Nguồn tin từ trang mạng tin tức khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc cho hay, nhà máy đóng tàu Bath Iron trực thuộc công ty General Dynamics sẽ đảm nhận công việc này tại khu vực Vịnh Mexico.
Chủ nhiệm chương trình tàu khu trục lớp Arleigh Burke thuộc văn phòng quản lý điều hành dự án (PEO), ông Mark Vandroff cho biết lợi thế của những khu trục lớp này là sở hữu thiết kế có nền tảng ổn định, khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa cực mạnh. Sau khi hoàn thiện, khu trục hạm lớp Arleigh Burke mới sẽ có năng lực tác chiến vô cùng siêu việt, khả năng sinh tồn cao.
Được biết, Nhà máy đóng tàu Bath Iron đã được trao một hợp đồng trị giá 2,843 tỷ USD cho việc thiết kế và chế tạo 4 chiếc tàu khu trục lớp “Arleigh Burke”, với tiến độ mỗi năm 1 chiếc tính từ năm 2014 đến năm 2017.
Bốn chiếc tàu này nằm trong gói hợp đồng trị giá 6,2 tỷ USD mà Hải quân Mỹ đã trao cho các công ty đóng tàu General Dynamics và Huntington Ingalls hồi tháng 6-2013, để đóng mới 9 chiếc tàu khu trục lớp Arleigh Burke, bao gồm các tàu mang ký hiệu từ DDG-117 đến DDG-125.
Trong số đó, hai chiếc tàu đã được phân bổ ngân sách trong năm 2013 là tàu USS Paul Ignatius (DDG-117), sẽ được đóng tại nhà máy Ingalls, và tàu USS Daniel Inouye (DDG-118) được đóng mới vào năm 2014 tại nhà máy Bath Iron.
Những chiếc tàu lớp Arleigh Burke mới này, được thiết kế dựa trên phiên bản mới nhất Flight III, có sự bổ sung đáng kể về vũ khí và trang bị so với các tàu lớp Arleigh Burke trước đó.
Bao gồm, thay thế các radar AN/SPY-1D trên các tàu phiên bản Flight III hiện tại, bằng Radar phòng không và phòng thủ tên lửa (AMDR) mới, sẽ có khả năng lớn hơn trong vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Những chiếc tàu khu trục lớp mới này sẽ được trang bị toàn bộ hệ thống tác chiến Aegis phiên bản nâng cấp, giúp tàu có hỏa lực cực mạnh, tốc độ xử lý cực nhanh trong tác chiến phòng không cũng như nâng cao khả năng đối kháng điện tử.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế 62 chiếc tàu khu trục lớp Arleigh Burke (từ DDG-51 đến DDG-112). Đây là lớp tàu khu trục hiện đại nhất trong biên chế của Hải quân Mỹ.
Hầu hết các tàu thuộc lớp này đều được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, được tích hợp radar AN/SPY-1D(V) hiện đại nhất thế giới hiện nay và các tên lửa đánh chặn SM-2 hoặc SM-3, có thể phát hiện 300 mục tiêu và theo dõi 100 mục tiêu với tầm quét 320km, với tầm bắn trên 500km, độ cao đánh chặn đạt tới 160km.
Các tàu thuộc phiên bản Flight III có lượng giãn nước 11.000 tấn, chiều dài 155m, chiều rộng 20m. Tàu có thể mang theo 2 trực thăng chống ngầm MH-60R Seahawk, cùng 23 sĩ quan và 300 thủy thủ và lính hải quân.
Tàu được trang bị 4 động cơ tuabin khí General Electric LM2500-30, mỗi tuabin có công suất 27.000 mã lực (20.000 kW), giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/giờ với tầm hoạt động 8.100 km.
Những chuyên gia vũ khí độc lập trên thế giới đánh giá lớp tàu khu trục này mà Mỹ đang sở hữu là ưu việt toàn diện so với những lớp tàu khác của hải quân các nước trên thế giới.
Việc Mỹ tiếp tục bỏ nhiều tỷ USD cho việc đóng mới, nâng cấp hệ thống tàu khu trục của mình trong bối cảnh cắt giảm ngân sách quân sự cho thấy Washington thực sự quan tâm đến việc duy trì và phát huy sức mạnh hải quân,
Việc Washington chú trọng vào hải quân không phải không có lý do. Nước Mỹ đang theo đuổi chính sách chuyển trục châu Á - Thái Bình Dương, đối mặt với những đối thủ có tiềm năng kinh tế quân sự mạnh như Trung Quốc. Bên cạnh đó còn phải kể đến Nga - đối thủ truyền thống.
Nga hiện đang theo đuổi chương trình hiện đại hóa hải quân một cách mạnh mẽ. Gần đây nhất, Moscow đã khởi đóng tàu khu trục lớp Lijer (Đầu lĩnh) với 12 chiếc, 6 chiếc động cơ tua-bin thường và 6 chiếc động cơ hạt nhân. Đáng chú ý, Lijer được trang bị hệ thống phòng không S-500 phiên bản hải quân hiện đại nhất của Nga.
Lijer còn có khả năng tiêu diệt một lúc 10 mục tiêu tên lửa hành trình, vốn là thế mạnh của hải quân, không quân Mỹ. Trước quyết tâm và tiềm lực của Nga, và Trung Quốc, nước Mỹ dường như đang ngầm phát triển một cuộc chạy đua vũ trang về hải quân.