Cơ hội cho VN trong sứ mệnh chiếc mũ nồi xanh

Chung Hoàng |

Năm 2014 đánh dấu việc VN lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế với hai sĩ quan - hai "người lính Cụ Hồ" - gia nhập phái bộ LHQ tại một điểm nóng ở châu Phi, cùng những đóng góp cụ thể đã được lên kế hoạch.

VietNamNet trao đổi với ông Nick Birnback, phát ngôn viên Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ (UN Peacekeeping) để hiểu thêm ý nghĩa của bước tiến này.

- Đóng góp đầu tiên của VN vào Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ có phải còn khiêm tốn không? Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của VN cho nhiệm vụ này? 

Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của VN vào Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Năm ngoái, VN đã đóng góp hai quan sát viên quân sự cho phái bộ LHQ ở Nam Sudan, nơi lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi đang đóng vai trò cứu trợ cấp thiết với việc bảo vệ hàng vạn dân thường đang phải trốn chạy khỏi bạo lực và tìm cách tị nạn ở các trại do chúng tôi quản lý trên khắp đất nước này.

LHQ, gìn giữ hòa bình, quân đội
Hai sĩ quan đầu tiên của VN vinh dự đội chiếc mũ xanh của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Ảnh: Linh Thư

Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ dựa trên nguyên tắc hợp tác phục vụ cho hòa bình để đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Những nguy cơ mất an ninh ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể ảnh hưởng đến những lợi ích chung và do đó phải có sự chung tay giải quyết.

Đối với những quốc gia mới tham gia góp quân, những đóng góp về mặt quân sự cho LHQ phải mang tính tiến bộ.

Như vậy, việc VN đóng góp các cá nhân sĩ quan là cách tuyệt vời để học tập kinh nghiệm trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và nên được coi là bước khởi đầu cho những đóng góp sâu rộng hơn sau này. 

Tại buổi lễ khai trương Trung tâm gìn giữ hòa bình VN ở Hà Nội năm ngoái, Phó Tổng thư ký LHQ, bà Ameerah Haq, đã nhận định rằng sự tham gia của VN không chỉ đảm bảo VN sẽ có tiếng nói trong việc hóa giải các cuộc xung đột, mà VN còn có thể đem kinh nghiệm mà mình có từ các sáng kiến hòa bình đã thực hiện ở tầm khu vực để phục vụ cho cộng đồng quốc tế.

- VN nên đóng góp những gì cho Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, hay Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ kỳ vọng gì ở VN để sự tham gia của VN có ý nghĩa và hiệu quả hơn?

Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hỗ trợ các quốc gia tìm đường thoát khỏi xung đột để xây dựng hòa bình, đồng thời góp phần gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực đó.

Hơn 130 nghìn quân lính, cảnh sát và cán bộ dân sự đang được triển khai đến 16 phái bộ trên khắp thế giới. 

Nhưng bất chấp con số đó, hiện nay thế giới đang cần lực lượng gìn giữ hòa bình đến những địa bàn ngày càng xa xôi và gian khổ hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử: từ bảo vệ dân thường, đến cải cách lực lượng an ninh và giải giáp vũ khí, từ hỗ trợ bầu cử đến xây dựng hòa bình và ổn định...

Mỗi quốc gia cần cân nhắc mình có thể góp gì cho nỗ lực gìn giữ hòa bình.

Với một số nước, họ đã góp nhân sự quân đội và cảnh sát, một số nước khác là các chuyên gia đặc biệt, trang thiết bị hiếm có hoặc các nguồn lực tài chính.

LHQ, gìn giữ hòa bình, quân đội

Nhân viên mũ xanh của LHQ có mặt ở những địa bàn khắc nghiệt nhất. Ảnh: UN Peacekeeping

Việc VN thành lập trung tâm gìn giữ hòa bình, đưa hai cán bộ và dự định triển khai một bệnh viện dã chiến cấp II và một đại đội công binh đến phái bộ Nam Sudan, đã cho thấy quyết tâm của VN tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Thành lập được những đơn vị như các bệnh viện cấp II có thể là tương đối nhỏ về quy mô nhưng lại vô cùng giá trị đối với hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là khi có thể triển khai những bệnh viện này khi cần thiết trong thời gian ngắn.

- Vậy VN và quân đội của mình có lợi gì khi tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LQH?

Đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình là góp phần thúc đẩy hòa bình thế giới. Ở khía cạnh chính trị, VN sẽ được nhìn nhận và đánh giá cao trong cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, nhân sự quân đội của VN sẽ có được những kinh nghiệm vô giá khi tương tác với thế giới bên ngoài cũng như với các đơn vị quân đội từ hơn 120 quốc gia tham gia góp quân trên toàn thế giới.

Khi mà Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ngày càng gánh vác nhiều trọng trách ở những khu vực bất ổn trên toàn thế giới, lực lượng cũng cần thêm nguồn lực - nhân sự quân đội và cảnh sát, chuyên gia, trang thiết bị và nguồn lực tài chính - để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Đó là lý do vào tháng 3 tới đây, LHQ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các tham mưu trưởng quân đội tại New York, nơi hơn 120 nước, trong đó có VN, được mời tham dự và cam kết mạnh mẽ hơn sự ủng hộ đối với Lực lượng gìn giữ hòa bình, cũng như khẳng định quyết tâm chung tay bảo vệ hòa bình và an ninh trên thế giới.

Theo UN Peacekeeping, tính đến ngày 31/12/2014, trên thực địa có khoảng hơn 120 nghìn nhân sự tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, gồm quân đội, cảnh sát, nhân viên dân sự và tình nguyện viên, do 128 quốc gia đóng góp.

LHQ không có quân đội riêng mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự đóng góp của các quốc gia thành viên.

Bên cạnh việc duy trì hòa bình và an ninh, lực lượng này còn đảm nhận các nhiệm vụ hỗ trợ các quá trình chính trị, cải cách tư pháp, đào tạo thực thi pháp luật, giải trừ quân bị, tái hòa nhập cho các cựu quân nhân, giúp dân thường và người tị nạn trở về nơi ở cũ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại