Chuyên gia Nga: Việt Nam không dễ bị uy hiếp khi có tàu ngầm

PVD |

Chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin vừa có bài bình luận, nhận xét về sự kiện Việt Nam tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo thứ ba.

Tại cảng Cam Ranh (Việt Nam) Nga đã bàn giao tàu ngầm thứ ba trong số sáu chiếc thuộc đề án Varshavyanka (NATO gọi là Kilo) được Việt Nam đặt mua theo hợp đồng từ năm 2009.

Chiếc tàu mới có tên 184 Hải Phòng trong biên chế Quân chủng Hải quân Việt Nam. Trong khi hai tàu ngầm đầu tiên là tàu ngầm 182 Hà Nội và 183 TP. Hồ Chí Minh đã được Hải quân Việt Nam nhận vào biên chế hồi tháng 4/2014.

"Đối với Việt Nam, thành lập hạm đội tàu ngầm là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra từ lâu nay", - chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin nhận xét.

“Bất kỳ cường quốc hàng hải nào không sở hữu hạm đội, đặc biệt là các tàu ngầm, đều sẽ đặt nền an ninh quốc gia trước mối đe dọa nghiêm trọng, - ông Litovkin nói.

Hạm đội trên biển thường dễ bị theo dõi, trong khi đó một tàu ngầm lặn ở độ sâu 50 mét là gần như khó thể phát hiện bằng máy bay cũng như từ vũ trụ.”

Các tàu ngầm Nga đóng cho Việt Nam có khả năng lặn xuống độ sâu 300 mét, di chuyển ở độ sâu này với tốc độ đến 37 km/giờ.

Ưu điểm của tàu Kilo so với các tàu ngầm trên thế giới là độ ồn thấp, khó bị các phương tiện thủy âm phát hiện. Không ngẫu nhiên khi giới chuyên gia phương Tây đã gọi tàu Kilo là những "hố đen trong đại dương."

Thủy thủ đoàn Việt Nam có cơ hội làm quen với các tàu ngầm Hải Phòng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ khi tàu nằm tại nhà máy sản xuất ở St. Petersburg.

Các chiến sĩ hải quân Việt Nam còn được thực hành trên bờ và năm lần ra biển. Công tác huấn luyện tiếp tục triển khai ở Cam Ranh.

Tại đây, các chuyên gia Nga bố trí một trung tâm đào tạo với thiết bị và chương trình cho phép mô phỏng bất kỳ tình huống, những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra với tàu ngầm trong hành trình bơi làm nhiệm vụ, đặc biệt là trong thời gian dài.

Tàu ngầm Kilo dài 74 mét, rộng 10 mét cùng thủy thủ đoàn 52 người có khả năng bơi độc lập tới một tháng rưỡi.

“Khó đánh giá hết vai trò quan trọng của các tàu ngầm này đối với Việt Nam,” - chuyên gia quân sự Nga nói.

“Cùng với các tàu mới, Việt Nam có thể bảo vệ hiệu quả chủ quyền lãnh hải, vùng biển ven bờ, các giàn khoan dầu và hải đảo của mình.”

Trong những năm gần đây, ở Biển Đông đang gia tăng xu hướng tranh chấp các lãnh thổ thềm lục địa và vùng hải đảo hứa hẹn giàu hydrocarbon.

Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra trong khu vực, gần như tất cả các nước đều tăng cường tiềm lực hải quân.

Trong tình hình này, theo chuyên gia quân sự Victor Litovkin, sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm Việt Nam là yếu tố quan trọng để không ai dễ dàng uy hiếp vũ trang đối với đất nước.

Một hạm đội hải quân được coi là thực sự hùng mạnh chỉ khi sở hữu cả tàu nổi và tầu ngầm. Đặc biệt như các tàu do Nga xây dựng có trang bị ngư lôi, mìn và tổ hợp tên lửa Club tầm bắn lên đến 300km.

Việc hoàn thành hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm cho Việt Nam được Nga dự kiến vào năm 2016.

Như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận, dự án không chỉ mang tính thương mại mà còn là biểu hiện rõ nét của tình hữu nghị, sự tin cậy giữa Việt Nam và Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại