Châu Á chật chội vì tàu ngầm
Nhận định này được đưa ra bởi tổ chức Tình báo Phòng vệ Chiến lược (DSI) cho biết. Tính đến năm 2015, thị trường tàu ngầm châu Á sẽ tăng từ mức trên 7 tỷ USD lên đến 11 tỷ.
Điều đó có nghĩa là châu Á sẽ vượt qua châu Âu và trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia Sravan Kumar Gorantala của DSI, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc là những nước chính mua tàu ngầm trong bối cảnh những xung đột hàng hải có thể xảy ra ở Biển Đông, ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong tranh chấp ở Biển Đông cùng với việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đã dẫn đến việc gia tăng nhu cầu về tàu ngầm của Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Australia và Việt Nam.
Nhật Bản cũng đã có hành động mua vũ khí của nước ngoài, chủ yếu cho các tầu ngầm lớp Soryu của họ. Nhiều nước đang có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng đã mua máy bay trinh sát.
Tàu ngầm Scorpene của Hải quân Hoàng gia Malaysia.
Theo ông Gorantala, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Philippines và Malaysia trong việc khẳng định chủ quyền các vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông cũng đang thúc đẩy nhu cầu mua vũ khí của các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Thái Lan sắp mua 3 tàu ngầm điện chạy bằng diesel của Trung Quốc.
Vị chuyên gia này còn cho biết Philippines - một nước cũng có những tranh chấp ở Biển Đông, cũng đang mạnh tay chi cho quân đội để bảo vệ chủ quyền.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino mới đây đã hứa sẽ có các lực lượng vũ trang có khả năng và mạnh hơn để đối phó với các thách thức ở Biển Đông khi ông rời nhiệm sở vào năm tới.
Tổng thống Benigno Aquino hứa sẽ chi khoảng 83,9 tỷ peso (khoảng 1,77 tỷ USD) trong giai đoạn 5 năm đến năm 2017 để tăng cường quân đội khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền ở hầu hết Biển Đông.
Lộ số lượng tàu ngầm tại Biển Đông
Được coi là địa điểm nóng trong tranh chấp chủ quyền, vì vậy không có gì lạ khi Biển Đông sở hữu lực lượng tàu ngầm đông đảo bậc nhất thế giới.
Do thế mạnh mà tàu ngầm sở hữu, Indonesia được coi là quốc gia sở hữu tàu ngầm đầu tiên ở Đông Nam Á bởi ngay từ năm 1981, Indonesia đã mua 2 tàu ngầm lớp Cakra (Type 209) do Đức sản xuất, đây được coi là niềm kiêu hãnh của Hải quân Indonesia.
Tới tháng 1/2012 do tình hình bất ổn trong khu vực, Indonesia đã quyết định mua thêm 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc trị giá 1,07 tỷ USD. Dự kiến, tất cả được chuyển giao vào giai đoạn 2015 - 2016.
Hiện tại, Bộ quốc phòng Indonesia đã lên kế hoạch trước năm 2024 sẽ mua ít nhất 12 chiếc tàu ngầm, trong đó bao gồm tàu ngầm lớp Chang Bogo do Hàn Quốc sản xuất, tàu ngầm lớp Amur, tàu ngầm lớp Kilo của Nga, tàu ngầm Type 214 của Đức.
Là một trong những quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, hiện nay hạm đội tàu chiến Malaysia đang sở hữu 2 tàu ngầm điện-diesel lớp Scorpene hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á được đưa vào biên chế từ năm 2009.
Mặc dù không có biệt danh cụ thể nhưng tàu ngầm tấn công điện-diesel lớp Scorpene vẫn là một sát thủ đáng sợ dưới mặt nước. Điểm mạnh của loại tàu ngầm này là được trang bị hệ thống điện tử rất tinh vi thuộc hàng hiện đại nhất của Pháp.
Tàu ngầm được trang bị hệ thống định vị thủy âm hiện đại cả thụ động và chủ động cùng với một hệ thống định vị thủy âm độ phân giải cao để tránh va chạm.
Tàu được vũ trang với 6 máy phóng ngư lôi 533 mm sử dụng loại ngư lôi hạng nặng Black Shark, máy phóng này cũng được sử dụng để phóng tên lửa chống hạm SM-39 Exocet.
Scorpene được làm bằng thép cường lực giúp tàu ngầm có khả năng lặn sâu hơn so với những tàu ngầm khác.
Mặc dù không được trang bị gạch cao su chống định vị thủy âm nhưng với thiết kế thủy động lực học ưu việt cùng với thiết kế chống bộc lộ âm thanh ra bên ngoài tối ưu. Scorpene vẫn là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất hiện nay.
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam.
Tuy là quốc gia không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, Singapore vẫn quyết định hiện đại hóa lực lượng Hải quân của mình. Hiện Hải quân Sigapore được đáng giá có sức mạnh hàng đầu Đông Nam Á.
Năm 1995, Hải quân Singapore đã mua 4 chiếc tàu ngầm loại Challenger từ Hải quân Thụy Điển, biến chúng thành nền tảng triển khai hoạt động chiến đấu dưới mặt nước đầu tiên của nước này.
Đến tháng 11/2005, Hải quân Singapore tiếp tục đặt bút ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm loại Archer từ Thụy Điển.
Điểm nổi bật nhất của tàu ngầm Archer mà Singapore sở hữu là được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP, với loại động cơ này thì Archer xứng đáng là “sát thủ im lặng nhất” Đông Nam Á.
Động cơ đẩy không khí độc lập AIP là loại động cơ được thiết kế với khả năng hoạt động mà không phụ thuộc vào không khí bên ngoài qua đó giúp tàu ngầm hoạt động êm hơn, ở dưới nước lâu hơn và khả năng bị phát hiện do phải nỗi lên thấp hơn.
Tàu ngầm lớp Archer được trang bị 2 động cơ chu trình đóng Stirling cùng 2 động cơ diesel, tốc độ khi nổi 15 km/h, tốc độ khi lặn 28 km/h.
Ngoài việc được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập, tàu ngầm Archer còn được bổ sung tính năng tàng hình cùng hệ thống điện tử hiện đại.
Về vũ khí Archer được trang bị tới 9 máy phóng ngư lôi với 6 máy phóng ngư lôi 533 mm và 3 máy phóng ngư lôi 400 mm.
Tuy nhiên, điểm yếu của loại tàu ngầm này là tốc độ tương đối chậm, tốc độ tối đa của tàu ngầm này chỉ 28 km/h so với 37 km/h của tàu ngầm Scorpene và 40 km/h của Kilo thì đây là một bất lợi.
Ngoài ra, loại tàu ngầm này không có khả năng phóng tên lửa chống hạm cũng làm giảm đi sự nguy hiểm của nó.
Để tiếp tục tăng cường sức mạnh cho lực lượng tàu ngầm, cuối tháng 11/2013 vừa qua, Singapore tiếp tục ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm Type 218SG của Đức, kèm điều khoản đào tạo thủy thủ và chuyên viên kỹ thuật.
Trong khi đó, năm 2009 Việt Nam đã ký bản hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo của Nga trị giá lên đến 2 tỷ USD. Tàu ngầm Kilo của Việt Nam được đánh giá là một trong những tàu ngầm “chạy êm” nhất thế giới.
Tàu có khả năng tấn công tiêu diệt tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và thậm chí có thể vô hiệu hóa hoặc đánh chìm tàu sân bay đối phương. Điều làm nên sức mạnh của tàu ngầm Kilo nằm ở một trong những loại vũ khí tối tân trên tàu, hệ thống tên lửa hành trình Klub-S.
Được biết, tàu lớp Kilo cũng là lựa chọn của Myanmar khi nước này vừa khởi động thương thảo với giới chức Nga về việc mua 2 tàu ngầm loại này.
Đồng thời, 20 sĩ quan Myanmar đã tham gia khóa huấn luyện cơ bản tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm PNS Bahadur ở Pakistan. Hai sự kiện trên cho thấy Naypyidaw quyết tâm kiến tạo một lực lượng tàu ngầm trước năm 2015.
Về phần mình, Hải quân Thái Lan dự định mua 3 tàu ngầm trong 10 năm tới. Nước này gần đây bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho một trung tâm và căn cứ huấn luyện tàu ngầm, cũng như đã cử người tham gia các khóa huấn luyện ở Đức và Hàn Quốc.
Tại Philippines, tàu ngầm cũng đã được đưa vào danh sách ưu tiên mua sắm của Bộ Quốc phòng nước này.