Chiến tranh VN: Định mệnh bất ngờ của chiếc xe tăng nổi tiếng

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Vì xe tăng 386 của đại đội trưởng Thận bị hỏng, nên xe 843 được điều đến thay thế. Có lẽ định mệnh đã nhường quyền làm nên lịch sử của xe 386 lại cho xe 843.

T-54/55 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực làm nên xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Đến nay, tuy đã trải qua hơn 50 năm chinh chiến song T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam.

Xe tăng T-54/55 được sản xuất và đưa vào trang bị trong lực lượng quân đội Liên Xô từ năm 1950. Ở thời điểm đó, T-54/55 là một trong những xe tăng đình đám nhất thế giới, nó là dòng xe tăng được sản xuất với số lượng nhiều nhất và tham gia vào nhiều cuộc xung đột vũ trang nhất.

Điểm mạnh của T-54/55 là dựa vào khả năng cơ động cùng pháo có tốc độ bắn cao để công kích mục tiêu, nó được thiết kế để chống lại các phương tiện bọc giáp nhẹ đến trung bình. T-54/55 tham chiến tại chiến trường Việt Nam từ năm 1968, sự có mặt của xe tăng T-54/55 đã đưa sức mạnh quân đội Việt Nam lên một tầm cao mới là nắm đấm mạnh nhất của lục quân.

Xe tăng T-54/55 đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế và vô hiệu hóa sức mạnh của lực lượng tăng thiết giáp Quân lực Việt Nam cộng hòa (QLVNCH). Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng T-54/55 là lực lượng đầu tiên tiến vào sào huyệt của chế độ ngụy quân-ngụy quyền. Chính chiếc xe tăng T-54B số hiệu 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận đại đội 4(C4), tiểu đoàn 1(D1), lữ đoàn 203(Lữ 203) húc đổ cánh cổng bên trái Dinh Độc Lập.

Ngày nay xe tăng T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam.
Ngày nay xe tăng T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam.

Sau đó đích thân ông đã cắm lá cờ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập đặt dấu chấm hết cho chế độ ngụy quân-ngụy quyền, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Định mệnh từ chiếc xe tăng hỏng

Khi mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, C4/D1/Lữ 203, quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh vào Dinh Độc Lập và cắm cờ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 24/04/1975 khi hành quân đến khu vực Rừng Lá, Phan Thiết, C4/D1/Lữ 203 được lệnh di chuyển tấn công xuống Bà Rịa-Vũng Tàu hình thành mũi tiến công từ phía Đông vào nội đô Sài Gòn. Tuy nhiên, trong lúc kiểm tra kỹ thuật trước giờ xuất phát thì phát hiện xe tăng số hiệu 386 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng.

Bộ ly hợp chuyển hướng của xe 386 bị hỏng, mặc dù ê kíp kỹ thuật đã cố gắng khắc phục nhưng không sửa chữa được. Sau đó lữ đoàn đã quyết định điều xe tăng T-54B số hiệu 843 thuộc C5/D2 về thay thế cho xe 386 của đại đội trưởng Thận. Có lẽ định mệnh đã nhường quyền làm nên lịch sử của xe 386 lại cho xe 843.

Xe tăng T-54B 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận húc đổ cổng Dinh Độc Lập đang được trưng  bày tại Bảo tàng tăng thiết giáp Việt Nam.

Xe tăng T-54B 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận húc đổ cổng Dinh Độc Lập đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Xe 843 dẫn đầu đội hình xe tăng 6 chiếc của C4 cùng 3 xe của C5 mới nhập vào đội hình được giao nhiệm vụ tấn công Trường Thiết giáp Long Thành, thị xã Bà Rịa. Đợt tấn công tiêu diệt Trường Thiết giáp Long Thành khá thuận lợi nhưng đến khi hướng ra quốc lộ 51 lực lượng của ta bị chống trả quyết liệt bởi tàn quân của địch.

Bọn chúng thiết lập một tuyến phòng ngự khá cứng tại khu vực Nước Trong và gây nhiều tổn thất cho ta. C5 chỉ còn 3 xe tăng có thể chiến đấu, lữ đoàn yêu cầu C4 điều 1 xe lên hỗ trợ, C4 có tất cả 6 xe nhưng có đến 4 xe là xe cán bộ nên quyết định điều xe 380 lên hỗ trợ C5 chọc thủng phòng tuyến Nước Trong để tiến vào Sài Gòn.

Khi đến chân cầu Sài Gòn, địch bố trí khá nhiều công sự và vật cản khắp mặt cầu nhằm cản đường tấn công của quân ta vừa làm nơi bố trí mai phục cho các xe tăng M-48. Quân địch chống trả khá quyết liệt, ngay loạt đạn đầu tiên 2 xe tăng của C1 đã bị bắn cháy.

Đại đội trưởng Thận quan sát kỹ tình hình và thấy xe tăng địch chỉ nhô một chút tháp pháo sau chướng ngại vật nên rất khó ngắm bắn cần phải tập trung hỏa lực của nhiều xe mới có thể tiêu diệt được. Qua liên lạc radio giữa các xe, đại đội trưởng Thận ra lệnh cho các xe tập trung hỏa lực tiêu diệt từng chiếc một.

Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân ta địch bắt đầu hốt hoảng tháo chạy, Lữ đoàn phó Công ra lệnh xung phong vượt cầu. Xe 843 của đại đội trưởng Thận nhấn ga chồm lên phía trước, theo sau là xe 390 và một số xe khác. Lên đến đỉnh cầu Sài Gòn, xe 843 tiêu diệt một chiếc M-41.

Lạc đường

Vượt qua cầu Sài Gòn đường phố vắng tanh, lái xe Hỏa lẩm bẩm theo những gì được chỉ thị ban đầu “chạy thẳng đến ngã tư thứ 7 thì rẽ trái” đúng lúc đó C trưởng Thận nói trong máy “rẽ trái”, phía sau đồng chí Tập lái xe 390 lẩm nhẩm “Thằng cha Hỏa này chạy lạc đường rồi, phải đi thẳng mới đúng chứ”

Xe tăng 843 bị kẹt lại khi húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập bên trái là xe 390 đang húc đổ cổng chính và lao về phía trước.

Xe tăng 843 bị kẹt lại khi húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập bên trái là xe 390 đang húc đổ cổng chính và lao về phía trước. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy xuống xe cầm cờ tiến vào bên trong Dinh Độc Lập(mũi tên) Ảnh tư liệu

Đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập chia thành 2 hướng: Một số xe rẽ trái theo xe 843, một số thì đi theo xe 390. Xe 843 chạy được một đoạn thì C trưởng Thận trở nên bối rối vì không biết Dinh Độc Lập ở đâu, xung quanh vắng tanh chẳng có ai để hỏi.

C trưởng Thận cho xe dừng lại bên đường đúng lúc có một cô gái chạy xe máy ngang qua, C trưởng Thận chặn xe cô gái lại để hỏi đường. Có lẽ do sợ hãi nên cô gái chỉ dừng lại khi ông dùng súng bắn chỉ thiên, sau một hồi trấn an cô gái mới bình tĩnh chỉ căn nhà đồ sộ màu trắng phía xa là Dinh Độc Lập.

Nhảy vội vào xe ông ra lệnh cho cả xe nhanh chóng tiến về phía trước, ông ra lệnh cho pháo thủ Minh bắn vài quả đạn pháo để thị uy quân địch, xui xẻo thế nào mà 2 quả đạn pháo liên tiếp đều không nổ. Trong lúc pháo thủ số 2 Kỷ đang loay hoay lắp viên đạn mới thì xe đã tới sát cổng Dinh Độc Lập.

Do xe đang chạy với tốc độ cao lại phải liên tục tránh chướng ngại vật nên xe 843 bị lạc tay lái và húc vào cổng phụ bên trái, cánh cổng đổ nghiêng xuống nhưng xích xe lại vướng vào trụ cổng làm xe chết máy. Chiếc xe 390 chạy phía sau cứ đinh ninh là xe 843 đã lạc đường.

Trong lúc đang loay hoay khắc phục thì xe 390 cũng lao đến húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, trước tình thế cấp bách, C trưởng Thận nhảy ra khỏi xe lấy lá cờ trên xe 843 một mình chạy bộ vào bên trong Dinh Độc Lập. Chỉ huy xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn cũng là chính trị viên C4 cũng nhanh chóng ra khỏi xe mang theo một khẩu AK-47 chạy theo yểm hộ cho C trưởng Thận lên cắm cờ.

Đúng 11h30 ngày 30/04/1975, lá cờ của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam do C trưởng Thận kéo lên tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quân-ngụy quyền kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đầy gian khổ và ác liệt.

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Hành trình đến Dinh Độc Lập” của tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt, NXB Quân đội nhân dân năm 2008)

Khoảnh khắc ghi lại cảnh xe tăng 843 tiến vào Dinh Độc Lập

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại