Chi tiết đặc biệt về chiến hạm Mỹ vừa tuần tra "12 hải lý"

Ly Vy |

Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

USS Lassen (DDG-82) thuộc lớp tàu khu trục Arleigh Burke Flight IIA, con tàu được khởi đóng vào ngày 24/08/1998, hạ thủy ngày 16/10/1999 và đưa vào biên chế chính thức vào ngày 21/04/2001.

Hiện tại, tàu khu trục USS Lassen đóng quân tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản.


Tàu khu trục USS Lassen (DDG-82).

Tàu khu trục USS Lassen (DDG-82).

Arleigh Burke Flight IIA là phiên bản hiện đại nhất hiện nay của lớp tàu khu trục Arleigh Burke (Flight IIA nâng cấp và Flight III hiện vẫn chưa đưa vào biên chế tàu nào).

So với các tàu thế hệ trước, phiên bản Flight IIA có chiều dài và lượng giãn nước lớn hơn. Cụ thể, USS Lassen dài 155,3m, rộng 20m, lượng giãn nước lên đến 9.200 tấn, thủy thủ đoàn 320 người.

Tuy có kích thước lớn như vậy nhưng nhờ được trang bị 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500-30 nên tàu có thể đạt được tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ.


Radar AN/SPY-1D trên tàu USS Lassen.

Radar AN/SPY-1D trên tàu USS Lassen.

Hệ thống Aegis trên tàu USS Lassen cũng như các tàu Flight IIA được nâng cấp với ra đa mảng pha AN/SPY-1D mới tăng cường khả năng chống nhiễu và có khả năng dẫn đường cho hơn 100 tên lửa tới mục tiêu nằm cách xa 1.100km.


Pháo hạm Mark 54 Mod 4 trên tàu USS Lassen.

Pháo hạm Mark 54 Mod 4 trên tàu USS Lassen.

Về vũ khí trang bị, Flight IIA hiện nay chia ra thành một số biến thể với thay đổi nhỏ ở cấu hình vũ khí như phiên bản pháo chính, cũng như số lượng hệ thống CIWS trên tàu.

Với tàu USS Lassen, nó được trang bị 1 pháo chính Mark 54 Mod 4 thiết kế tàng hình cỡ nòng 127mm với chiều dài nòng pháo gấp 62 lần đường kính.

Một biến thể khác của Flight IIA trang bị pháo chính cỡ nòng 127mm nhưng chiều dài nòng pháo chỉ gấp 54 lần đường kính nên không thể bắn được các loại đạn tiên tiến hơn.


Bệ phóng Mk 41 phía trước phần thượng tầng.

Bệ phóng Mk 41 phía trước phần thượng tầng.

Ở Flight IIA, các tên lửa chống hạm Harpoon đã bị loại bỏ nhằm tiết kiệm chi phí, do đó việc chống hạm phụ thuộc vào các tên lửa SM.

Số lượng các bệ phóng thẳng đứng Mk 41 ở tàu USS Lassen cũng nhiều hơn thế hệ trước 6 ống phóng với 32 ống phía trước phần thượng tầng vào 64 ống lắp phía sau.


Tàu khu trục USS Lassen phóng tên lửa đánh chặn SM-2.

Tàu khu trục USS Lassen phóng tên lửa đánh chặn SM-2.

Các bệ phóng Mk 41 có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn RIM-66 SM-2, tên lửa đánh đất BGM-109 Tomahawk (đây là loại vũ khí khiến lực lượng Trung Quốc bố trí trái phép trên các đảo ở Trường Sa phải dè chừng), tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-Asroc.

Hệ thống phòng thủ tầm cực gần CIWS gồm 2 hệ thống Phalanx bố trí phía trước phần thượng tầng và phía sau, một số phiên bản Flight IIA sau này đã loại bỏ bớt 1 hệ thống Phalanx phía trước thượng tầng.

Điểm khác biệt tiếp theo của phiên bản Flight IIA so với thế hệ trước là nó được trang bị 2 nhà chứa trực thăng cho trực thăng SH-60B hoặc MH-60R Sea Hawk. Vũ khí chống ngầm trên tàu có 2x3 ống phóng ngư lôi Mk 32.

Hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng trên tàu khu trục USS Lassen trong lần tàu Lassen thăm Đà Nẵng hồi cuối năm 2009.
Hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng trên tàu khu trục USS Lassen trong lần tàu Lassen thăm Đà Nẵng hồi cuối năm 2009.

Một điều đặc biệt hơn nữa của tàu khu trục USS Lassen từng được một người Mỹ gốc Việt chỉ huy, đó là hạm trưởng Lê Bá Hùng. Ông giữ chức vụ này từ tháng 04-2009 đến tháng 12-2010 và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nắm giữ cương vị như vậy.

Vào tháng 11-2009, ông Lê Bá Hùng cùng tàu khu trục USS Lassen đã có chuyến thăm đến Việt Nam, tại cảng Đà Nẵng.

Chỉ huy hiện nay của tàu Lassen là ông Robert Francis từ 13-05-2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại