Theo trang mạng Sina Military Network, trong giai đoạn 2013-2014, Trung Quốc đã triển khai tàu chiến tới Syria để hỗ trợ vận chuyển vũ khí hóa học đi tiêu hủy.
Sắp tới, nếu Hải quân Trung Quốc tham gia hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga tại đây thì điều đó sẽ thúc đẩy lực lượng này tái thiết trong tương lai gần.
Vladimir Komoedov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga nói với hãng tin Sputnik (trụ sở tại Moscow):
Chỉ riêng đội tàu chiến Địa Trung Hải thuộc Hạm đội Biển Đen cũng đủ sức chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong chiến dịch gần đây của Nga. Moscow không cần điều động toàn bộ Hạm đội Biển Đen tham chiến.
Những bức ảnh trước đó do Bộ Quốc phòng Nga công bố đã cho thấy các tàu Buyan-M và Gepard bắn tên lửa vào các mục tiêu IS từ biển Caspian.
Tuy nhiên, theo Sina, các cuộc tấn công bằng tên lửa từ tàu chiến có thể vẫn chưa đủ do các mục tiêu chiến lược của IS nằm sâu bên trong lãnh thổ Syria.
Vì vậy, Nga có khả năng phải triển khai lực lượng bộ binh để giành lại những vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng và duy trì an ninh trật tự trong khu vực.
Nếu Trung Quốc quyết định hỗ trợ bộ binh cho quân đội Nga ở Syria, Hải quân Trung Quốc sẽ có nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ tới khu vực này.
Các hoạt động như vậy không chỉ giúp tăng cường năng lực của Hải quân Trung Quốc trên vùng biển xa mà còn thay đổi tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo hải quân.
Với nhiều kinh nghiệm hoạt động xa bờ, sau này, Hải quân Trung Quốc có thể mở rộng 3 hạm đội hiện tại, bao gồm:
Hạm đội Bắc Hải phụ trách khu vực bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, Hạm đội Đông Hải đặc trách eo biển Đài Loan và các cơ sở quân sự của Mỹ ở Okinawa và Guam và Hạm đội Nam Hải được Trung Quốc giao nhiệm vụ ở Biển Đông.
Theo Sina, trong tương lai, cả 3 hạm đội này sẽ dần dần mở rộng về quy mô và vùng hoạt động. Cụ thể:
Hạm đội Bắc Hải có thể triển khai tàu chiến để hộ tống các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tới Bắc Băng Dương.
Còn Hạm đội Đông Hải sẽ trở thành “Hạm đội Thái Bình Dương” đúng nghĩa đầu tiên của Trung Quốc để đối phó với các lực lượng hải quân uy lực của Mỹ và Nhật Bản tại Tây Thái Bình Dương.
Cuối cùng, Hạm đội Nam Hải sẽ mở rộng khu vực hoạt động về phía tây, tới Ấn Độ Dương.
Sina cho biết, Hạm đội Nam Hải sẽ có 2 nhiệm vụ trong tương lai. Đầu tiên là tiếp tục duy trì hoạt động hiện nay trong khu vực để “bảo vệ” lợi ích và vị thế của Trung Quốc tại đây (thực chất là thực hiện tham vọng bành trướng của Bắc Kinh-PV).
Thứ hai là mang lại cho Trung Quốc sức mạnh hàng hải để hỗ trợ sáng kiến “Vành đai và con đường” mà Bắc Kinh đang triển khai.