Thông tin trên nằm trong báo cáo chi tiêu quốc phòng quốc tế được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) công bố ngày 5/4.
Những quốc gia có ngân sách quốc phòng hàng đầu thế giới
Theo SIPRI, trong năm 2015, Mỹ tiếp tục là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, mặc dù đã giảm 2,4% so với năm 2016, đạt mức 596 tỷ USD (chiếm 36% tổng ngân sách quốc phòng toàn cầu).
Đứng vị trí thứ 2 là Trung Quốc và thứ 3 là Saudi Arabia với mức tăng lần lượt 7,5% và 7% so với năm 2014, đạt 215 tỷ USD (chiếm 13%) và 87,2 tỷ USD (chiếm 5,2%).
Đứng vị trí thứ 4 là Nga với mức 66,4 tỷ USD (chiếm 4%) và vị trí thứ 5 là Anh với 55,4 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Trong Top 15 quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, Australia là quốc gia có mức tăng ngân sách lớn nhất, khoảng 7,8% so với năm 2014. Trong khi đó, quốc gia ngân sách quốc phòng giảm mạnh nhất là Italia với mức giảm 9,9% so với năm 2014.
Chi tiêu quốc phòng của các “cường quốc dầu mỏ” bắt đầu giảm
Trong thập kỷ qua, giá dầu cao đã giúp các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ “mở rộng hầu bao” cho chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, giá dầu hạ liên tục đã làm các quốc gia này phải cân đối lại ngân sách, trong đó có chi tiêu cho quốc phòng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2016.
Đáng chú ý trong xu hướng này là việc Venezuela cắt giảm ngân sách quốc phòng 64% trong năm 2015, còn Angola là 42%. Các quốc gia khác như: Bahrain, Brunei, Chad, Ecuador, Kazakhstan, Oman và Nam Sudan cũng có động thái tương tự.
Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia xuất khẩu dầu đi ngược lại xu hướng này và tiếp tục “mạnh chi” cho mua sắm quốc phòng là Algeria, Azerbaijan, Nga và Saudi Arabia.
Theo SIPRI, trong năm 2015, Saudi Arabia cũng phải cân đối lại ngân sách quốc phòng do thiếu hụt khoảng 5,3 tỷ USD cho các chiến dịch quân sự tại Yemen. Trong năm 2016, Nga và Saudi Arabia có thể sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Mỹ tiếp tục đà giảm chi tiêu quốc phòng?
Bắt đầu từ năm 2009, các quốc gia Bắc Mỹ, phương Tây đã giảm từng ước cắt giảm ngân sách quốc phòng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vì điều này, Mỹ và phương Tây cũng phải rút phần lớn lực lượng khỏi Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, SIPRI đánh giá, xu hướng này đã kết thúc vào năm 2015.
Ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2015 chỉ giảm 2,4% so với năm 2014. Đây là mức giảm thấp nhất trong nhiều năm qua, tuân thủ theo yêu cầu của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Thực tế, mức giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ có thể đã chạm đáy.
Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016 có thể được duy trì tương đương năm 2015.
Trong khi đó, mức giảm ngân sách quốc phòng trung bình của các quốc gia phương Tây và Trung Âu vào khoảng 1,3% so với năm 2014. Đây là mức giảm thấp nhất kể từ năm 2010.
Xu hướng cắt giảm ngân sách của các quốc gia châu Âu có thể sẽ chấm dứt trước mối nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những lời cáo buộc Nga đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu.
Ngân sách quốc phòng của các quốc gia châu Á và châu Đại dương tăng trưởng nóng
Theo SIPRI, trong năm 2015, tổng mức chi tiêu quốc phòng của các quốc gia châu Á và châu Đại Dương tăng 5,4%. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang thay đổi chính sách quốc phòng với việc xem xét lại việc giảm chi tiêu quốc phòng trong nhiều năm qua cũng góp phần vào xu hướng này.
“Chi tiêu quân sự thế giới năm 2015 như một bức tranh nhiều màu sắc. Một mặt của bức tranh thể hiện xu hướng xung đột và căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới.
Mặt khác lại thể hiện việc nhiều quốc gia phải “thắt lưng, buộc bụng” vì giá dầu thấp và khủng hoảng kinh tế trong thập kỷ qua.
Xu hướng chi tiêu quốc phòng toàn cầu sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp do tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới hiện tại và trong tương lai gần”, Tiến sĩ Sam Perlo-Freeman thuộc SIPRI cho biết.