H&K P7 - Đại diện ưu tú của súng ngắn Đức

A.Vĩ |

Hệ thống khóa an toàn độc đáo đã giúp H&K P7 trở thành khẩu súng ngắn có độ tin cậy bậc nhất thế giới.

Sự thay thế cho súng ngắn cỡ nòng 7,62 mm

Sau vụ thảm sát Thế vận hội mùa hè năm 1972 tại Munich, Chính phủ Đức đã quyết định loại bỏ các mẫu súng ngắn cỡ nòng 7,62 mm ra khỏi biên chế. Thay vào đó, họ tìm kiếm một khẩu súng mới tốt hơn nhằm đáp ứng các tình huống khẩn cấp.

Mẫu súng mới phải thỏa mãn các yêu cầu: sử dụng đạn 9 x 19 mm Parabellum, trọng lượng dưới 1 kg, kích thước không vượt quá 180 x 130 x 34 mm, năng lượng đầu đạn rời nòng phải đạt ít nhất 500 J và vòng đời của súng phải tối thiểu là 10.000 viên đạn.

Một yêu cầu khác là súng có thể sử dụng tốt bởi người bắn thuận tay trái hay phải, an toàn với đạn đã lên nòng, nhanh chóng được rút ra khỏi bao và bắn ngay lập tức.

Khẩu SIG P225 (P6) của Thụy Sĩ

Có 3 ứng viên chính cho mẫu súng mới này: SIG P225 của Thụy Sĩ (định danh P6) và 2 khẩu súng của Đức là H&K P7 (định danh PSP) và Walther P5. Cuối cùng, cảnh sát Đức đã đưa vào sử dụng cả 3 khẩu súng trên tùy vào lực lượng và nhiệm vụ.

Mẫu P7 bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 1979. Sau đó, súng được thông qua bởi cảnh sát liên bang và trang bị cho các lực lượng chống khủng bố như GSG 9 và các đơn vị đặc biệt của quân đội.

Mẫu P7 tiêu chuẩn

P7 được sản xuất chủ yếu bởi công ty H&K nhưng cũng được chế tạo theo bản quyền tại công ty quốc phòng Hy Lạp Hellenic Arms và DIM ở Mexico. Ngoài ra súng còn xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới.

Thiết kế của một khẩu súng ngắn tuyệt vời

Mẫu P7 tiêu chuẩn (với định danh PSP) có khối lượng khá nhẹ 785 gam, chiều dài 166 mm, bề dày 29 mm, chiều cao 127 mm, tay nắm và nòng dài 105 mm. Về kích thước tổng thể, P7 có thể coi là một trong những khẩu súng ngắn rất nhỏ gọn.

Nòng súng đặt cố định, được rèn nguội bằng thép tốt với mặt ngoài hoàn toàn trơn nhẵn. Bên trong nòng được thiết kế xoắn theo kiểu đa giác chu kỳ 250 mm chứ không phải theo kiểu truyền thống. Theo nhà sản xuất thiết kế nòng như vậy sẽ giúp P7 nâng cao độ chính xác, rất bền, dễ sau chùi và ít bị kẹt đạn hơn.

Nòng xoắn kiểu đa giác của P7

Ngoài ra, thiết kế nòng như vậy sẽ giúp súng tương thích tốt với hệ thống nạp đạn. Phiên bản P7 tiêu chuẩn không thể gắn ống giảm thanh phía cuối nòng. Một biến thể về sau đã được H&K thiết kế với nòng mở rộng và tương thích với ống giảm thanh.

Theo H&K, khi người bắn chỉ ngón tay trỏ của mình vào một thứ gì đó, thì góc giữa ngón trỏ và các ngón tay nắm vào là 110 độ. Vì vậy, họ đã thiết kế góc hợp bởi nòng và tay nắm của súng là 110 độ, giúp xạ thủ có thể hướng súng vào mục tiêu một cách thoải mái và tự nhiên nhất, việc còn lại chỉ là điều chỉnh tầm ngắm.

Góc lệch của tay nắm chính (đường màu đỏ) với nòng là 110 độ, còn hộp tiếp đạn (đường màu xanh) gần như vuông góc với nòng

Khác với tay nắm, hộp tiếp đạn được đặt trong tay nắm nhưng góc lệch gần như là vuông góc với nòng. Thiết kế này giúp xạ thủ dễ dàng tháo và gắn hộp tiếp đạn hơn.

Điểm ngắm của P7 không có gì đặc biệt, gồm hai điểm phía sau cách nhau 148 mm và điểm ruồi phía trước, tất cả đều có chấm màu trắng để dễ định vị mục tiêu. Nhưng P7 là mẫu súng lục đầu tiên sử dụng kiểu ngắm này và nó đã mau chóng trở thành một thiết kế phổ biến trên thế giới.

Nhìn qua điểm ngắm của P7

Độ cong, độ dài và cảm giác cò của P7 được đánh giá là dễ sử dụng. Quãng đường di chuyển của cò khoảng 4 - 5 mm, việc trả cò cũng phát ra âm thanh vừa phải để xạ thủ cảm nhận được. Lực kéo cò tối thiểu khoảng 2,04 - 2,26 kg.

