"F-35 không hơn gì kẻ từng bại trận trước MiG-21 Việt Nam"

Hải Vy |

Sau thất bại ê chề của F-35 trước F-16, nhà báo David Axe đã ví von mẫu tiêm kích này với các chiến đấu cơ F-105 của Mỹ từng thất bại trước MiG-21 trong chiến tranh Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của nhà báo David Axe đăng trên trang mạng "War is Boring":

Tiêm kích thế hệ mới F-35 của quân đội Mỹ đã không đủ nhanh nhạy để đánh bại "máy bay bà già" F-16 trong trận không chiến giả định.

Điều này đã được minh chứng trong bản báo cáo của viên phi công thử nghiệm trực tiếp điều khiển F-35 trong trận đấu.

Vậy bằng cách nào F-35, tiêm kích chủ lực tương lai của Không quân Mỹ, có thể sống sót trong cuộc chiến với những đối thủ còn cơ động hơn đến từ Nga và Trung Quốc?

Hãy nhìn lại lịch sử để tìm câu trả lời.

Sự tương đồng khó tin

50 năm trước, Không quân Mỹ đã rơi vào tình cảnh tương tự.

Chiến đấu cơ chủ lực của Mỹ khi đó là F-105 Thunderchief, một mẫu máy bay tấn công hạng nặng, công nghệ cao, tương tự như F-35 ngày nay. Và nó cũng được kỳ vọng là có thể đánh bại các máy bay chiến đấu của đối phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, F-105 không khác gì F-35. Nó vòng tránh quá chậm chạp để có thể đánh bại được các tiêm kích MiG-21 do Nga chế tạo, trong khi đây lại là đối thủ chính của F-105 lúc bấy giờ.

Vì vậy, Không quân Mỹ đã phải dày công nghiên cứu những chiến thuật đặc biệt để F-105 có thể sống sót khi giao chiến.

Republic F-105D-30-RE (SN 62-4234) in flight with full bomb load 060901-F-1234S-013.jpg

F-35 (trên) được cho là có nhiều điểm tương đồng về cấu tạo và gặp phải những vấn đề tương tự như F-105.

F-35 và F-105 có nhiều điểm tương đồng tới mức khó tin. Trong một bài viết năm 2004, chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ Australia Carlo Kopp nhận định:

"F-105 và F-35 đều là máy bay chiến đấu tấn công cỡ lớn, 1 chỗ ngồi, 1 động cơ, trang bị loại động cơ hiện hành mạnh nhất, có khối lượng rỗng rơi vào khoảng hơn 12.000kg và sải cánh trên 10m.

Cả 2 đều có khoang vũ khí trong thân và nhiều mấu cứng bên ngoài thân để treo vũ khí cùng các thùng dầu phụ. Chúng ước tính có bán kính tác chiến vào khoảng 400 hải lý.

Hai máy bay đều không đạt tiêu chuẩn tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng hay khả năng cơ động cần thiết đối với các máy bay đánh chặn và máy bay chiếm ưu thế trên không vào thời kỳ hoạt động tương ứng của từng loại".

Khả năng tàng hình có giúp F-35 sống sót?

Theo Kopp, Không quân Mỹ trang bị 83 chiếc F-105 và đã thiệt hại không dưới 334 chiếc trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965-1970. Trong đó, các tiêm kích MiG của bộ đội Bắc Việt Nam đã bắn hạ 22 chiếc F-105.

Mặc dù F-105 cũng bắn hạ được ít nhất 27 chiếc MiG (tương đương với con số bị thiệt hại) nhưng Lầu Năm Góc không hài lòng với kết quả này.

F-105 bộc lộ nhiều điểm yếu khi đối đầu với MiG-21 Việt Nam.

F-105 bộc lộ nhiều điểm yếu khi đối đầu với MiG-21 Việt Nam.

Để cải thiện chiến thuật tác chiến, năm 1969, Không quân Mỹ đã tiến hành các trận không chiến giả định giữa F-105 và một chiếc MiG-21 cũ của Iraq, trong khuôn khổ một chương trình mang tên "Have Doughnut" của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ.

Viên phi công lái MiG-21 đã đào thoát sang Israel cùng chiếc máy bay và người Israel đã rất hào phóng cho Mỹ mượn chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ, cơ động này để nghiên cứu.

Song, cuộc thử nghiệm không diễn ra suôn sẻ với F-105. Nếu thời gian giao chiến kéo dài, khả năng chiến đấu của chiếc máy bay sẽ sụt giảm nghiêm trọng do mất năng lượng và suy yếu khả năng cơ động.

Nó được khuyến cáo nên tránh cận chiến kéo dài với MiG-21, thay vào đó nên dùng chiến thuật áp sát và tấn công nhanh từ phía sau.

Trong trận đấu giả định với F-16, phi công F-35 cũng đề cập tới vấn đề tương tự.

Tuy nhiên, trong khi F-105 có ưu thế về tốc độ bay thẳng đối với hầu hết các đối thủ thì F-35 ngày này còn chậm chạp hơn cả các máy bay chiến đấu của Sukhoi (Nga), Thẩm Dương và Thành Đô (Trung Quốc).

May thay, F-35 là máy bay "tàng hình" với những đặc điểm thiết kế giúp nó tránh bị các cảm biến tầm xa của đối phương phát hiện trong những tình huống nhất định.

Nếu F-35 muốn sống sót trong các cuộc chiến tương lai, người vận hành nó phải đưa ra được những chiến thuật có thể tận dụng lợi thế này.

Theo Kopp, "yếu tố quyết định đối với F-35 trong cuộc chiến sẽ là khả năng tàng hình có hạn của nó".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại