Sau tuyên ngôn độc lập chưa đầy ba tháng, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Nhân tài và kiến quốc”. Người Viết:
“Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công, kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau chóng thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài.
Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Chúng ta cần nhất bây giờ là:
Kiến thiết ngoại giao.
Kiến thiết kinh tế.
Kiến thiết quân sự.
Kiến thiết giáo dục.
Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì mời gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay (1) .
Tháng 11 năm 1946, vừa từ nước Pháp trở về, Người cho đăng trên báo Cứu quốc bài “Tìm người tài đức”, với một tinh thần thực sự cầu thị: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” (2) .
Trong hai bài viết đầu tiên, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với quốc gia, nhất là với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời cũng chính Người đã nêu lên quan điểm phải:
Khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Nhà nước phải biết “trọng dụng những kẻ hiền năng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Anh hùng và các chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (2/1/1967).
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân tài phải là người tài đức.
Xưa, các cụ ta khẳng định: Hiền tài là nguyên khí Quốc gia.
Trong hai bài viết đầu tiên của Hồ Chí Minh về nhân tài, Người dùng chữ “tìm người tài đức” hoặc “trọng dụng những kẻ hiền năng”.
Trong các bài nói và viết về sau, Người càng nói rõ hơn: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang” (3).
So sánh giữa tài và đức, Người nói có tài mà không có đức thì khó thành công, có đức mà không có tài thì không làm lợi cho nước, cho dân.
Người khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (4) .
Đối với cán bộ quân đội, Hồ Chí Minh dạy rằng, đạo làm tướng là phải “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung”. Trí - Dũng là tài năng, còn Nhân - Tín - Liêm - Trung là đạo đức.
Người khen quân đội ta “Trung với nước - hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong quân đội Quốc gia đầu tiên của nước ta (5). Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài, nhưng đức là gốc!
Tuy nhiên, Người cho rằng thực hành đạo đức quan trọng hơn là rao giảng các nguyên lý đạo đức.
Vì vậy Người đã nêu một tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời, thu phục được lương tri, lòng ngưỡng mộ của nhân loại tiến bộ, được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa kiệt xuất, được 130 nước trên thế giới tự nguyện làm lễ tưởng niệm.
Trong những năm gần đây, sự xuống cấp của đạo đức xã hội và đạo đức gia đình đang là vấn đề mà cả xã hội phải lo lắng.
Quốc nạn tham nhũng ở một bộ phận cán bộ cao cấp (có tài nhưng không có đức) đang trở thành một trong bốn nguy cơ của sự an nguy của chế độ mà Đảng ta đã chỉ ra, càng làm sáng tỏ quan điểm mà Hồ Chí Minh về nhân tài phải là người tài đức trở thành chân lý vĩnh cửu.
Người cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (6) .
2. Về Hồ Chí Minh với việc phát hiện, thu phục và trọng dụng nhân tài.
Về việc phát hiện nhân tài, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, người đứng đầu Quốc gia yêu cầu các địa phương phải “lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Như vậy là toàn dân, cả nước đều tham gia vào việc phát hiện nhân tài. Mặt khác, Người lại động viên “ai có tài năng và sáng kiến” về các công việc “ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục thì mời gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ”, và hứa hẹn rằng:
“Sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay.” Điều này thể hiện tính dân chủ rộng rãi trong việc phát hiện tài năng để có thể thu phục được nhân tài.
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là một tấm gương sáng trong việc phát hiện và thu phục tài năng.
Những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cách bộ cho Cách mạng.
Cuối tháng 8 năm 1923, từ nước Pháp Người đến Liên Xô, trong thời gian hoạt động ở đây, Nguyễn Ái Quốc “đã nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề về hệ thống giáo dục ở Liên Xô… và tìm khả năng cử người Việt Nam sang Mascơva học tập” (7).
Từ năm 1925 đến năng 1938 “số lượng sinh viên Việt nam học tập trong ba trường cao đẳng Cộng sản khoảng 60 người. Đa số họ theo học trong trường Đại học tổng hợp Cộng sản.”
Nhiều người đã trở thành nhân tài của đất nước như Nguyễn Thế Rục (Phôn Sơn), Ngô Đức Từ (Lê Man), Lê Hồng Phong (Litvinôp), Nguyễn Khánh Toàn (Minim), Trần Văn Giàu (Hồ Nam)…
Tại Quảng Châu Trung Quốc, từ đầu năm 1925 đến tháng 9 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở trường huấn luyện chính trị sau 10 khóa học đã đào tạo được hơn 200 cán bộ.
