Đặc nhiệm Mỹ - 10 điều ít biết

Khắc Nam |

Đặc nhiệm Mỹ là đội quân tinh nhuệ, trực thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ, đã từng thực hiện nhiều phi vụ đình đám.

Đặc nhiệm Mỹ (Special Ops, viết tắt SOF), là đội quân tinh nhuệ, từng thực hiện nhiều phi vụ đình đám như tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hay kẻ cầm đầu nhóm Hồi giáo cực đoan IS Abu Sayyaf, cho đến các phi vụ giải cứu con tin hay cứu trợ nổi tiếng gần đây.

Theo CNN, Đặc nhiệm Mỹ là phân ban trực thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ (US Special Operations Command, hay SOCOM). Tổng hành dinh SOCOM đặt tại Mac Dill AGB, Tampa, bang Florida.

Biên chế của SOF bao gồm những chiến binh tinh nhuệ nhất, được tuyển chọn từ các lực lượng vũ trang của Mỹ, kể cả lực lượng Mũ nồi xanh hay Đặc nhiệm Hải quân SEAL.

Nhiệm vụ của SOF rất đa dạng, ngoài chức năng chống khủng bố, giải cứu con tin, SOF còn đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng khác như do thám, chống nổi loạn, viện trợ nhân đạo cùng hàng loạt các hoạt động đặc biệt không tên khác.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này, SOF đề cao tính hữu hình trong tuyển dụng nhân sự, như lòng dũng cảm, chính trực, khiêm tốn, tính sáng tạo, kiên định và khả năng xử lý tình huống thông minh...

Khi các ứng viên lần đầu đăng ký tham gia SOF, họ phải qua các vòng thẩm định thực lực dựa trên khả năng tiên phong, làm việc theo nhóm…, đây là những tiêu chí quan trọng làm nên thương hiệu SOF.

Tuy chưa phải là tất cả, nhưng để trở thành thành viên trong gia đình của SOF, các ứng viên phải thỏa mãn 10 tiêu chí dưới đây.

1. Nhân viên SOF thường có gia đình và có 2 con

Giống như những người bình thường khác, bình quân các chiến binh SOF không phải là những người còn trẻ, mới ra trường mà phần lớn đã lập gia đình và có tới 2 con.

Điều này không phải khôi hài mà nó phù hợp với tính chất công việc áp lực cao, có kinh nghiệm chứ không phải là tân binh “mới toanh”. Các thành viên SOF là những thanh niên có tuổi đời trung bình 29 đối với ngạch chiến sỹ và 34 đối với ngạch sỹ quan.

2. Nhân viên SOF phải có ít nhất 8 năm kinh nghiệm

Phần lớn, cuộc đời binh nghiệp của các thành viên SOF không phải là điểm khởi đầu ngay tại SOF, mà họ phải có ít nhất 8 năm kinh nghiệm đã từng tham gia trong các lực lượng khác của quân đội trước khi được tuyển chọn chính thức vào SOF.

3. Có khả năng mang balô nặng tới 45 kg

Tiêu chí đầu tiên của nhân viên SOF là phải có sức khỏe dẻo dai, đủ khỏe để mang ba lô, khí tài, quân nhu nặng tới 100 pounds (45 kg).

Chưa kể, những vật dụng vặt vãnh khác đựng trong túi quần túi áo như bút và giấy ghi chép, bản đồ, thiết bị đinh vị GPS, dao, lựu đạn và cả đèn pin. Tất cả những thứ này đều rất cần cho việc tác chiến cũng như trong trường hợp xấu nhất mà họ phải đối phó.

4. Đã tốt nghiệp cao đẳng hay đại học

Đặc biệt là đại học đặc nhiệm, chính xác hơn là Đại học đặc nhiệm hỗn hợp (Joint Special Operations University), có trụ sở tại Căn cứ không quân MacDill, bang Florida.

Trường này chuyên đào tạo lực lượng chính quy, dự bị và cả nhân viên dân sự cho quân đội, kể cả hải lục không quân lẫn lính thủy đánh bộ. Sinh viên theo học được miễn phí toàn bộ.

