Ngành công nghiệp quốc phòng đình đám của Mỹ đã trải qua 3 kỷ nguyên phát triển và đang bước vào kỷ nguyên thứ 4: giai đoạn cần phải toàn cầu hóa.
Cuối năm 2013, Google thông báo đã mua lại Boston Dynamics, một công ty công nghệ và robot nổi tiếng với việc sáng chế ra BigDog - robot 4 chân có thể dẫn đường cho binh lính vào các khu vực nguy hiểm.
Với thương vụ này, người khổng lồ Internet của Mỹ có thể bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực chế tạo robot. Một tin tốt với Google, song lại đánh dấu một mất mát lớn đối với Bộ Quốc phòng Mỹ.
Mặc dù Google nhất trí thực hiện các thỏa thuận quốc phòng hiện có của Boston Dynamics, trong đó có các hợp đồng với Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, công ty này cũng chỉ rõ rằng có thể sẽ không tiếp tục theo đuổi mảng hợp tác quân sự.
Điều này cũng có nghĩa Bộ Quốc phòng Mỹ có thể mất lợi thế trong mảng công nghệ quân sự mới nổi của ngành robot tự động hóa.
Không ngạc nhiên rằng Google có tiền để mua Boston Dynamics vì gã khổng lồ này đầu tư rất mạnh vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với số vốn vượt xa tất cả các tập đoàn quốc phòng của Mỹ.
Giá trị thị trường của Google được định giá gần 400 tỷ USD, gấp đôi giá trị các tập đoàn quốc phòng General Dynamics, Northrop Grumman, Lockheed Martin và Raytheon gộp lại.
Và với 60 tỷ USD trong tay, Google có thể mua tất cả cổ phần của một trong các tập đoàn kể trên.
Google có thể không cần các hợp đồng quốc phòng, nhưng Lầu Năm Góc cần có thêm quan hệ và quan hệ tốt với những công ty như Google, vì chỉ khu vực tư nhân mới có thể cung cấp những công nghệ hàng đầu giúp đem tới cho binh lính Mỹ lợi thế đặc biệt trong suốt 70 năm qua.
Ngoài việc ve vãn các công ty thương mại, Lầu Năm Góc cũng cần thích nghi với một thị trường công nghiệp quốc phòng toàn cầu đang thay đổi khi mà những công nghệ quân sự then chốt không còn là lãnh địa riêng của các công ty Mỹ.
Chẳng hạn, dự án phát triển máy bay tiêm kích F-35 là một sản phẩm được xây dựng, cấp vốn và thử nghiệm bởi 9 quốc gia gồm: Australia, Canada, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.
Giống như việc Google mua lại Boston Dynamics, việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới trên vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Mỹ.
Nhưng Washington cần các đối tác thương mại quốc tế để chia sẻ gánh nặng của một chương trình phát triển vũ khí quy mô nhất trong lịch sử công nghiệp quốc phòng Mỹ này.
Tới nay, Lầu Năm Góc vẫn hoạt động bó hẹp giao dịch với một số các công ty truyền thống.
Theo một nghiên cứu năm 2012 của công ty tư vấn Booz&Company, hơn 1/3 chi tiêu của Lầu Năm Góc vào hoạt động mua bán và dịch vụ là với các đối tác không truyền thống như Apple và Dell.
Mặt khác, một mục tiêu dường như đã được Lầu Năm Góc và các tập đoàn quốc phòng ngầm thỏa thuận với nhau đó là ngăn không cho những gương mặt mới xâm nhập được vào thị trường béo bở này của Mỹ.
Nhưng nay, Lầu Năm Góc khó có thể duy trì được rào cản này, khi mà quân đội Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp mới để giữ vị trí đi đầu về công nghệ so với các đối thủ tiềm năng.
Cùng với đó, quá trình thương mại hóa và toàn cầu hóa, đi đôi với sự cắt giảm chi tiêu quân sự, đã đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ vào một thời kỳ mới.
Trong quá khứ, ngành công nghiệp này đã thích ứng rất tốt để thay đổi, điều từng giúp Mỹ duy trì được vị thế siêu cường quân sự.
Tuy nhiên, trong cơn gió của những chuyển đổi hiện nay, Lầu Năm Góc dường như đã bắt nhịp một cách chậm chạp.
Nhìn lại 3 giai đoạn phát triển
Trong lịch sử của mình, công nghiệp quốc phòng Mỹ đã trải qua 3 thời kỳ khác nhau.
Thời kỳ đầu tiên, từ năm 1787 tới 1941, lĩnh vực này bao gồm chủ yếu là các công ty vũ khí và xưởng đóng tàu do nhà nước sở hữu và giới công nghiệp thương mại chỉ xâm nhập được vào trong thời gian nổ ra xung đột, như trong Thế chiến 1.
Tuy vậy, quy mô rộng lớn và sự bùng nổ của các công nghệ chiến tranh mới đã đưa tới sự thay đổi chóng mặt cho ngành công nghiệp này.
Năm 1942, Tổng thống Franklin Roosevelt thành lập Ủy ban sản xuất cho Chiến tranh, một cơ quan liên bang có nhiệm vụ thu nạp các công ty công nghiệp lớn nhất Mỹ, đa số là trong ngành công nghiệp xe hơi, vào bộ máy chiến tranh.
Đến đầu thế kỷ 20, chi tiêu quốc phòng Mỹ chỉ khoảng 1% GDP và chỉ tăng lên 3% vào những năm 1930.
Tuy nhiên, trong giai đoạn Thế chiến 2, ngân sách quốc phòng đột ngột tăng vọt, lên tới 40% GDP và quốc phòng đã trở thành ngành công nghiệp lớn nhất của Mỹ.
Nhờ vậy, Mỹ đã vượt qua các đối thủ về quy mô, năng lực và sức mạnh quốc phòng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Washington không giải thể mà trái lại còn phát triển ngành công nghiệp này.
Các tập đoàn công nghiệp đã sản xuất trang thiết bị quân sự trong chiến tranh, như Boeing và General Motors, tiếp tục duy trì các phân nhánh quốc phòng của mình.
Các phân nhánh này, sau được AT&T, General Electric và IBM sáp nhập, đã chuyển giao công nghệ một cách linh hoạt giữa các thị trường (quốc phòng và dân sự), góp phần thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Được Lầu Năm Góc đứng sau hỗ trợ về tài chính, các công ty trên đã sáng chế ra nhiều công nghệ mới, từ các máy bay không người lái, tới thiết bị nhìn đêm và một số sản phẩm trong số đó đã được đưa vào phục vụ đời sống dân sự.
Ngày nay, các công nghệ như định vị toàn cầu (GPS) hay Internet là những sản phẩm nổi bật của các dự án được Lầu Năm Góc đầu tư.