Người đã lựa chọn một số người tài năng cử đi học trường quân sự Hoàng Phố và trường Đại học Phương Đông, đặc biệt là “Lê Hồng Phong được Người cử đi học Học viện không quân ở Liên Xô” (8) .
Có tài liệu viết rằng, Lê Hồng Phong sau đã trở thành trung tá phi công của Liên Xô.
Năm 1940, Người chọn Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đi học ở Diên An.
Năm 1941, Ngừơi chọn Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Hoàng Minh Thảo,… đi học trường quân sự Hoàng Phố.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ hai từ phải sang) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn thảo chiến dịch tác chiến đánh địch. Ảnh: AFP.
Từ tháng 5-9/1946, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, thượng khách của nước Pháp, Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới hiểu được cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Cũng trong thời gian này, Người đã thu phục được nhân tâm của nhiều người trước đây chưa hiểu về Việt Nam.
Khi về nước Người đã mời một số trí thức Việt Nam có tài sẵn sàng rời bỏ cuộc sống vàng son ở nước ngoài, để về nước tham gia kháng chiến, trong đó có các ông: Kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh…
Uy tín lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ lâu đã lưu truyền trong dân gian. Khi Người về nước, các nhân sĩ, trí thức, những người có tài năng đều quy tụ dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Người.
Những người có uy tín trong các tôn giáo như Thượng tọa Thích Mật Thế, Chưởng quân Cao Triều Phát, Linh mục Phạm Bá Trực cũng được Người trọng dụng trở thành các đại biểu Quốc hội của Việt Nam.
Quan lại cấp cao của triều đình Huế như các cụ Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe,… cũng được Người thu phục và trọng dụng.
Tướng Nguyễn Sơn - từng tham gia cuộc Vạn lý trường thành trong quân giải phóng Trung Quốc, Nguyễn Bình là người trước từng là cán bộ của Quốc dân đảng cũng được Hồ Chí Minh trọng dụng và là 2 trong số 11 vị tướng được phong đầu tiên.
Tất cả những người được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lựa chọn đi học các trường ở Liên Xô, ở Trung Quốc, đưa từ Pháp về, hoặc là được lựa chọn và thu phục trong nước đều được Người “Khéo phân phối, khéo dùng”.
Thực chất là Người đã trọng dụng, dùng người đúng việc, hợp tài năng, nên phần lớn họ được phát triển tài năng, trở thành nhân tài thực sự của quốc gia có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Hồ Chí Minh không chỉ “khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng” nhân tài mà Người còn coi trọng công tác bồi dưỡng nhân tài.
Người từng nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, phong trào “Người tốt, việc tốt” cũng là một vườn ươm các tài năng và nhân tài.
Từ năm 1955 đến năm 1964, sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Người cùng với Chính phủ đã cử hơn 4.000 cán bộ đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa khác.
Chính vì vậy mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có nhiều nhân tài chỉ huy thao lược và những cán bộ khoa học, kỹ thuật sử dụng giỏi những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại đánh thắng một đội quân mạnh, được trang thiết bị hiện đại nhất.
Quân đội ta ngày nay đã lớn mạnh gấp nhiều lần, tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ngay sau chiến tranh chống Mỹ, ta đã có một đội ngũ các nhà khoa học đáp ứng bước đầu với công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài, những học trò của người đã tổng kết: “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ” (9) .
Trong báo cáo chính trị của đại hội XII đã khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (10) .
…“Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp.
Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với trá trị lao động sáng tạo của mình.
Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học” (11) .
Nếu làm được như vậy là chúng ta đã thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát hiện và trọng dụng nhân tài.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 4, tr.99.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 4, tr.451.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Sự thật, 1989, tập 8, tr.236.
(4) Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự thật, 1960, tập 1, tr.302.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.661.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tập 12, tr.557-558.
(7) Xem Asôcôlôp trong bài Đào tạo những cán bộ cách mạng Việt Nam trên đất Xô Viết. Nhân dân hàng tháng số 16, tháng 8/1998.
(8) Xem Asôcôlôp trong bài Đào tạo những cán bộ cách mạng Việt Nam trên đất Xô Viết. Nhân dân hàng tháng số 16, tháng 8/1998.
(9) Xem Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ VI của Đảng - 1986.
(10) Xem Báo cáo chính trị Đại hội XII - 2015.
(11) Xem Báo cáo chính trị Đại hội XII - 2015.