Theo đó, J-26 có hình dáng khá giống phiên bản thu nhỏ của tiêm kích J-20, với thiết kế khí động học độc đáo, có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5.
Từ những thông tin trong ảnh, J-26 có phạm vi sử dụng rất rộng, không chỉ trang bị cho Hải quân mà còn được biên chế cho Không quân, thậm chí trở thành vũ khí tác chiến chủ lực trong tương lai của Thủy quân lục chiến Trung Quốc.
J-26 được phân loại là máy bay chiến đấu hạng trung 1 chỗ ngồi, 1 động cơ, 2 cánh đuôi đứng, sử dụng cánh mũi giống như J-20, vũ khí nằm hoàn toàn ở khoang chứa bên trong.
Xét về tổng thể, J-26 tương đối giống F-35B mà Mỹ đang thử nghiệm, nó có thể được xem là vũ khí tác chiến chủ yếu trong tương lai của tàu tấn công đổ bộ thuộc Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc đang tiến hành phát triển tàu sân bay nội địa, ngoài J-15, nước này cũng cần máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng có công năng mạnh để cấu thành lực lượng chiến đấu đa dạng cho hàng không mẫu hạm và tàu đổ bộ xung kích.
Liên quan đến sân bay trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại biển Đông, do kích thước hạn chế để đảm bảo hoạt động của chiến đấu cơ thông thường, nếu sở hữu tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng chắc chắn sẽ làm cho năng lực tác chiến trên biển của nước này được tăng cường đáng kể.
Nếu cục diện chiến trường yêu cầu, J-26 thậm chí còn có thể triển khai trên đảo không có sân bay, đặc điểm này khiến nó trở nên cực kỳ đáng sợ.
Hiện nay, máy bay chiến đấu cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng phù hợp với yêu cầu tác chiến tương lai mới chỉ có F-35B của Mỹ, những quốc gia có nhu cầu mua sắm không còn lựa chọn nào khác và phải chịu chi phí lên tới 120 triệu USD cho một chiếc F-35B.
Trong khi đó, giá tiền mua 10 máy bay F-35B tương đương với 1 tàu sân bay hạng nhẹ hoặc tàu tấn công đổ bộ, vì vậy J-26 của Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu nhờ lợi thế giá thành thấp.
J-26 được trang bị 1 pháo 23 mm nòng đôi cơ số 200 viên đạn, khoang vũ khí gắn được 4 giá treo tiêu chuẩn để mang 2 quả tên lửa không đối không tầm trung PL-12 và 4 quả bom dẫn đường LD-6, hoặc tên lửa không đối không tầm xa PL-21 mà Trung Quốc đang nghiên cứu.
Dưới cánh máy bay J-26 còn có 2 giá treo vũ khí, mang được 2 tên lửa không đối không PL-10. Trong các nhiệm vụ không đề cao tính năng tàng hình, nó còn trang bị 2 quả tên lửa chống hạm YJ.
Hệ thống vũ khí của J-26 đều là loại tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc, vì vậy không thể đánh giá thấp khả năng tác chiến tổng thể của nó.
Tuy rằng J-26 chỉ là một sản phẩm đồ họa nhưng nó có ý nghĩa thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc, đặc biệt là phát triển công nghệ cất hạ cánh thẳng đứng nhằm cạnh tranh với Mỹ.