Điều này khiến giới chức quân sự, tình báo Mỹ quan ngại, Moskva có thể lập kế hoạch tấn công các tuyến đường dây này tại thời điểm xảy ra căng thẳng hay xung đột.
Câu chuyện gợi lại những lo lắng thời Chiến tranh Lạnh, rằng Moskva sẽ tìm cách “đấu nối” vào hệ thống cáp ngầm - trò “câu móc” thông tin mà tình báo Mỹ là bậc thầy hơn hai thập kỉ trước đây.
Mối đe dọa thời nay còn lớn hơn: Việc đột nhập các “tài sản” dưới lòng biển có thể gây ra đứt gãy thông tin tức thời - điều mà chính phủ, nền kinh tế, công dân các nước phương Tây đang lệ thuộc rất nhiều.
Mỹ quan ngại khả năng Nga "xâm lấn" mạng cáp quang. Ảnh: hungryshark.ru
Dù chưa có dấu hiệu nào về một vụ “cắt cáp”, nhưng quan ngại của quan chức quân sự, tình báo Mỹ ngày một lớn, sau khi các lực lượng vũ trang Nga tăng cường các hoạt động quân sự trên toàn cầu.
Những lời bàn tán, thảo luận ở Lầu Năm góc cũng cho thấy một thực tế: Mọi động thái của Nga đều được Washington dõi theo với ánh mắt nghi ngờ - gợi lại mối quan hệ thiếu niềm tin thời Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường.
Bên cạnh “cắt cáp” thì “cấy cáp” cũng là một mối nguy hiểm lớn và không còn là điều quá mới mẻ. Tháng 10/1971, tàu ngầm Halibut (Mỹ) đi vào biển Okhotsk ở phía Bắc Nhật Bản và phát hiện ra một tuyến đường cáp của lực lượng hạt nhân Liên Xô.
Phía Mỹ ngay lập tức mở chiến dịch có mật danh “Ivy Bells”, đấu nối một đường cáp và thu được nhiều thông tin bí mật. Mãi đến năm 1981 thì Liên Xô mới phát hiện ra.
Bên trong trụ sở Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo Mỹ, những thông tin, đánh giá về mức độ gia tăng hoạt động của hải quân Nga thường được xác định là thông tin có độ mật cao, không được công bố chi tiết.
Giới chức Mỹ cũng chẳng khi nào “mở lời” về kế hoạch đã và sẽ làm gì để theo dõi các hoạt động phá hoại hệ thống cáp quang cũng như cách thức khắc phục nhanh chóng tình huống đứt gãy.
Thế nhưng hàng chục nguồn tin thì xác nhận một thực tế được công nhận rộng rãi: Lầu Năm góc rất quan tâm đến hoạt động này.
“Ngày nào tôi cũng lo ngại việc người Nga có thể đang làm gì”, đô đốc Frederick J. Roegge, Tư lệnh hạm đội tàu ngầm hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương chia sẻ.
Trung tá William Marks, phát ngôn viên Hải quân Mỹ thì cho biết “sẽ rất đáng ngại nếu nghe tin một nước nào đó có ý định làm gián đoạn các tuyến cáp thông tin. Tuy nhiên, do bản chất của hoạt động tàu ngầm là bí mật, nên chúng tôi không muốn đề cập chi tiết”.
Thế nhưng, dưới góc độ ý kiến cá nhân, thì các sĩ quan hải quân, tình báo lại trực diện hơn. Họ cho biết đang dõi theo tần suất hoạt động ngày một tăng của Nga dọc các tuyến đường biển có đặt mạng cáp thông tin, từ biển Bắc, Đông Bắc Á cho tới vùng biển sát nước Mỹ.
Cuối tháng trước, tàu do thám Yantar của Nga được trang bị hai thiết bị lặn sâu tự hành đã di chuyển dọc ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Mỹ trên hành trình tới Cuba - nơi mà Mỹ đặt một trạm thu cáp mặt đất gần căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo.
Quan chức Hải quân Mỹ nhận định tàu Yantar cùng với các thiết bị lặn sâu dư sức cắt hàng cây số cáp quang dưới lòng biển. Châu Âu cũng tỏ ra lo ngại trước người Nga.
“Cấp độ hoạt động (của Nga) tương đương với mức mà chúng ta đã thấy ở thời kì chiến tranh Lạnh”, một quan chức ngoại giao tại châu lục nhận định.
Trên thực tế, hoạt động tuần tra của các tàu ngầm Nga đã tăng tới 50% chỉ trong năm vừa rồi, vọt lên ngưỡng cao nhất trong cả một thập kỉ qua.
Yantar - tàu do thám hiện đại bậc nhất của hải quân Nga, có khả năng định vị, theo dõi các mục tiêu động lẫn cố định. Ảnh: RT
Cáp quang biển có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Hệ thống này lưu chuyển thông tin kinh doanh toàn cầu liên quan đến những hợp đồng, giao dịch, lưu chuyển tiền tệ trị giá 10.000 tỉ USD/ngày. Bất kì một sự gián đoạn nào trên hệ thống cũng sẽ làm đứt mạch lưu thông dòng vốn.
Ngoài ra, các mạng cáp quang cũng truyền tải tới 95% lượng thông tin hàng này. Giới phân tích nhận định, đứt cáp xảy ra như cơm bữa, có thể bởi mỏ neo, hoặc thiên tai. Nhưng những vụ việc như vậy chỉ diễn ra cách bờ chừng vài cây số, có thể khắc phục xong trong vài ngày.
Điều mà giới hoạch định Lầu Năm góc e ngại nhất chính là khả năng Nga tìm cách “tấn công” vào những điểm dễ tổn thương ở tầng đáy biển sâu hơn, nơi mà các đường cáp dất khó theo dõi, khó phát hiện vết đứt và khó sửa chữa.
Mối lo được “củng cố” thêm bởi một thực tế: Các điểm, tuyến đường dải cáp hầu như chẳng có gì bí mật, vì cáp thường được đặt song song với tuyến cáp ngầm đầu tiên được xây dựng từ những năm 1860.
Lý do là các nhà điều hành muốn hệ thống hoạt động ở môi trường quen thuộc theo những thỏa thuận đã tồn tại từ trước.
Ngoại lệ có chăng chỉ là những tuyến cáp đặc biệt, với những điểm đặt được giữ bí mật, thường thì chỉ phục vụ cho các hoạt động, chiến dịch quân sự của Mỹ - thế nhưng đó cũng có thể là mục tiêu mà tàu ngầm, tàu do thám Nga đang tìm cách giải mã.