Vành bao cò của P7 không thực sự thoải mái mặc dù được thiết kế theo phong cách hiện đại. Vành hơi quá khổ, cắt mạnh và có một móc ở phần đáy. Mặt trước được làm nhám để người bắn tránh bị trượt tay khi giữ ở phía trước.

Giống như nhiều khẩu súng ngắn khác của Đức, P7 rất dễ tháo lắp để lau chùi và sửa chữa. Chỉ cần nhấn vào nút nằm bên trái gần cuối của súng, sau đó kéo thanh trượt ra khoảng 1,5 cm và nâng lên. Thao tác lắp vào ngược lại với tháo ra nhưng không cần nhấn nút.

Nút tháo súng nằm phía bên trái, gần cuối tay nắm

P7 sử dụng cơ chế nạp đạn bằng phản lực bắn, tuy nhiên đây là hệ thống phản lực bắn có hãm khóa khí độc đáo theo nguyên mẫu súng ngắn Pistole 47 W + F (Waffenfabrik Bern) của Thụy Sĩ.

Hệ thống này sử dụng áp lực khí của viên đạn vừa khai hỏa và giữ trong một cổng nhỏ phía trước buồng đạn để làm chậm sự chuyển động của thanh trượt.

Súng cũng có khóa an toàn vô cùng độc đáo tích hợp ngay ở phía trước trong tay nắm. Khi phần kim loại phía trước được ấn vào trong tay nắm với đủ lực thì mới có thể khai hỏa.

Thiết kế này giúp súng được giữ trong bao mà vẫn an toàn, và người bắn có thể rút súng ra khỏi bao trong trạng thái khóa và bắn gần như ngay lập tức.

Ấn giữ phần kim loại phía trước tay nắm để mở khóa an toàn

Những biến thể P7 với các cỡ đạn khác nhau

Dựa trên P7 (PSP), một vài biến thể khác đã được phát triển bao gồm: P7PT8, P7M13, P7K3, P7M10, P7M7 và gần như không còn bất kỳ biến thể nào vẫn đang được sản xuất.

P7 PT8 là một khẩu súng chuyên dụng, không dùng trong chiến đấu mà để huấn luyện với loại đạn 9 x 19 mm PT (do GECO sản xuất), với một đầu đạn nhựa nặng 0,42 g.

Một buồng nổi được chế tạo bên trong nòng để tăng lực giật lên, hỗ trợ viên đạn tiếp theo lên nòng. Hai bên thanh trượt được đánh dấu màu xanh dương để phân biệt với các khẩu P7 “chết người” khác. Có khoảng 200 khẩu loại này đã xuất xưởng, chủ yếu để huấn luyện trong không gian mô phỏng.

Biến thể P7 M13

P7 M13 là biến thể của P7 với hộp tiếp đạn 2 hàng, sức chứa 13 viên (thay vì 8 viên như P7) để giới thiệu tới quân đội Mỹ nhưng không thành công.

Một biến thể đặc biệt khác có tên gọi P7 M13SD được sản xuất với số lượng hạn chế dành cho lực lượng đặc biệt của Đức. So với P7M13, phiên bản mới có nòng dài hơn và tương thích với một ống giảm thanh.

P7K3 với nòng phụ dành cho cỡ đạn .32 ACP

P7K3 là mẫu rút gọn của P7 (lấy cảm hứng từ thiết kế của súng ngắn HK-4). Nòng súng có thể tháo rời và tương thích với các loại đạn như .380 ACP, .32 ACP và .22 LR khi thay nòng phù hợp. Tại Mỹ, P7K3 khá hiếm và có giá cao hơn so với tại châu Âu.

P7M10 với hộp tiếp đạn 10 viên

P7M10 được giới thiệu tại thị trường Mỹ vào năm 1991 dành cho cỡ đạn 10 x 22 mm Smith & Wesson với hộp tiếp đạn 10 viên. Cũng tại thị trường Mỹ, một biến thể khác có tên gọi P7M7 đã được tạo ra, tuy nhiên vẫn chỉ là mẫu thử nghiệm vì nó khá đắt và phức tạp.

Thời gian đã chứng minh P7 là một khẩu súng ngắn tuyệt vời, độ chính xác cao, dễ sử dụng, hoạt động ổn định, có thể nhanh chóng rút ra và sử dụng ngay lập tức và đặc biệt là hệ thống khóa an toàn độc đáo đã làm cho P7 trở thành một khẩu súng ngắn tin cậy bậc nhất thế giới.

P7 là một trong những khẩu súng ngắn đắt nhất tại Mỹ

Ngoài cảnh sát Đức, P7 và các biến thể đang phục trong quân đội và cảnh sát của nhiều quốc gia trên thế giới như đặc nhiệm SWAT của Hàn Quốc, các sở cảnh sát của Mỹ hay đặc nhiệm Pakistan. Tuy nhiên, P7 đã bị dừng sản xuất vào năm 2008 và đang dần được thay thế bởi những mẫu súng ngắn hiện đại hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại