Tạp chí National Defense cho hay, một nghiên cứu mới đây của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA/Mỹ) đã nhận định rằng lực lượng chiến đấu của Không quân Mỹ hiện được trang bị quá nghèo nàn để đối phó với một đối phương có sức mạnh về công nghệ. Sẽ mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ nữa, Lầu Năm Góc mới có thể triển khai nhiều loại vũ khí tiên tiến hơn.
Theo Trung tướng Không quân đã nghỉ hưu David Deptula và nhà phân tích của CSBA Mark Gunzinger - 2 tác giả của nghiên cứu này, lực lượng không quân Mỹ hiện không đáp ứng được những thách thức của môi trường tác chiến thế kỉ 21 và Lầu Năm Góc chỉ có thể tự trách mình.
“Thế kỉ 21 đã trôi qua được 14 năm, quân đội Mỹ vẫn đầu tư vào những máy bay chiến đấu đã có trước hoặc từ thời chính quyền Reagan” - Gunzinger phát biểu tại một diễn đàn của Hiệp hội Không quân Mỹ ở Arlington, Virginia. Lực lượng chiến đấu của Không quân Mỹ về cơ bản bao gồm các máy bay đã cũ như A-10, F-15, F-16, B-1, B-52, B-2 và một số máy bay F-22 mới.
“Nhìn chung, lực lượng chiến đấu của Không quân hiện là nhỏ và cũ kĩ nhất từ trước tới nay” - Gunzinger nói.
Máy bay chiến đấu F-16
Theo các tác giả của nghiên cứu, những quyết định ngân sách thiếu sáng suốt của Lầu Năm Góc đã làm suy yếu phi đội tác chiến của không quân. Không quân Mỹ hiện chỉ có một số lượng nhỏ các loại vũ khí hàng không tiên tiến nhất là máy bay ném bom B-2 và tiêm kích F-22, trong khi đó, thế hệ kế tiếp của những hệ thống mới hiện vẫn còn xa vời. Năm 2000, Lầu Năm Góc đã dừng sản xuất máy bay ném bom B2 với vẻn vẹn 20 chiếc, và tới năm 2010 họ đã ngừng chế tạo F-22 với tổng số 187 chiếc. Giới chức Mỹ cho rằng những máy bay này quá tốn kém và sẽ sớm được thay thế với những giải pháp khả thi hơn về chi phí.
Theo Deptula,hiển nhiên điều này sẽ tiết kiệm chi phí, tuy nhiên quân đội Mỹ đang phải trả một giá quá đắt cho những quyết định trên, bởi những hệ thống mới còn đắt đỏ hơn nhiều và còn tốn nhiều thời gian mới sẵn sàng hoạt động. Deptula cho hay: “Không quân Mỹ đang mua những máy bay mới nhưng chủ yếu là máy bay vận tải hoặc máy bay trinh sát không người lái. Mỹ hiện có hơn 11.000 máy bay không người lái, trong khi đó hầu hết lại không được trang bị đủ tốt để có thể sống sót trước các hệ thống phòng không của đối phương”.
Mặc dù chưa có lực lượng không quân nào của đối phương có thể thách thức Mỹ nhưng CSBA dự đoán rằng đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi quân đội Mỹ bị đặt vào cuộc thử nghiệm mới.
Nguy cơ mà công nghệ của đối phương mang lại đều có thể xảy ra đối với lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến của Mỹ. Quân đoàn Thủy quân lục chiến tiếp tục phải phụ thuộc vào máy bay cất trên đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng AV-8B và máy bay tấn công mặt đất được thiết kế từ những năm 1970. Giải pháp thay thế là F-35B vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Gunzinger nhận định: “Lực lượng máy bay chiến đấu cánh cố định của Hải quân hiện tuy không già cỗi như Không quân bởi họ mới hoàn thành chương trình tiêm kích F/A-18. Mặc dù vậy, F/A-18 không phải là tiêm kích tàng hình, chưa chắc đã có ai liều lĩnh triển khai các tàu sân bay trong phạm vi tấn công của các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chống hạm của đối phương để các tiêm kích có tầm hoạt động ngắn có thể tấn công các khu vực mục tiêu".
Tiêm kích F-22
Theo CSBA, ngoại trừ F-22 và B-2, các tiêm kích và máy bay ném bom khác của Lầu Năm Góc đã "mất khả năng hoạt động trong những khu vực có mối đe dọa cao mà không phải đối mặt với nguy cơ tổn thất đáng kể hoặc cần tới những lực lượng chi viện rất lớn để khắc chế hệ thống phòng không của đối phương”.
Nghiên cứu của CSBA cho rằng: “Những trọng tâm hiện tại của Mỹ vào các hoạt động tác chiến chống nổi dậy đã mang lại cho Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và những đối thủ cạnh tranh khác khoảng trống để phát triển những khả năng chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) của mình, đe dọa sự tiếp cận của Mỹ đối với những khu vực lợi ích then chốt”. Việc phổ biến các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, vũ khí chống vệ tinh, chiến tranh mạng, hệ thống phòng không tích hợp, và những mối đe dọa phi đối xứng khác nhắm tới việc làm suy giảm năng lực của quân đội Mỹ trong việc can thiệp vào các tình huống khủng hoảng.
Theo Deptula, để vượt qua những công nghệ của đối phương, quân đội Mỹ cần nhiều hơn là những hệ thống vũ khí mới. Họ cần những hệ thống vũ khí hoạt động như một mạng lưới, nơi mà thông tin được chia sẻ xuyên suốt tất cả các quân binh chủng.
Deptula cho rằng Lầu Năm Góc cần sự hỗ trợ của Quốc hội. Các nhà lãnh đạo Không quân Mỹ đã tranh luận rằng trong những thời điểm ngân sách cắt giảm, họ không thể tiếp tục ném tiền vào những máy bay cũ kĩ mà cần định hướng lại ngân sách vào những hệ thống mới, ví dụ như F-35, 1 máy bay tiếp dầu và 1 máy bay ném bom tầm xa. Trong khi kế hoạch trên là có lý về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế nó lại gặp phải bài toán chính trị. Các nhà lập pháp đã chất vấn các quan chức Không quân Mỹ về đề xuất cho nghỉ hưu toàn bộ lực lượng tiêm kích A-10, 26 chiếc C-130 cũ, và toàn bộ phi đội máy bay trinh sát U-2.
Nghiên cứu của CSBA chỉ ra rằng rào cản ngân sách là nguyên nhân khiến quân đội Mỹ phải vật lộn với những công nghệ cũ, và tiếp tục góp phần vào sự mai một của các cơ sở sản xuất của Mỹ. “50 năm trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trong quá trình chế tạo 6 loại tiêm kích, 3 loại máy bay ném bom và 2 loại máy bay tác chiến chống ngầm. Nhưng hiện nay chỉ có một loại tiêm kích mới của Mỹ đang được sản xuất là F-35 và 3 loại khác hiện sắp ngừng sản xuất. Ngoại trừ một máy bay ném bom tầm xa, máy bay tuần thám P-8 của Hải quân và có thể là một máy bay chiến đấu không người lái hoạt động trên tàu sân bay, thì hiện trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ không có chương trình chế tạo một máy bay chiến đấu nào khác”.
Kiểu hạ cánh lạ đời của U-2 Dragon Lady (Nguồn video: Aviationist)