thành lập Lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao và phản ứng nhanh VJTF (Very High Readiness Joint Task Force), gồm 5.000 quân triển khai ở các nước đồng minh như Ba Lan và các nước Baltic.
- Thiết lập các trung tâm chỉ huy ở 6 nước thành viên NATO trước đây là đồng minh của Liên Xô như Bulgaria, Ba Lan và Romania.
Một xe tăng Abrams được chuyển tới cảng Riga, Latvia hôm 9/3
Trước đó, trong tháng 4/2014, Mỹ tiếp tục đưa nhiều vũ khí tới các nước thành viên NATO sát biên giới Nga như Latvia, Litva và Estonia trong chiến dịch mang tên “Atlantic Resolve” (“Giải pháp Đại Tây Dương”).
Theo đại tá Steven Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, mục tiêu của cuộc tập trận này mượn cớ “bảo vệ quyền tự do đi lại và ngăn chặn khả năng xâm lược khu vực phía Đông của NATO”.
Nội dung cuộc tập trận “Atlantic Resolve” gồm diễn tập hải quân tại Biển Đen và nhiều cuộc diễn tập khác diễn ra trên lãnh thổ nhiều nước NATO, trong đó có cuộc diễn tập tên lửa phòng không “Patriot” của Mỹ.
Ở Biển Đen, NATO tiến hành cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn nhất, với sự tham gia của các lực lượng của Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kì, ngoài khơi bán đảo Crimea.
Cuối tháng 2/2015, hơn 140 xe thiết giáp của NATO đã tiến hành cuộc “diễu võ dương oai” tại thị trấn Narva của Estonia, chỉ cách biên giới Nga-Estonia khoảng 300m.
Ngày 22/3/2015, NATO khởi động cuộc tập trận quốc tế "Operation Summer Shield-XII" (“Lá chắn Mùa Hè”) với sự tham gia của 1.100 binh sĩ đến từ các nước Latvia, Litva, Mỹ, Anh, Luxemburg và Canada.
Năm 2014, cuộc tập trận tương tự với 600 binh sĩ Latvia, Estonia và Mỹ tham gia.
Ngày 9/3/2015, một cuộc tập trận của NATO diễn ra tại Norway với 5.000 binh sĩ tham gia mang tên “Joint Viking” ở vùng Lakselv và Alta cách không xa biên giới Nga.
Đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1967, trong đó tất cả các loại vũ khí sẽ được sử dụng.
Trong tháng 4/2015, NATO sẽ tiến hành cuộc tập trận chuẩn bị và triển khai nhanh đầu tiên.
Sau đó, vào tháng 6/2015, NATO sẽ có cuộc tập trận tiếp theo về khả năng triển khai nhanh quân từ Đức, Hà Lan, Norway và Cộng hòa Sec tới khu vực huấn luyện Zagan ở miền Tây Ba Lan.
Từ ngày 5 đến 15/5/2015, Mỹ sẽ triển khai xe tăng Abram và lính dù đến thị trấn Tapa của Estonia để tham gia hàng loạt cuộc diễn tập quân sự.
Trong đó có cuộc tập trận mang tên “Siil 2015”, huy động 15.000 binh sĩ Estonia cùng với binh sĩ Mỹ đóng tại nước này.
Cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong năm 2015 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 và 11/2015 tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với sự tham gia của 25.000 quân của hầu hết các nước thành viên của khối.
Đây sẽ là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất của NATO trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, Mỹ đang xúc tiến thực hiện Sáng kiến đòn tiến công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ, gọi tắt PGS (Prompt Global Strike).
Đây là một trong những nội dung của học thuyết quân sự mới của Lầu Năm Góc.
Theo đó, các lực lượng vũ trang Mỹ dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy tiến công toàn cầu và Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp sẽ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao mang đầu đạn phi hạt nhân tiến công chớp nhoáng vào các mục tiêu từ khoảng cách xuyên lục địa.
Theo kịch bản Chiến tranh thế giới III nhằm vào Nga, mục tiêu tấn công hàng đầu của PGS sẽ là các trung tâm chỉ huy quân sự cấp chiến lược và hệ thống quản lý cấp quốc gia quan trọng nhất của Nga.
Cuộc tấn công sẽ được thực hiện tương tự như kịch bản Chiến dịch Barbarossa do Đức phát xít thực hiện bất ngờ tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941.
Có thể thấy, chưa bao giờ nước Nga lại đứng trước nguy cơ lớn như thế kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Phản ứng của phía Nga
Trên bình diện chiến lược, ngày 27/12/2014, Tổng thống Putin phê chuẩn Học thuyết quân sự mới xác định các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Nga.
Trong đó có các nguy cơ như:
- NATO xây dựng hạ tầng quân sự sát biên giới Nga;
- Quân đội một số nước NATO gia tăng sự hiện diện thường trực trên lãnh thổ các khu vực sát biên giới Nga và các đồng minh của Nga;
- Mỹ xúc tiến triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở Châu Âu và xúc tiến hoàn thiện chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu.
Do đó, việc Mỹ và NATO gia tăng các cuộc tập trận sát biên giới phía tây của Nga khiến Moscow lo ngại.
Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov coi các cuộc tập trận như một kế hoạch chống Nga.
Theo ông, thay vì cần đoàn kết với Nga chống lại các các lực lượng gây tội ác tồi tệ nhất, trước hết là chủ nghĩa khủng bố từ phía IS thì NATO lại đang biến Nga thành “nguy cơ xâm lược Châu Âu” để thực hiện các mục tiêu địa-chính trị.
Để sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược từ NATO, ngày 16/3/2015, Tổng thống Putin đã hạ lệnh cho Hạm đội Phương Bắc đề cao cảnh giác, sẵn sàng diễn tập chiến đấu đột xuất.
Hạm đội này nhận lệnh tiến hành một cuộc tập trận trong đất liền, ngoài biển và trên không, với sự tham gia của 38.000 binh lính, 41 tàu, 15 tàu ngầm và 110 máy bay để đánh giá khả năng của hạm đội khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Nga ở Bắc Cực.
Sau đó, ngày 19/3/2015, theo lệnh của Tổng thống Putin, Bộ quốc phòng Nga đã tăng gấp đôi quân số tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn lên 80.000 binh sĩ tại các khu vực trên khắp đất nước, từ Bắc Cực tới vùng Viễn Đông cho đến khu vực Caucasus ở miền Nam.
Theo Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov, các cuộc tập trận nay huy động hầu hết các loại vũ khí hiện đại, trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược, tổ hợp tên lửa “Iskander”, các phương tiện liên lạc và vũ khí chống tầu ngầm.
Trong các cuộc tập trận này, Bộ Quốc phòng Nga tiến hành điều chuyển quân sang các hướng phía Tây, phía Bắc và phía Nam.
Trong đó, động thái đáng chú ý là việc Nga đưa đến Crimea máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 có khả năng trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Các máy bay này cũng được đưa đến tỉnh Kaliningrad, trong khi các đơn vị quân đội ở vùng biển Baltic được tăng cường các tổ hợp tên lửa “Iskander” bố trí trên các tàu chiến thuộc Hạm đội Baltic.
Như vậy, Nga đã đồng loạt tập trận trên tất cả các khu vực chiến lược dễ xảy ra chiến tranh tiềm tàng.
Qua xem xét các tình huống giả định có thể thấy mục đích các cuộc tập trận đó là đối phó với nguy cơ tấn công từ NATO.
Học thuyết quân sự của Nga được Tổng thống Putin phê chuẩn cuối năm 2014 đã xác định, NATO không còn là đối tác mà là đối thủ của Nga.
Trong bài viết nhan đề “Chúng ta cần phải mạnh để bảo vệ an ninh quốc gia của Nga” đăng trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đưa ra nhận định:
“Các quá trình chuyển hoá toàn cầu diễn ra trên thế giới tiềm ẩn trong đó những nguy cơ hết sức đa dạng, đôi khi không thể dự báo trước được.
Trong khi đang diễn ra biến động kinh tế và những biến động khác trên phạm vi toàn cầu, thường có những thế lực theo đuổi tham vọng đạt được lợi ích của họ nhưng lại làm tổn hại lợi ích của những người khác bằng cách sử dụng áp lực quân sự…
Do đó, chúng ta không bao giờ được phép trở nên yếu đuối để người khác có thể dễ dàng “bắt nạt”.
Tổng thống Putin khẳng định: “Trong bất kỳ điều kiện nào, chúng ta cũng không được lơ là, thậm chí là từ bỏ, việc xây dựng tiềm lực chiến lược có khả năng răn đe, kiềm chế và sẽ củng cố tiềm lực đó”.
Đồng thời, để loại trừ nguy cơ xung đột lớn ở Châu Âu, Tổng thống Putin vẫn chủ trương đối thoại với Mỹ và các nước Phương Tây để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Báo “Granma”, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba, trong bài viết với tiêu đề “Nước Nga: chiến lược của Putin”, đã nhận định:
“Công lao lớn nhất của nước Nga hiện nay cũng như Tổng thống Putin là ngăn chặn nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ III trong điều kiện nước Nga bị bao vây, cấm vận buộc Moscow phải có hành động đáp trả thích đáng”.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.