Tháng 9/2014, Boeing đã trình làng Hệ thống laser năng lượng cao (HELMD), công suất 10 kilowatt được lắp trên một xe tải, có khả năng tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa.
Vào tháng 11, chỉ huy Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc John Miller xác nhận đã lắp đặt laser chiến đấu đầu tiên trên chiến hạm USS Ponce của hạm đội. Trung Quốc cũng công bố phát triển một hệ thống laser có thể bắn rơi những vật thể bay nhỏ.
Và mặc dù rất ít thông tin được tiết lộ, nhưng có vẻ như Nga cũng không hề kém cạnh đối với chương trình phát triển vũ khí laser.
Cho đến bây giờ, các loại đầu đạn tên lửa vẫn vượt trội hơn về sức công phá và tính năng so với các pháo laser. Tuy nhiên, vũ khí laser tỏ ra có lợi hơn về mặt kinh tế.
Nếu sử dụng tên lửa tấn công mục tiêu ở xa, hệ thống dẫn đường, bình nhiên liệu và các phụ kiện khác cần phải được lắp thêm hoặc nâng cấp, khiến cho giá thành để bắn mỗi tên lửa tăng lên.
Trong khi đó, chi phí bắn một tia laser chỉ bao gồm những chi phí cho các máy phát điện để hoạt động pháo.
Pháo 1K17 Szhatiye, đỉnh cao của trung tâm nghiên cứu Astrophysics, là loại pháo laser điển hình nhất của Nga.
Với suy nghĩ đó, Liên Xô khởi động chương trình công nghệ laser vào năm 1960 tại một trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất tối mật có tên “Astrophysics”.
Vào năm 1978, người được bổ nhiệm đứng đầu là nhà vật lý tài năng Nikolai Ustinov, con trai của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô thời đó là Dmitry Ustinov.
Thế nhưng, công nghệ thời đó không cho phép chế tạo một loại vũ khí laser di động đủ mạnh để tiêu diệt một mục tiêu.
Do đó, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc “ngụy trang” các loại xe tăng, pháo tự hành, trực thăng bay thấp bằng cách nhắm vào hệ thống phát hiện và định vị mục tiêu của các khí tài quân sự kia.
Một khi đã bị vô hiệu hóa, các xe bọc thép và máy bay sẽ trở thành những miếng mồi ngon cho quân bộ.
SLK 1K11 Stiletto là một trong những loại pháo laser như vậy, sử dụng rađa để phát hiện mục tiêu, quét bằng laser phát hiện bất kỳ những phản chiếu qua ống kính của mục tiêu và tiêu diệt bằng một tia laser cực mạnh.
Hệ thống được lắp đặt với một nguồn điện di động và được gắn trên khung của một xe đặt mìn bánh xích.
Stiletto được đưa vào sử dụng trong quân đội dưới dạng này vào năm 1982, nhưng vẫn chỉ được xếp loại thử nghiệm. Mặc dù chỉ có 2 pháo laser được sản xuất, nó vẫn chính thức thuộc quyền điều động của quân đội Nga.
Một năm sau khi Stiletto được đưa vào hoạt động quân đội, phòng thí nghiệm Astrophysics bắt đầu nghiên cứu chế tạo một thiết bị được sử dụng như một pháo phòng không, một hệ thống pháo laser có thể sánh ngang với pháo phòng không Shilka .
Pháo laser Sanguine, được cho là ngang bằng với pháo phòng không Shilka nếu hoàn thiện.
Không giống như Stiletto, Sanguine là một biến thể hiện đại, loại bỏ những chiếc gương nặng nề và có thể bắn theo phương thẳng đứng.
Một khẩu pháo laser đặt trên xe bánh xích (giống như Shilka) có thể vô hiệu hóa hệ thống quang học của máy bay trực thăng ở tầm xa 9,5km và tiêu diệt hoàn toàn ở khoảng cách 8km.
Thế nhưng, đỉnh cao của công trình nghiên cứu công nghệ laser là hệ thống 1K17 Szhatiye, được đưa vào hoạt động vào năm 1992.
Với hình dáng có phần giống hệ thống tên lửa bắn hàng loạt Buratinos, 12 nòng pháo của Szhatiye không chứa rocket mà là các tia laser đa tuyến. Mỗi nòng pháo có các mức tần số khác nhau và có hệ thống định vị mục tiêu bên trong.
Pháo laser sẽ bắn đi một chùm tia laser có ánh sáng dạ quang tương tự như hệ thống phá bom laser ZEUS của Mỹ. Do cần đến một bộ phát điện công suất lớn, Szhatiye được lắp đặt trên khung của pháo tự hành Msta-S.
Hệ thống đến nay vẫn được giữ bí mật và hiện không có tài liệu mở nào về những đặc tính như tầm xa, tốc độ bắn hoặc số mục tiêu có thể tiêu diệt cùng một lúc.
Tầm xa của pháo có lẽ không thấp hơn Sanguine, tức là gấp đôi tầm xa của một xe tăng hiện đại. Tuy nhiên, mặc dù trên giấy trông rất ấn tượng, pháo laser có một nhược điểm lớn: nó cần phải có đường bắn thoáng mới có thể bắn trúng mục tiêu.
Ngay cả khi bắn ở tầm rất gần, vấn đề địa hình vẫn ảnh hưởng đến hiệu quả của pháo, khiến nó không phát huy được khả năng của mình.
Nhưng những hoạt động về công nghệ laser của Mỹ và Trung Quốc với những ứng dụng laser trong việc đánh chặn tên lửa định hướng, trực thăng và máy bay không người lái đã trở thành động cơ để các nhà khoa học Nga tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
KDHR-1H Dal, hệ thống laser duy nhất vẫn được sử dụng trong quân đội Nga.
Sự kiện Liên Xô tan rã đã chặn đứng rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Nga trong nhiều năm. Nhiều vũ khí trở thành mẫu vật trưng bày, bao gồm những thiết bị được chế tạo bởi Astrophysics, và một số mẫu vật đã bất ngờ xuất hiện.
Trong khi pháo Stiletto đầu tiên có lẽ đã được đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn, gần đây người ta đã phát hiện chiếc Stiletto thứ hai không có hệ thống định vị mục tiêu ở một nhà máy tại thành phố Kharkov vào năm 2010.
Số phận của Sanguine đến nay vẫn chưa rõ, nhưng ít nhất một xe Szhatiye đã ra mắt công chúng, giờ đây được trưng bày tại một bảo tàng tại Ivanovskoye gần Moscow.
Tuy nhiên, một sản phẩm của Astrophysics đã được đưa vào hoạt động trong quân đội. Hệ thống phát hiện và theo dõi chất hóa học KDHR-1H Dal sử dụng một rađa laser để xác định nguồn phời nhiễm chất hóa học, quét một khu vực rộng 45m2 trong 60 giây.
Sau khi phát hiện khí độc, Dal tính tọa độ và kích thước của nơi có độc. Thời gian hoạt động tối đa mà không cần tiếp nhiên liệu là 130 giờ, và 3 giờ nếu xe di chuyển quãng đường 500km.
Là một hệ thống độc nhất vô nhị khi được trình làng lần đầu vào năm 1988, Dal đến nay vẫn còn được quân đội Nga sử dụng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.