5. Giỏi ngoại ngữ ngoài tiếng Anh

Chiến binh lực lượng SOF không chỉ có sức khỏe, giỏi võ thuật, mà phải có có trí tuệ vượt trội. Họ thường đạt điểm số cao hơn mặt bằng bình quân trong kỳ thi tuyển bắt buộc vào quân đội Mỹ có tên Armed Services Vocational Aptitude Battery, nhiều người còn sở hữu bằng đại học.

Một khi đã gia nhập SOF, các thành viên tiếp tục được huấn luyện về văn hóa và ngôn ngữ, để giúp họ hiểu sâu về địa bàn hoạt động.

Ngoài thông thạo tiếng Anh, tất cả các thành viên của SOF sẽ học bất kỳ ngôn ngữ nào trong số 35 ngôn ngữ được dạy tại Trường tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ (U.S. Air Force Special Operations School).

6. SOF do Quốc hội Mỹ tạo ra

Đặc nhiệm Mỹ là con đẻ của Quốc hội Hoa Kỳ, được ra đời theo Đạo luật Tái cơ cấu Quốc phòng Goldwater-Nichols 1986 (GDRA) và Đạo luật Trao quyền Quốc phòng Sửa đổi Nuhn-Cohen 1987 (NANDA).

Việc ra đời SOF được khởi xướng ngay sau khi xuất hiện sự yếu kém về chỉ huy và cấu trúc của đội đặc nhiệm Mỹ dẫn tới thất bại trong chiến dịch mang tên Móng vuốt Đại bàng (Operation Eagle Claw) diễn ra hồi năm 1980.

Đây là chiến dịch do chính Tổng thống Mỹ Jimmy Carter lúc đó ra lệnh, nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng con tin tại Iran, bằng cách giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị bắt giữ ngay tại đại sứ quán ở Tehran.

7. Mọi thành viên SOF đều phải có kiến thức y khoa

Đặc nhiệm Mỹ thường được triển khai tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, nên rất hạn chế về hỗ trợ y tế. Do vậy, các thành viên SOF thường được đào tạo rất kỹ cách sơ cứu, cứu thương tương hỗ trong trường hợp bị thương trước khi được đưa đến bệnh viện.

Ngoài ra, các chiến binh SOF còn được trang bị các công nghệ mới nhất để giúp họ giải cứu cho chính mình và đồng đội một khi bị thương trên chiến trường.

Rất đa dạng như các bộ kid sơ cứu y tế SharkBite, Freeze Dried Plasma, đây là những trang thiết bị chuyên dụng, từng được phát triển để hỗ trợ cho lực lượng đặc nhiệm SOCOM.

8. Cung cấp hỗ trợ nhân đạo

Đặc nhiệm Mỹ sở hữu những kỹ năng và năng lực đặc biệt, thường có mặt tại các khu vực cần được giúp đỡ, đặc biệt là khủng hoảng nhân đạo.

Ví dụ, SOF đã từng cung cấp dịch vụ này sau khi xảy ra động đất tại Haiti, Nepal, thảm họa sóng thần tại Nhật hay lở tuyết ở Afghanistan bằng cách cung cấp hàng cứu trợ, cũng như các trợ giúp cần thiết khác.

9. Được rèn thể lực giống như VĐV thể thao

Các chiến binh SOF còn được đào tạo bài bản để tác chiến tay bo, cũng như những kỹ năng thiện xạ bậc cao (bắn tỉa). Họ là những người có sức khỏe thể lực nổi trội, và được đào tạo nhuần nhuyễn, đạt đẳng cấp vận động viên Olympic chuyên nghiệp.

Chưa hết các chiến binh SOF còn được dạy kỹ năng như lặn, định hướng trên bộ, và các thủ thuật xâm nhập trong vùng địch hậu.

Khác với các lực lượng khác, đặc nhiệm Mỹ vừa hoạt động lại vừa huấn luyện, mọi thứ diễn ra song song, liên tục, trong mọi điều kiện vô cùng khắc nghiệt không thể tưởng tượng nổi.

10. Được phép để râu tóc thoải mái

Do tính chất công việc và cũng là một quy định riêng, khác với các lực lượng quân đội khác. Các thành viên của SOF được phép để râu tóc dài nếu cần.

Điều này giúp SOF tác nghiệp mà không bị lộ, dễ hòa nhập với người bản địa, ví dụ như tại Afghanistan chẳng hạn, nơi đàn ông thường để râu tóc dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại