"Dù tàu ngầm mạnh, Trung Quốc vẫn khó lòng 'cầm trịch' ở Biển Đông"

Ngọc Linh |

Trang Sina (Trung Quốc) đưa ra nhận xét về tương quan lực lượng tàu ngầm giữa các quốc gia trên Biển Đông.

Sina cho biết, Trung Quốc đã phát triển tàu ngầm từ những năm 1950 và hiện đang sở hữu trên 60 tàu ngầm – đứng thứ ba trên thế giới về số lượng – trong đó có 4 lớp tàu ngầm hạt nhân và 7 lớp tàu ngầm thông thường.

Theo công bố, riêng Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc đã triển khai 16 tàu ngầm thông thường và 3 tàu ngầm hạt nhân – 3 tàu ngầm hạt nhân Type 094, 8 tàu ngầm thông thường Type 035, 4 chiếc Type 039 và 4 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo do Nga chế tạo.

Con số thực tế có thể còn cao hơn. Theo một số hình ảnh rò rỉ gần đây được chụp tại căn cứ Hải quân Trung Quốc, đã xuất hiện thêm một chiếc tàu ngầm khác – nhiều khả năng là Type 093 – bên cạnh ba tàu ngầm Type 094.

Theo báo cáo của Sina, Trung Quốc là nước duy nhất tại khu vực Biển Đông triển khai tàu ngầm hạt nhân.

Ngoài ra, tất cả các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2 – có tầm bắn lên tới 8.000 km và có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tàu ngầm thông thường của Trung Quốc phần lớn là mang tên lửa và ngư lôi. Theo Sina đây là lợi thế rõ rệt cho Hải quân nước này so với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được các nước quanh khu vực Biển Đông xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình.

Lý do - theo Sina, là bởi vì tàu ngầm mang tính “bí mật” và có độ nguy hiểm “chết người” nhờ khả năng sử dụng nước như một vỏ bọc và có thể liên tục nâng cấp lên vũ khí hiện đại nhất.

Ngoài ra, các nước đều cho rằng các đảo trên Biển Đông đều “dễ thủ, khó công”, do đó lực lượng tàu ngầm, dù chỉ với số lượng nhỏ, vẫn mang lại hiệu quả cao và được các nước ưa chuộng.

Tóm lại, mặc dù nắm vị thế số một trong khu vực hiện nay về số lượng tàu ngầm, Trung Quốc vẫn không thể tự do làm theo ý họ trên Biển Đông – báo cáo cho biết.

Khả năng chống ngầm của Hải quân Trung Quốc bị hạn chế. Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 10 trực thăng chống ngầm.

Tuy nhiên, trực thăng chống ngầm có phạm vi hoạt động hạn chế, nên Hải quân Trung Quốc khó có thể mở rộng phạm vi kiểm soát trong thời gian ngắn.

Với việc các nước láng giềng tiếp tục củng cố hạm đội tàu ngầm, khả năng Trung Quốc có thể áp đặt ý đồ của mình trong tranh chấp trên Biển Đông sẽ càng thêm khó khăn - Sina thừa nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại